Giấy phép xuất khẩu lao động - Tư vấn chi tiết 2024

Giấy phép xuất khẩu lao động là giấy phép cấp cho doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ở nước ta hiện nay, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (hoạt động xuất khẩu lao động) đang ngày một nở rộ. Số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài các năm trở lại đây tăng vọt. Thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam ngày càng rộng mở tạo cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp cũng như tạo cơ hội việc làm cho hàng triệu người lao động Việt Nam. Luật Thành Đô xin gửi tới Quý khách hàng những tư vấn, phân tích cũng như các quy trình liên quan đến Thủ tục xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động.

Tư vấn điều kiện, hồ sơ, thủ tục xin giấy phép xuất khẩu lao động

1. CƠ SỞ PHÁP LÝ VỀ GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Khi thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép xuất khẩu lao động, trước tiên Quý khách hàng cần lưu ý các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Các quy định của pháp luật liên quan đến thủ tục xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động gồm:

- Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020;

- Luật Doanh nghiệp 2020;

- Nghị định 112/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

- Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;

- Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

- Các văn bản hướng dẫn có liên quan khác;

2. GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG LÀ GÌ?

Giấy phép xuất khẩu lao động là giấy phép cấp cho các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Căn cứ theo Điều 8 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định:

Điều 8. Hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

1. Hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và chỉ được thực hiện bởi doanh nghiệp Việt Nam có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp.

2. Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây gọi là doanh nghiệp dịch vụ) phải duy trì các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật này và đáp ứng các điều kiện của từng thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể theo quy định của Chính phủ trong suốt quá trình hoạt động.

Giấy phép xuất khẩu lao động có hoa văn màu vàng nhạt, nền trống đồng, hình Quốc huy và tên viết tắt của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bằng tiếng Anh (MOLISA) được in chìm, trên giấy bìa cứng kích thước khổ A4 (21 cm x 29,7 cm), khung viền màu xanh.

Như vậy, doanh nghiệp muốn hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam xuất khẩu lao động thì cần phải xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động trước khi tiến hành thực hiện hoạt động nêu trên.

3. ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Theo quy định của pháp luật hiện hành, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động cần phải đáp ứng đủ các điều kiện mà Luật Thành Đô đã tổng hợp và phân tích dưới đây.

3.1. Điều kiện về vốn điều lệ công ty xuất khẩu lao động

Doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động phải có vốn điều lệ từ 05 tỷ đồng trở lên.

Theo đó, doanh nghiệp cần chứng minh có đủ số vốn tối thiểu là 05 tỷ đồng. Thông thường, việc chứng minh vốn điều lệ thông qua xác nhận số dư tài khoản của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.

Lưu ý: Đối với các doanh nghiệp đã được thành lập hay có hoạt động kinh doanh hơn một năm thì ngoài xác nhận số dư tài khoản cần phải nộp báo cáo kiểm toán.

3.2. Điều kiện về chủ sở hữu, thành viên, cổ đông

Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động phải là doanh nghiệp có chủ sở hữu, tất cả thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước.

Như vậy có nghĩa rằng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì đều không thể xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động mà bắt buộc phải là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư trong nước.

3.3. Tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động

Theo quy định tại Điều 23 Nghị định 112/2021/NĐ-CP, khi thực hiện xin giấy phép xuất khẩu lao động, doanh nghiệp phải ký quỹ số tiền là 2.000.000.000 VNĐ (Hai tỷ đồng) tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Trường hợp doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động thì phải ký quỹ thêm 500.000.000 VNĐ (Năm trăm triệu đồng) đối với mỗi chi nhánh được giao nhiệm vụ.

Số tiền ký quỹ này sẽ bị phong tỏa trong tài khoản ngân hàng trong suốt quá trình hoạt động xuất khẩu lao động.

Các tài liệu doanh nghiệp phải cung cấp nhằm phục vụ cho việc chứng minh hoạt động kỹ quỹ gồm:

- Hợp đồng ký quỹ;

- Giấy xác nhận kỹ quỹ;

Ngoài các điều kiện nêu trên, doanh nghiệp cần phải thỏa mãn các điều kiện khác theo quy định.

3.4. Người đại diện pháp luật của công ty xuất khẩu lao động

Theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 10 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải có người đại diện theo pháp luật là công dân Việt Nam, có trình độ từ đại học trở lên và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc dịch vụ việc làm; không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; không có án tích về một trong các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội quảng cáo gian dối, tội lừa dối khách hàng, tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

3.5. Đội ngũ nhân viên nghiệp vụ

Theo quy định tại Điều 9 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định 8 nội dung hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải xây dựng bộ máy nhân viên nghiệp vụ tối thiểu 8 người chịu trách nhiệm thực hiện và đáp ứng một trong các tiêu chí dưới đây:

- Tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên thuộc nhóm ngành đào tạo trong lĩnh vực pháp luật, nhân văn, dịch vụ xã hội, khoa học xã hội và hành vi hoặc kinh doanh và quản lý;

- Tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên khác với các lĩnh vực nêu trên và có ít nhất 02 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bên cạnh đó, các nhân viên nghiệp vụ chuyên trách phải có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật.

3.6. Cơ sở vật chất của doanh nghiệp xin giấy phép xuất khẩu lao động

Doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động phải có cơ sở vật chất để làm việc và cơ sở để tổ chức giáo dục định hướng cho người lao động.

Cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng phải đảm bảo điều kiện an toàn, vệ sinh và đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

- Có phòng học và phòng nội trú cho ít nhất 100 học viên tại một thời điểm; có nơi sơ cứu, cấp cứu với trang thiết bị, phương tiện sơ cứu, cấp cứu;

- Phòng học có diện tích tối thiểu 1,4m2/học viên, có trang thiết bị cơ bản phục vụ học tập;

- Phòng nội trú có diện tích tối thiểu 3,5 m2/học viên, có trang thiết bị cơ bản đảm bảo phục vụ sinh hoạt nội trú; bố trí không quá 12 học viên/phòng; khu vực nội trú bố trí tách biệt cho học viên nam và nữ, có đủ buồng tắm và nhà vệ sinh.

Trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu lao động thuê cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng thì thời hạn thuê phải còn ít nhất 02 năm tại thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu lao động.

Doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động phải duy trì quyền sử dụng hợp pháp cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng trong suốt thời gian hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

3.7. Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp xin giấy phép xuất khẩu lao động

Doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động phải thiết lập trang thông tin điện tử, có tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”. Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp phải bảo đảm hoạt động thường xuyên, liên tục theo quy định của pháp luật về quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng.

Doanh nghiệp xuất khẩu lao động có nghĩa vụ đăng tải thông tin cơ bản của doanh nghiệp, đăng hình ảnh Giấy phép sau khi được cấp và nội dung thông tin về hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ngoài ra, trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp dịch vụ phải đăng tải thêm các thông tin về người đại diện theo pháp luật; danh sách nhân viên nghiệp vụ; địa chỉ trụ sở chính, địa điểm kinh doanh, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; quyết định giao nhiệm vụ cho chi nhánh và cập nhật khi có sự thay đổi về những nội dung này; văn bản của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấp thuận về việc chuẩn bị nguồn lao động; thông tin đầy đủ, chính xác về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn, điều kiện làm việc, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động theo nội dung hợp đồng cung ứng lao động; danh sách người lao động tham gia chuẩn bị nguồn và được tuyển chọn.

Liên hệ Luật Thành Đô- Tư vấn giấy phép xuất khẩu lao động

4. HỒ SƠ XIN CẤP GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Doanh nghiệp phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động dịch vụ bao gồm như sau:

(1) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép của doanh nghiệp;

(2) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

(3) Bản chính giấy xác nhận nộp tiền ký quỹ hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

(4) Bản sao Điều lệ của doanh nghiệp tại thời điểm đề nghị cấp giấy phép và giấy tờ chứng minh việc góp vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp;

Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới hình thức Công ty cổ phần thì phải cung cấp thêm 01 bản sao sổ đăng ký cổ đông mới nhất;

(5) Hồ sơ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, bao gồm:

- Bản sao bằng cấp chuyên môn từ đại học trở lên;

- Văn bản xác nhận kinh nghiệm từ 05 năm trở lên trong lĩnh vực xuất khẩu lao động hoặc dịch vụ việc làm;

- Phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 06 tháng trước thời điểm đề nghị cấp phép;

(6) Danh sách trích ngang nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng kèm theo tài liệu chứng minh đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;

(7) Hợp đồng thuê/mượn hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ sở vật chất để giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

(7) Văn bản chứng minh có trang thông tin điện tử;

5. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Khi thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động, Quý khách hàng cần phải tuân thủ và thực hiện các đúng và đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật để được giấy phép xuất khẩu lao động. Luật Thành Đô xin gửi Quý khách hàng quy trình xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động dưới đây.

5.1. Quy trình nộp và giải quyết hồ sơ xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động

Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý hồ sơ cấp giấy phép xuất khẩu lao động

Doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Cục quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, địa chỉ: 41B Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Trong trường hợp Quý khách sử dụng dịch vụ xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động của Luật Thành Đô, chúng tôi sẽ thay mặt doanh nghiệp liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để nộp hồ sơ, nhận kết quả và bàn giao cho Khách hàng Giấy phép xuất khẩu lao động.

Quy trình và thời hạn cấp giấy phép xuất khẩu lao động

Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định thì Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét cấp Giấy phép xuất khẩu lao động cho doanh nghiệp sau khi lấy ý kiến của một trong những người có thẩm quyền sau:

- Thủ trưởng cơ quan ra quyết định thành lập hoặc đề nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập đối với doanh nghiệp nhà nước;

- Người ra quyết định thành lập đối với doanh nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp;

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính với doanh nghiệp không thuộc 02 trường hợp đã nêu ở trên.

Trường hợp không cấp Giấy phép xuất khẩu lao động, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải trả lời và nêu rõ lý do bằng văn bản cho doanh nghiệp.

5.2. Lệ phí cấp Giấy phép xuất khẩu lao động

Lệ phí cấp Giấy phép xuất khẩu lao động là 5 triệu đồng. Doanh nghiệp nộp lệ phí cấp Giấy phép tại thời điểm nhận Giấy phép.

6. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG

- Ký kết và thực hiện hợp đồng, thỏa thuận liên quan đến việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Tìm kiếm, phát triển thị trường lao động ở nước ngoài; cung cấp thông tin, quảng cáo, tư vấn về cơ hội việc làm ở nước ngoài.

- Chuẩn bị nguồn lao động và tuyển chọn người lao động.

- Tổ chức bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

- Quản lý người lao động; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

- Hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi về nước.

7. DỊCH VỤ XIN GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Hiện nay, Luật Thành Đô là đơn vị hàng đầu cung cấp dịch vụ hỗ trợ thủ tục xin cấp Giấy phép xuất khẩu lao động. Chúng tôi đã hỗ trợ tư vấn và xin cấp phép cho hơn 100 doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu lao động trên cả nước hiện nay.

Luật Thành Đô cung cấp dịch vụ xin giấy phép xuất khẩu lao động trọn gói, nhanh nhất, chính xác nhất với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao và đã tư vấn trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cam kết hoàn lại 100% phí dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp không được cấp giấy phép xuất khẩu lao động.

Công ty Luật Thành Đô luôn sẵn sàng tư vấn miễn phí và hỗ trợ doanh nghiệp về các dịch vụ pháp lý nổi bật khác.

8. HỎI ĐÁP VỀ GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Câu hỏi 1: Giấy phép xuất khẩu lao động có thời hạn không?

Theo quy định của pháp luật hiện nay, không có quy định nào giới hạn về thời hạn của giấy phép xuất khẩu lao động. Vì vậy, các doanh nghiệp đáp ứng và duy trì đầy đủ điều kiện của hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động 01 lần và hoạt động theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 2: Sau khi được cấp giấy phép xuất khẩu lao động, tôi phải làm gì?

Sau khi quý khách hàng được cấp giấy phép xuất khẩu lao động, khách hàng phải thực hiện các thủ tục về công bố và niêm yết giấy phép. Cụ thể như sau:

- Doanh nghiệp dịch vụ phải niêm yết công khai bản sao Giấy phép tại trụ sở chính trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Giấy phép được cấp;

- Đăng tải Giấy phép và các thông tin bắt buộc phải đăng tải trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.

Câu hỏi 3: Doanh nghiệp xuất khẩu lao động được thành lập bao nhiêu chi nhánh hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng?

Trước đây, theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động chỉ được giao nhiệm vụ cho tối đa 03 chi nhánh để thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, quy định hiện nay không còn quy định giới hạn số lượng chi nhánh được giao nhiệm vụ.

Do vậy, doanh nghiệp được giao nhiệm vụ cho chi nhánh hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không có giới hạn số lượng chi nhánh, nhưng cần lưu ý rằng doanh nghiệp sẽ phải ký quỹ 500.000.000 VNĐ (Năm trăm triệu) khi mở 01 chi nhánh xuất khẩu lao động.

 

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận