Các quy định về thành lập trung tâm ngoại ngữ

Các điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ pháp lý cần thiết để mở trung tâm ngoại ngữ sẽ được Luật Thành Đô giới thiệu tại bài viết này. Thông qua đó, Quý khách hàng có thể nắm rõ được các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến thủ tục thành lập trung tâm ngoại ngữ ở Việt Nam. Nếu có bất kỳ vướng mắc nào, Quý khách hàng có thể liên hệ tới chuyên viên, luật sư của Luật Thành Đô để được tư vấn miễn phí. Xin chân thành cảm ơn!

I. Căn cứ pháp lý

1.Luật giáo dục năm 2019;

2.Nghị định số 84/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật giáo dục

3.Nghị định số 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;

4.Nghị định 135/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 46/2017/NĐ-CP;

5.Thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học;

6.Thông tư 01/2014/TT-BGDDT ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam

7.Các văn bản pháp luật liên quan khác.

II. Điều kiện thành lập trung tâm ngoại ngữ

2.1. Về cơ sở vật chất:

- Phải có đủ văn phòng, phòng học, bàn ghế, phòng học tiếng, phòng vi tính với các trang thiết bị học tập đáp ứng yêu cầu về thực hiện nội dung, chương trình giảng dạy phần lý thuyết và thực hành của học viên.

- Có khu vệ sinh, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.

Lưu ý:

- Mỗi loại hình cơ sở được phép hoạt động tại 01 (một) địa điểm chính, có thể có điểm phụ nếu đủ điều kiện và được Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm tra, cho phép.

- Những trường hợp đặc biệt về cơ sở vật chất sẽ do Sở GD-ĐT xem xét quyết định cụ thể.

2.2.Về đặt tên:

- Tên cơ sở là tên bằng tiếng Việt và sẽ được ghi trên quyết định, giấy phép dạy học, con dấu, bảng tên và các giấy tờ giao dịch khác.

- Đặt tên theo quy định:

Cơ sở + Tên loại hình (Ngoại ngữ, tin học, luyện thi...) + Tên riêng

VD: Cơ sở ngoại ngữ Phương Đông

2.3. Về Người quản lý cơ sở

- Có trình độ đại học (trường hợp không có bằng đại học sẽ do Giám đốc Sở GD&ĐT quyết định cụ thể từng trường hợp), không là công chức, viên chức Nhà nước, đã có quá trình công tác, dạy học ít nhất 3 năm, có phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý tốt, đủ sức khỏe.

- Mở loại hình cơ sở nào, người quản lý phải có bằng cấp chuyên môn về loại hình, môn học đó.

- Người quản lý cơ sở do Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo công nhận.

2.4. Giáo viên: Có ít nhất 02 giáo viên (không kể chủ cơ sở). Giáo viên này phải có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên (đúng chuyên ngành giảng dạy) và phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Chủ Cơ sở cần tổ chức ký hợp đồng lao động với các giáo viên này theo đúng quy định của pháp luật. Đối với giáo viên có yếu tố nước ngoài phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép. Những trường hợp bổ sung giáo viên mới, chủ cơ sở phải xin phép và được sự đồng ý của Sở GD&ĐT mới được đứng lớp.

III. Hồ sơ mở cơ sở:

3.1. Đơn xin mở cơ sở (theo mẫu)

- Chủ cơ sở đứng tên trong đơn xin mở cơ sở.

- Đơn phải có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn ở địa phương, UBND cấp xã (phường) xác nhận về việc cư trú, việc chấp hành pháp luật của Chủ Cơ sở.

- Xin dạy: ghi rõ giảng dạy tin học hoặc ngoại ngữ trình độ A, B, C hoặc tin học, ngoại ngữ theo loại hình chuyên đề (ghi rõ chuyên đề dạy)

- Địa điểm: là địa chỉ của cơ sở, cần ghi cụ thể số nhà, tổ, khóm (ấp), xã (phường), huyện (thành phố).

3.2. Đề án tổ chức và hoạt động:

- Mục đích;

- Phương hướng hoạt động:

+ Kế hoạch chương trình giảng dạy (sách giáo khoa, tài liệu, phân phối chương trình giảng dạy từng môn cụ thể - ghi rõ áp dụng chương trình nào?)

+ Cơ sở vật chất (phòng học, phòng chức năng, sân bãi); phương tiện, đồ dùng giảng dạy và quy mô phát triển.

+ Tổ chức nhân sự:

* Chủ cơ sở (tóm tắt lý lịch, quá trình công tác).

* Danh sách trích ngang giáo viên, kế toán, thủ quỹ (theo mẫu)

* Đối tượng và kế hoạch tuyển sinh

+ Tài chính:

* Mức thu học phí (số tiền/khóa/tháng/môn/học viên - cụ thể từng đối tượng, cấp độ nếu mức học phí khác nhau). Mức thu học phí phải được sự cho phép của Sở Tài chính.

* Chi: lương giáo viên, nhân viên, thuê mướn mặt bằng, quảng cáo, văn phòng phẩm, 1% quỹ điều tiết, thuế và các khoản chi khác (tính tỷ lệ %)

- Kiến nghị và cam kết

3.3. Danh sách trích ngang các thành viên làm nhiệm vụ quản lý cơ sở, điều hành và giúp việc tại cơ sở. Tùy theo quy mô, cơ sở có thể có những chức danh: Chủ cơ sở, phụ trách chuyên môn (tin học, ngoại ngữ), kế toán, thu quỹ, nhân viên văn phòng...

3.4. Bảng kê về cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học: là danh sách các cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động của Cơ sở. Tùy theo quy mô, Cơ sở có thể trang bị các điều kiện cơ sở vật chất khác nhau nhưng tối thiểu phải có:

- Đối với dạy ngoại ngữ: phòng làm việc, 02 phòng học trở lên, mỗi phòng học có diện tích từ 30m2 trở lên, các phương tiện nghe nhìn (tivi, đèn chiếu, cassette, băng đĩa...), đèn, quạt (máy lạnh), bàn ghế giáo viên, bàn ghế học sinh, thiết bị phòng cháy chữa cháy.

- Đối với mỗi loại phòng, thiết bị, cần ghi rõ số lượng, chất lượng (tính theo tỷ lệ %), diện tích và nguồn sở hữu (Cơ sở tự trang bị, thuê mướn).

3.5. Kế hoạch và chương trình giảng dạy: Chủ Cơ sở cần thiết kế các lớp học dự kiến mở tại cơ sở và chương tình, thời gian học tập (theo mẫu).

3.6. Về các giấy tờ đính kèm:

TT Đối tượng Hồ sơ cần có Số lượng Ghi chú
1 Người quản lý cơ sở Hộ khẩu 3 Bản sao có công chứng
Văn bằng chứng chỉ có liên quan 3 Bản sao có công chứng
Sơ yếu lý lịch 3  
Ảnh 3 x 4 3  
2 Giáo viên Văn bằng chứng chỉ có liên quan 3 Bản sao có công chứng
3 Tài sản (nhà của cơ sở) Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất mang tên chủ cơ sở. Nếu là nhà thuê phải có hợp đồng thuê nhà có thời gian từ 06 tháng trở lên, có xác nhận của cơ quan chức năng. 3 Bản sao có công chứng
4 Chương trình giảng dạy Bộ giáo trình sử dụng 1  

IV. Thủ tục thành lập trung tâm ngoại ngữ

4.1. Nộp 01 bộ hồ sơ đến Sở GD&ĐT. Phòng Giáo dục thường xuyên thuộc Sở GD&ĐT nhận hồ sơ đăng ký các loại; đồng thời phối hợp với Phòng tổ chức cán bộ, Kế hoạch tài chính, Thanh tra Sở thẩm định hồ sơ, xác minh hiện trạng cơ sở vật chất.

4.2. Thời gian:

Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở GD&ĐT sẽ tiến hành xem xét thẩm định trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ (nếu không đủ điều kiện để tổ chức dạy, Sở GD&ĐT cũng sẽ có văn bản trả lời cụ thể) để trình UBND tỉnh quyết định cấp phép.

Trong thời gian hoạt động, nếu không đảm bảo được các yêu cầu cho việc dạy và học theo quy định, Sở GD&ĐT sẽ xem xét và trình UBND tỉnh thu hồi giấy phép hoạt động.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi liên quan đến quy định thành lập trung tâm ngoại ngữ. Nếu Quý khách có phát sinh bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến bài viết hoặc cần tư vấn pháp lý về các vấn đề khác, hãy liên hệ ngay với Công ty Luật Thành Đô để được giải đáp.

THÔNG TIN LIÊN HỆ
Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN
Hotline: 0919 089 888
CÔNG TY LUẬT THÀNH ĐÔ
Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, phố Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: (024) 3789 8686

Bình luận