Bổ sung dịch vụ sàn thương mại điện tử cho công ty có vốn nước ngoài được không
- 21/10/2021
- Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
- 0 Nhận xét
Sàn thương mại điện tử là một ngành nghề kinh doanh đang phát triển trên thị trường Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài mong muốn bổ sung mục tiêu này vào dự án đầu tư của mình nhưng không biết có được bổ sung không. Để giúp quý khách hàng hiểu rõ hơn về vấn đề này, Luật Thành Đô xin giới thiệu bài viết Bổ sung dịch vụ sàn thương mại điện tử cho công ty có vốn nước ngoài được không.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
- Luật đầu tư 2020;
- Luật doanh nghiệp 2020;
- Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật đầu tư;
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
- Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử;
- Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT quy định biểu mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư;
- Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp;
- Các văn bản pháp luật khác có liên quan.
II. QUY ĐỊNH VỀ DỊCH VỤ SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
- Điều 25 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử quy định các hình thức tổ chức hoạt động thương mại điện tử, theo đó Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các loại sau:
+ Sàn giao dịch thương mại điện tử;
+ Website đấu giá trực tuyến;
+ Website khuyến mại trực tuyến;
+ Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định.
- Theo quy định tại điều 2 nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, có thể thấy đối tượng được tham gia hoạt động thương mại điện tử trên lãnh thổ Việt Nam bao gồm:
+ Thương nhân, tổ chức, cá nhân Việt Nam;
+ Cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam;
+ Thương nhân, tổ chức nước ngoài có sự hiện diện tại Việt Nam thông qua hoạt động đầu tư, lập chi nhánh, văn phòng đại diện, hoặc thiết lập website dưới tên miền Việt Nam.
- Tại Biểu cam kết WTO về dịch vụ của Việt Nam thì hoạt động thương mại điện tử chưa được cam kết tại WTO. Tuy nhiên, hoạt động thương mại điện tử thuộc Phụ lục IV danh mục ngành, nghề đầu tư có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư 2020. Do đó, khi hoạt động kinh doanh dịch vụ này cần đáp ứng theo yêu cầu của pháp luật chuyên ngành đối với dịch vụ đó.
Qua những phân tích trên có thể thấy, công ty có vốn nước ngoài được bổ sung dịch vụ thương mại điện tử vào mục tiêu của mình trong dự án đầu tư.
III. HỒ SƠ BỔ SUNG DỊCH VỤ SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỂN TỬ CHO CÔNG TY CÓ VỐN NƯỚC NGOÀI
3.1. Hồ sơ bổ sung dịch vụ sàn thương mại điện tử cho công ty có vốn nước ngoài trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Thành phần hồ sơ bao gồm:
(1) Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư (áp dụng Biểu mẫu tại Phụ lục kèm theo Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT ngày 09/04/2021 quy định mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư)
(2) Báo cáo tình hình triển khai dự án đến thời điểm điều chỉnh;
(3) Quyết định của nhà đầu tư về việc điều chỉnh dự án đầu tư đối với nhà đầu tư là tổ chức;
(4) Giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của nhà đầu tư: CMND/CCCD/Hộ chiếu/Hộ chiếu nước ngoài đối với nhà đầu tư là cá nhân; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của nhà đầu tư/ Quyết định thành lập (Bắt buộc hợp pháp hóa lãnh sự) đối với nhà đầu tư là tổ chức;
(5) Bản giải trình về việc bổ sung mục tiêu dịch vụ sàn thương mại điện tử;
(6) Các tài liệu chứng minh đáp ứng đủ điều kiện để được bổ sung mục tiêu dịch vụ sàn thương mại điện tử;
(7) Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
(8) Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án năm gần nhất hoặc xác nhận của ngân hàng nhà đầu tư đã góp đủ vốn;
(9) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (bản sao có chứng thực để nộp cùng hồ sơ, bản gốc để nhận kết quả) và Chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có);
(10) Văn bản ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác thực hiện thủ tục điều chỉnh mục tiêu trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
3.2. Hồ sơ bổ sung dịch vụ sàn thương mại điện tử cho công ty có vốn nước ngoài trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Thành phần hồ sơ bao gồm:
(1) Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (theo Mẫu tại Phụ lục II-1 Ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp);
(2) Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; nghị quyết, quyết định và biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc bổ sung ngành, nghề kinh doanh;
(3) Văn bản ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác thực hiện thủ tục bổ sung ngành, nghề kinh doanh cho công ty có vốn nước ngoài;
Trên đây là bài viết của Luật Thành Đô liên quan đến Bổ sung dịch vụ sàn thương mại điện tử cho công ty có vốn nước ngoài được không. Quý khách hàng tham khảo bài viết, nếu có bất cứ vướng mắc nào liên quan vui lòng liên hệ với Luật Thành Đô để được tư vấn và giải đáp.
THÔNG TIN LIÊN HỆ Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN Hotline: 0919 089 888 Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn Website: www.luatthanhdo.com.vn |
Bình luận