THỦ TỤC DÁN NHÃN HÀNG HÓA

Nhãn hàng hoá là bản viết, bản vẽ, bản in, bản chụp của hình ảnh, chữ của hình vẽ được dán, đính, in, chạm, đúc, khắc trực tiếp trên bao bì thương phẩm, hàng hóa của hàng hoá hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá.

Hàng hóa lưu thông trong nước, hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu phải có nhãn hàng hóa, trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật.

Với đội ngũ luật sư dày dặn kinh nghiệm, tư vấn trong nhiều lĩnh vực, Luật Thành Đô trân trọng giới thiệu bài viết về Dán nhãn hàng hóa.

Thủ tục dán nhãn hàng hóa

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007;

- Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa;

- Các văn bản pháp luật có liên quan.

II. CÁC QUY ĐỊNH VỀ NHÃN HÀNG HÓA

Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc dán nhãn hàng hóa được quy định cụ thể quy quy cách dãn nhãn, ngôn ngữ, nội dung phải thể hiện trên nhãn hàng hóa.

2.1. Hình thức của dán nhãn

2.1.1. Vị trí dãn nhãn

Nhãn hàng hóa phải được dán ở vị trí có thể quan sát nhận biết rõ ràng, thể hiện đầy đủ  các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa.

Trường hợp không thể mở bao bì thì bao bì ngoài phải có nhãn và trình bày đầy đủ các nội dung bắt buộc.

- Kích thước của nhãn hàng hóa:

+ Phải ghi được nội dung đầy đủ của hàng hóa theo quy định của pháp luật.

+ Kích thước chữ và số phải đảm bảo nhìn được rõ nét bằng mắt thường.

- Màu sắc của chữ, ký hiệu và hình ảnh trên nhãn hàng hóa: phải rõ ràng.

2.1.2. Ngôn ngữ trình bày trong nhãn hàng hóa

Theo quy định của pháp luật hiện hành, ngôn ngữ trình bày trong nhãn hàng hóa bắt buộc phải là nhãn tiếng Việt.

Đối với hàng hóa lưu thông trong nước, ngoài việc bắt buộc phải thể hiện bằng tiếng Việt, doanh nghiệp vẫn có thể sử dụng tiếng nước ngoài kèm theo, tuy nhiên kích thước của tiếng nước ngoài không được lớn hơn kích thước của tiếng Việt.

- Trường hợp là hàng hóa nhập khẩu mà trên nhãn chưa thể hiện đầy đủ nội dung, bắt buộc phải dán nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và phải giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa.

Lưu ý: Một số nội dung sau được phép thể hiện ngôn ngữ bằng tiếng La tinh:

- Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thuốc dùng cho người trong trường hợp không có tên tiếng Việt;

- Tên quốc tế hoặc tên khoa học kèm công thức hoá học, công thức cấu tạo của hoá chất;

- Tên quốc tế hoặc tên khoa học của thành phần, thành phần định lượng của hàng hoá trong trường hợp không dịch được ra tiếng Việt hoặc dịch được ra tiếng Việt nhưng không có nghĩa;

- Tên và địa chỉ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất, nhượng quyền sản xuất hàng hoá.

2.2. Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa

2.2.1. Tên hàng hoá: tên này do tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa tự đặt.

2.2.2. Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá

- Hàng hoá được sản xuất trong nước thì ghi tên của tổ chức, cá nhân và địa chỉ cơ sở sản xuất hàng hoá đó.

- Hàng hoá được nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu.

- Hàng hoá của tổ chức, cá nhân làm đại lý bán hàng trực tiếp cho thương nhân nước ngoài nhập khẩu hàng hoá vào Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân làm đại lý bán hàng hoá đó.

- Hàng hoá được nhượng quyền hoặc cho phép của một tổ chức, cá nhân khác thì ngoài việc thực hiện như quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này còn phải ghi thêm tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhượng quyền hoặc cho phép.

2.2.3. Xuất xứ hàng hoá

- Đối với hàng hóa nhập khẩu: cách ghi là “sản xuất tại” hoặc “xuất xứ” kèm theo tên nước, lãnh thổ nhập hàng hóa;

- Đối với hàng hóa sản xuất đã có địa chỉ sản xuất nên không cần ghi xuất xứ.

2.2.4. Ngày sản xuất, hạn sử dụng, hạn bảo quản

- Nội dung này ghi theo thứ tự ngày, tháng, năm của năm dương lịch.

- Mỗi số chỉ ngày, chỉ tháng, chỉ năm ghi bằng hai chữ số, được phép ghi số chỉ năm bằng bốn chữ số. Số chỉ ngày, tháng, năm của một mốc thời gian phải ghi cùng một dòng.

- Trường hợp quy định ghi tháng sản xuất thì ghi theo thứ tự tháng, năm của năm dương lịch.

- Trường hợp quy định ghi năm sản xuất thì ghi bốn chữ số chỉ năm của năm dương lịch.

2.2.5. Định lượng hàng hoá

- Hàng hoá định lượng bằng các đại lượng đo lường phải ghi theo quy định của pháp luật Việt Nam về đo lường.

- Hàng hoá định lượng bằng số lượng thì phải ghi theo số đếm tự nhiên.

- Trường hợp trong một bao bì thương phẩm có nhiều đơn vị hàng hoá thì phải ghi định lượng của từng đơn vị hàng hoá và định lượng tổng các đơn vị hàng hoá hoặc định lượng của từng đơn vị hàng hoá và số lượng đơn vị hàng hoá.

2.2.6. Thành phần, thành phần định lượng

- Thực phẩm: thành phần ghi theo thứ tự từ cao đến thấp về khối lượng.

Nếu thành phần là chất phụ gia, phải ghi tên nhóm chất phụ gia, tên chất phụ gia, mã số quốc tế (nếu có); trường hợp chất phụ gia là hương liệu, chất tạo ngọt, chất tạo màu ngoài các nội dung trên còn phải ghi thêm chất đó là chất "tự nhiên" hay chất "tổng hợp";

- Thuốc dùng cho người, vắcxin, sinh phẩm y tế, chế phẩm sinh học, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật:  phải ghi thành phần và hàm lượng các hoạt chất;

- Mỹ phẩm phải ghi thành phần bao gồm cả các chất phụ gia;

- Đồ gia dụng kim khí, đồ dùng được chế tạo từ một loại nguyên liệu chính quyết định giá trị sử dụng thì phải ghi tên thành phần nguyên liệu chính cùng với tên hàng hoá và không phải ghi thành phần và thành phần định lượng.

2.2.7. Thông số kỹ thuật, thông tin, cảnh báo vệ sinh, an toàn

- Hàng điện, điện tử, máy móc, thiết bị phải ghi các thông số kỹ thuật cơ bản.

- Thuốc dùng cho người, vắcxin, sinh phẩm y tế, chế phẩm sinh học thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật phải ghi:

+ Chỉ định, cách dùng, chống chỉ định của thuốc (nếu có);

+ Số đăng ký, số lô sản xuất, dạng bào chế, quy cách đóng gói;

+ Các dấu hiệu cần lưu ý cho từng loại thuốc theo quy định hiện hành.

- Thành phần hoặc chất trong thành phần phức hợp của hàng hoá thuộc loại đặc biệt có sử dụng chất bảo quản mà đã quy định liều lượng sử dụng và xếp trong danh sách gây kích ứng, độc hại đối với người, động vật và môi trường phải ghi tên chất bảo quản kèm theo các thành phần này.

- Hàng hoá hoặc thành phần của hàng hoá đã chiếu xạ, đã áp dụng kỹ thuật biến đổi gen ghi theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Trên đây là những tư vấn của Luật Thành Đô về dán nhãn hàng hóa. Đến với Luật Thành Đô, Quý khách sẽ được giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến nhãn hàng hóa.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận