Cho thuê giấy phép xuất khẩu lao động có vi phạm pháp không?

Hiện nay, ở nước ta tình trạng cho thuê giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (Sau đây gọi tắt là ”Giấy phép xuất khẩu lao động”) diễn ra khá phổ biến và thường xuyên bởi các lý do sau:

(i) Doanh nghiệp không đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được cấp phép hoạt động (điều kiện về vốn, bộ máy hoạt động...)

(ii) Không nắm vững các quy định của pháp luật Việt Nam

(iii) Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

I. CĂN CỨ PHÁP LUẬT

1. Bộ luật lao động số 10/2012/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012;

2. Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 72/2006/QH11;

3. Nghị định số 95/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

4. Nghị định số 126/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

5. Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 08 năm 2017 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Thủ tục xin giấy phép xuất khẩu lao động

II. QUY ĐỊNH VỀ CHO THUÊ GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Việc các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động thông qua sử dụng giấy phép của doanh nghiệp khác (Bên cho thuê) là hành vi vi phạm pháp luật gây nhiều khó khăn cho cả cơ quan quản lý nhà nước và gây bất lợi cho chính người lao động. Thông thường việc thuê lại giấy phép xuất khẩu lao động với mục đích để mở chi nhánh hoạt động hoặc hoạt động “chui” – nghĩa là gián tiếp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua giấy phép của bên cho thuê.

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 điều 7 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:

Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm

...

2. Sử dụng Giấy phép của doanh nghiệp khác hoặc cho người khác sử dụng Giấy phép của mình để hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

…”

Hành vi cho người khác sử dụng Giấy phép của mình để hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (hay còn gọi là hành vi “cho thuê giấy phép xuất khẩu lao động”) là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại điều 29 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì cả doanh nghiệp cho thuê và doanh nghiệp đi thuê giấy phép xuất khẩu lao động của doanh nghiệp khác đều bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể như sau:

“Điều 29. Vi phạm điều kiện hoạt động của doanh nghiệp dịch vụ

5. Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp khác để tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài;

b) Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp mình để đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài;

…”

Ngoài ra, hậu quả của hành vi cho thuê giấy phép xuất khẩu lao động là doanh nghiệp vừa bị áp dụng hình phạt chính là phạt tiền và vừa có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ có thời hạn hoạt động xuất khẩu lao động được quy định. Quy định cụ thể tại điều 14 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

“Điều 14. Đình chỉ có thời hạn hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

1. Doanh nghiệp dịch vụ bị đình chỉ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong các trường hợp sau đây:

c) Vi phạm quy định tại một trong các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 7 của Luật này thì bị đình chỉ hoạt động từ sáu tháng đến mười hai tháng, trừ trường hợp bị thu hồi Giấy phép theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 15 của Luật này.”

Như vậy, nếu doanh nghiệp bị đình chỉ có thời hạn hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì trong suốt khoảng thời gian bị đình chỉ, doanh nghiệp không được ký kết, đăng ký Hợp đồng cung ứng lao động và không được tuyển chọn lao động.

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến vấn đề cho thuê giấy phép xuất khẩu lao động và việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Nếu có bất kỳ vướng mắc nào, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Công ty Luật Thành Đô để được tư vấn và giải đáp miễn phí.

Xin chân thành cảm ơn và mong muốn hợp tác dài lâu cùng Quý khách.

Kính chúc Quý khách ngày càng phát triển!

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận