Trong xã hội phát triển mạnh mẽ về khoa học cùng với sự bùng nổ về công nghệ thông tin như hiện nay, việc đầu tư phát triển kinh tế hết sức được coi trọng. Một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự vững mạnh của nền kinh tế phải kể đến vai trò của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp tham gia vào hầu hết các lĩnh vực kinh doanh trong xã hội như thành lập và hoạt động bệnh viện, phòng khám đa khoa, chuyên khoa, kinh doanh lữ hành quốc tế, tư vấn du học, xuất khẩu lao động, cho thuê lại lao động, dịch vụ việc làm, phân phối rượu, bán buôn rượu,... Vì vậy việc xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là bước đầu tiên trong quy trình thực hiện thủ tục pháp lý để thực hiện các hoạt động kinh doanh nói trên. Trong nội dung bài viết dưới đây, Luật Thành Đô sẽ giúp cho Quý khách hàng cái nhìn tổng quan về thủ tục này.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
- Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14;
- Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 về đăng ký doanh nghiệp;
- Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 04 năm 2021 quy định chi tiết một số điều của Luật doanh nghiệp;
- Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT ngày 08 tháng 01 năm 2019 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT về hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp;
- Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam;
- Văn bản pháp luật khác có liên quan.
II. CHUẨN BỊ THÔNG TIN ĐỂ XIN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP
Trước khi tiến hành các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, khách hàng cần chuẩn bị một số thông tin cần thiết như sau:
(1) Lựa chọn loại hình doanh nghiệp: Ở Việt Nam hiện nay có 4 loại hình doanh nghiệp: Công ty TNHH (gồm Công ty TNHH một thành viên, Công ty TNHH hai thành viên trở lên); Công ty cổ phần; Công ty hợp danh; Doanh nghiệp tư nhân. Quý khách hàng có thể dựa vào một số yếu tố để cân nhắc lựa chọn loại hình công ty phù hợp như: Trách nhiệm pháp lý, thuế, vốn, thành viên, khả năng chuyển nhượng,…
(2) Đặt tên cho công ty: tên công ty cần ngắn gọn, dễ nhớ, không bị trùng lặp hoặc dễ gây hiểu nhầm với các đơn bị đã thành lập trước đó, không vi phạm các điều cấm của pháp luật.
(3) Xác định địa chỉ làm trụ sở chính của công ty: Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam nhưng không được đặt tại nhà tập thể hoặc nhà chung cư, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
(4) Xác định vốn điều lệ của công ty: Vốn điều lệ được đóng góp bởi thành viên, cổ đông hoặc cam kết sẽ góp trong thời hạn đã thỏa thuận và được ghi vào điều lệ của công ty.
(5) Xác định người đại diện theo pháp luật của công ty: Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
(6) Xác định ngành nghề kinh doanh: Việc lựa chọn ngành nghề kinh doanh phù hợp khi thành lập doanh nghiệp là việc làm bắt buộc bởi doanh nghiệp chỉ được phép kinh doanh trong phạm vi những ngành nghề đã đăng ký. Chủ doanh nghiệp có quyền tùy ý lựa chọn ngành nghề mình muốn hoặc dự định sẽ kinh doanh.
Ví dụ: Đối với doanh nghiệp có các hoạt động liên quan đến bệnh viện cần lưu ý mã ngành "8610: Hoạt động của các bệnh viện, trạm y tế".
III. HỒ SƠ XIN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP
Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bao gồm các tài liệu sau:
(1) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
(2) Điều lệ công ty;
(3) Danh sách thành viên đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty hợp danh; Danh sách cổ đông sáng lập, danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần;
(4) Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu) đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là cá nhân; Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người đại diện theo ủy quyền và văn bản ủy quyền tương ứng đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là tổ chức;
(5) Văn bản ủy quyền trong trường hợp ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện thủ tục.
IV. THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Cá nhân, tổ chức xin cấp phép chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quy định tại Mục III bài viết này.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Nộp 01 hồ sơ đến cơ quan đăng ký kinh doanh: Phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh/thành phố nơi dự kiến đặt trụ sở chính của doanh nghiệp.
Bước 3: Xét duyệt hồ sơ
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp;
- Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
Bước 4: Trả kết quả
Sau khi xét thấy hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ trả kết quả là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trên đây là nội dung bài viết về thủ tục “Xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”. Trường hợp có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này xin vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật Thành Đô để được tư vấn và giải đáp.
Bình luận