Thủ tục đơn phương ly hôn

Hôn nhân là nền tảng của hạnh phúc gia đình. Song trong quá trình chung sống, vì nhiều yếu tố mà vợ chồng buộc phải ly hôn. Theo quy định của pháp luật, ngoài trường hợp ly hôn thuận tình (có sự tự nguyện của cả hai bên), còn có trường hợp ly hôn đơn phương (ly hôn theo yêu cầu của một bên). Đây cũng là vấn đề pháp lý được nhiều người quan tâm. Vậy thủ tục xin ly hôn theo yêu cầu của một bên được thực hiện như thế nào, cần những điều kiện gì? Bài viết tư vấn sau đây của Công ty Luật Thành Đô sẽ giúp các bạn phần nào có câu trả lời chính xác nhất.

Thủ tục đơn phương ly hôn

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật Hôn nhân và Gia đình số 52/2014/QH13;

- Nghị định số 126/2014/NĐ-CP, ngày 31 tháng 12 năm 2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình;

- Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, ngày 06 tháng 01 năm 2016, Hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình.

II. ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN THỦ TỤC ĐƠN PHƯƠNG LY HÔN

Theo Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia định 2014, Tòa án sẽ xem xét giải quyết yêu cầu ly hôn của vợ hoặc chồng nếu xét thấy có một trong các căn cứ sau:

- Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài;

- Vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố mất tích;

- Vợ hoặc chồng bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác không thể nhận thức, làm chủ được hành vi, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do vợ, chồng của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Trong các căn cứ được trên, việc “hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài” được hiểu là vợ, chồng không còn yêu thương, chăm sóc nhau, thường xuyên có hành vi đánh đập, xúc phạm đối phương hoặc một trong hai bên có quan hệ ngoại tình…

III. HỒ SƠ THỰC HIỆN THỦ TỤC ĐƠN PHƯƠNG LY HÔN

Để thực hiện được thủ tục đơn phương ly hôn, vợ (chồng) cần chuẩn bị bộ hồ sơ gồm các tài liệu sau:

(1) Đơn xin ly hôn theo mẫu quy định;

(2) Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);

(3) Chứng minh nhân dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);

(4) Giấy khai sinh của các con (nếu có con chung, bản sao có chứng thực);

(5) Sổ hộ khẩu gia đình (bảo sao có chứng thực);

(6) Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung (nếu có tài sản chung, bản sao có chứng thực).

Trường hợp vợ (chồng) có yêu cầu ly hôn mà không giữ Giấy chứng nhận kết hôn thì có thể liên hệ với cơ quan hộ tịch nơi đã đăng ký kết hôn để xin cấp bản sao. Hoặc nếu không có Chứng minh nhân dân của vợ/chồng thì theo hướng dẫn của Tòa án để nộp giấy tờ tùy thân khác thay thế.

IV. QUY TRÌNH THỰC HIỆN THỦ TỤC ĐƠN PHƯƠNG LY HÔN

Theo quy định của pháp luật hiện hành, trong trường hợp ly hôn đơn phương, theo nguyên tắc chung thì Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú là nơi có thẩm quyền giải quyết. Các bên có thể thỏa thuận bằng văn bản Tòa án giải quyết là Tòa án nơi cư trú của nguyên đơn. Ngoài ra, nguyên đơn cũng có quyền lựa chọn Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc cuối cùng hoặc Tòa án nơi nguyên đơn cư trú để giải quyết trong một số trường hợp đặc biệt.

Cụ thể, quy trình thực hiện thủ tục đơn phương ly hôn được thực hiện theo các bước dưới đây:

Bước 1: Sau khi chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ nêu trên, vợ (chồng) có yêu cầu ly hôn cần gửi hồ sơ đến Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi vợ hoặc chồng (bị đơn) đang cư trú;

Bước 2: Sau khi nhận đơn khởi kiện cùng hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Tòa án kiểm tra đơn và ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí;

Bước 3: Vợ (chồng) có yêu cầu ly hôn nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án quận/huyện và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án;

Bước 4: Trong thời hạn 15 ngày làm việc, Tòa án tiến hành triệu tập lấy lời khai, hòa giải và tiến hành thủ tục theo quy định pháp luật tố tụng dân sự;

Bước 5: Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hòa giải không thành, không thay đổi quyết định về việc ly hôn. Nếu các bên không thay đổi ý kiến Tòa án ra quyết định công nhận ly hôn.

Trường hợp Tòa án không chấp nhận yêu cầu ly hôn, vợ (chồng) yêu cầu ly hôn có quyền kháng cáo để Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử phúc thẩm theo quy định pháp luật. Theo đó, thời hạn giải quyết được thực hiện như sau:

– Giải quyết ly hôn tại cấp sơ thẩm: khoảng từ 4 đến 6 tháng (nếu có tranh chấp tài sản, phức tạp thì có thể kéo dài hơn).

– Giải quyết ly hôn tại cấp phúc thẩm: khoảng từ 3 đến 4 tháng (nếu có kháng cáo);

Tuy nhiên, Chúng tôi hy vọng rằng các cặp vợ chồng có yêu cầu ly hôn có thể giải quyết thông qua hòa giải của Tòa án.

Thủ tục đơn phương ly hôn

V. LƯU Ý THỰC HIỆN THỦ TỤC ĐƠN PHƯƠNG LY HÔN

Trong quá trình thực hiện thủ tục đơn phương ly hôn, người đơn phương ly hôn cần lưu ý:

– Về thẩm quyền yêu cầu đơn phương ly hôn:

+ Vợ hoặc chồng.

+ Vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích.

+ Cha mẹ hoặc người thân thích khác cũng có quyền nếu một bên vợ hoặc chồng bị mắc bệnh tâm thần, không làm chủ được hành vi đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Chồng không có quyền yêu cầu đơn phương ly hôn nếu vợ đang mang thai hoặc con dưới 12 tháng tuổi;

– Chồng (vợ) có thể yêu cầu Tòa án nơi làm việc của Bị đơn giải quyết nếu không xác định được nơi cư trú bị đơn;

Các con từ 7 tuổi đến dưới 18 tuổi sẽ được Tòa án sẽ triệu tập để lấy lời khai về nguyện vọng sống với bố/mẹ.

Trên đây là những vấn đề pháp lý quan trọng về thủ tục đơn phương ly hôn mà người có yêu cầu ly hôn đơn phương cần nắm chắc. Mọi thắc mắc về thủ tục xin liên hệ Công ty Luật Thành Đô để được chúng tôi tư vấn chi tiết và miễn phí.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn