Nguyên tắc áp dụng ưu đãi đầu tư

Ưu đãi đầu tư là một trong những chính sách hiệu quả của nhà nước để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng hiểu rõ về chính sách cũng như các nguyên tắc áp dụng các ưu đãi đầu tư. Nắm bắt được hiện trạng đó, Công ty Luật Thành Đô xin gửi tới quý bạn đọc nội dung chi tiết nhất, để có cái nhìn chi tiết hơn về "Nguyên tắc áp dụng ưu đãi đầu tư".

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ VỀ ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ

– Luật đầu tư 2020;

Nghị định 31/2021/NĐ-CP  quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật đầu tư;

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀN LIÊN QUAN VỀ ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ

2.1. Khái niệm ưu đãi đầu tư

Ưu đãi đầu tư được hiểu là dành những quyền lợi đặc biệt hơn, tốt hơn cho các nhà đầu tư khi họ đầu tư vào những lĩnh vực hoặc địa bàn được khuyến khích đầu tư.

2.2. Đối tượng ưu đãi đầu tư

Tại điều 19 Nghị định 31/2021/NĐ-CPkhoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư 2020 các đối tượng ưu đãi đầu tư gồm:

 – Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư hoặc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định tại Phụ lục II của Nghị định 31/2021/NĐ-CP

– Dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Phụ lục III của Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

– Dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng ưu đãi đầu tư

+ Thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư (đối với dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) hoặc Quyết định chấp thuận nhà đầu tư (đối với dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư);

+  Có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng từ 3.000 lao động thường xuyên bình quân hằng năm trở lên theo quy định của pháp luật về lao động chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu.

 – Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên; dự án đầu tư sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật;

– Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ; dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, pháp luật về khoa học và công nghệ; doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

 – Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển;

–  Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2.3. Hình thức ưu đãi đầu tư

Căn cứ vào khoản 1 Điều 15 Luật đầu tư 2020 hình thức ưu đãi đầu tư gồm:

– Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theơ quy định cùa pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;

– Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

– Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất;

– Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

2.4. Các ngành nghề được ưu đãi đầu tư

Luật Đầu tư 2020 bổ sung thêm một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư gồm:

– Giáo dục đại học;

– Sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;

– Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển;

– Bảo quản thuốc, sản xuất trang thiết bị y tế;

– Sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.

Luật Thành Đô

III. NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ

Nguyên tắc áp dụng ưu đãi đầu tư nhằm đảm bảo sự công bằng, tính chính xác trong việc áp dụng, tránh tình trạng áp dụng ồ ạt, khó kiểm soát gây thất thu cho nhà nước. Vì vậy, nguyên tắc áp dụng ưu đãi đầu tư được pháp luật quy định rất đầy đủ chi tiết. Cụ thể:

  1. Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời có một trong các tiêu chí sau: có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động hưởng ưu đãi đầu tư như quy định đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
  2. Dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên và dự án sử dụng lao động là người khuyết tật quy định tại các điểm b và c khoản 4 Điều 19, Nghị định này được hưởng ưu đãi đầu tư như quy định đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
  3. Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn được hưởng ưu đãi đầu tư như quy định đối với dự án đầu tư thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
  4. Mức ưu đãi cụ thể đối với dự án đầu tư quy định tại Mục a,b,c phần III bài viết được áp dụng theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán và đất đai.
  5. Đối với dự án đầu tư đáp ứng điều kiện hưởng các mức ưu đãi đầu tư khác nhau trong cùng một thời gian thì nhà đầu tư được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi cao nhất.
  6. Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư được áp dụng như sau:

– Mức ưu đãi, thời hạn áp dụng ưu đãi đặc biệt về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuê mặt nước thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đất đai;

– Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt được áp dụng đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và toàn bộ cơ sở trực thuộc đặt ngoài trụ sở chính của Trung tâm;

–  Nhà đầu tư đề xuất áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt phải cam kết đáp ứng các điều kiện về ngành, nghề đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư, mức vốn giải ngân, thời hạn giải ngân quy định tại các điểm a và b khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư và các điều kiện khác ghi tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc thỏa thuận bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

–  Thủ tướng Chính phủ quyết định mức, thời gian ưu đãi đầu tư đặc biệt theo các tiêu chí về công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi, giá trị sản xuất trong nước đối với các dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư.

Ưu đãi đầu tư trong trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là tổ chức lại tổ chức kinh tế); chia, tách, sáp nhập và chuyển nhượng dự án đầu tư được áp dụng như sau:

– Tổ chức kinh tế được hình thành trên cơ sở tổ chức lại tổ chức kinh tế hoặc nhà đầu tư nhận chuyển nhượng dự án đầu tư được kế thừa các ưu đãi đầu tư áp dụng đối với dự án đầu tư (nếu có) trước khi tổ chức lại hoặc nhận chuyển nhượng nếu vẫn đáp ứng các điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư;

–  Dự án đầu tư được hình thành trên cơ sở chia, tách dự án đáp ứng điều kiện hưởng mức ưu đãi đầu tư nào thì được hưởng mức ưu đãi đầu tư đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án trước khi chia, tách;

–  Dự án đầu tư được hình thành trên cơ sở sáp nhập dự án được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo các điều kiện hưởng ưu đãi của từng dự án trước khi sáp nhập nếu vẫn đáp ứng điều kiện. Trường hợp dự án được sáp nhập đáp ứng các điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư khác nhau thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo từng điều kiện khác nhau đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại.

Trường hợp khu công nghiệp, khu chế xuất đã được thành lập theo quy định của Chính phủ được cấp có thẩm quyền phê duyệt đưa ra khỏi quy hoạch hoặc chấp thuận chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác hoặc dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật về đầu tư thì các dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu chế xuất được tiếp tục hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại Giấy phép đầu tư, Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản quyết định chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc văn bản khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quy định về ưu đãi đầu tư (nếu có một trong các loại giấy tờ đó) hoặc theo quy định của pháp luật có hiệu lực tại thời điểm đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất (trong trường hợp không có các loại giấy tờ đó).

Trên đây là một số tư vấn của công ty Luật Thành Đô liên quan đến Nguyên tắc áp dụng ưu đãi đầu tưVới đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm khi đến với Luật Thành Đô Quý khách sẽ được tư vấn và giải đáp mọi vướng mắc liên quan đến vấn đề đầu tư.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn