Công ty có vốn nước ngoài bổ sung kinh doanh gạo, đường, vật phẩm đã ghi hình, sách, báo và tạp chí được không

Đối với một số ngành kinh doanh cụ thể khi đầu tư vào thị trường Việt Nam, nhà đầu tư nước phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam. Một trong mối quan tâm của các nhà đầu tư hiện nay là hoạt động đầu tư kinh doanh gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí có hạn chế gì đối nhà đầu tư hay không?

Trong phạm vi bài viết dưới đây, Luật Thành Đô trân trọng gửi tới Quý bạn đọc và các nhà đầu tư nội dung tư vấn về vấn đề Công ty có vốn nước ngoài bổ sung kinh doanh gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí được không?

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật đầu tư số 61/2020/QH14;

- Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư;

- Nghị định số 09/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại và Luật quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

- Biểu cam kết thương mại dịch vụ của Việt Nam trong WTO;

- Các văn bản pháp luật có liên quan khác.

Công ty có vốn nước ngoài bổ sung kinh doanh gạo, đường, vật phẩm đã ghi hình, sách, báo và tạp chí được không

II. CÔNG TY CÓ VỐN NƯỚC NGOÀI BỔ SUNG KINH DOANH GẠO; ĐƯỜNG; VẬT PHẨM ĐÃ GHI HÌNH; SÁCH, BÁO VÀ TẠP CHÍ ĐƯỢC KHÔNG

2.1. Công ty có vốn nước ngoài là gì?

- “Công ty có vốn nước ngoài” hay còn gọi là “Tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài” là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.

- Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Việc xác định công ty có vốn nước ngoài là gì có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định chế độ, chính sách ưu đãi đầu tư mà công ty có vốn nước ngoài được áp dụng.

2.2. Công ty có vốn nước ngoài bổ sung kinh doanh gạo, đường, vật phẩm đã ghi hình, sách, báo và tạp chí được không?

Căn cứ Biểu kết thương mại dịch vụ của Việt Nam trong WTO, phân phối gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí là ngành nghề mà Việt Nam chưa cam kết mở cửa thị trường;

Căn cứ khoản 4 Điều 9 Nghị định 09/2018/NĐ-CP quy định về việc cấp phép kinh doanh hàng hóa kinh doanh chưa được cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì đối với hàng hóa là “gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí” thuộc diện xem xét cấp phép thực hiện quyền phân phối bán lẻ cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có cơ sở bán lẻ dưới hình thức siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi để bán lẻ tại các cơ sở đó.

Từ hai nội dung căn cứ trên, có thể thấy rằng Việt Nam cam kết trong WTO không cho phép nhà đầu tư nước ngoài thực hiện phân phối gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí tại Việt Nam. Tuy nhiên, dựa trên tình hình thực tế thì hiện nay Việt Nam đã nới lỏng chính sách để công ty có vốn nước ngoài được phép kinh doanh các sản phẩm nêu trên nếu được cấp giấy phép và phải có ý kiến đồng ý của Bộ Công Thương.

Như vậy, có thể khẳng định rằng công ty có vốn nước ngoài được phép bổ sung kinh doanh gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí.

III. THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH GẠO, ĐƯỜNG, VẬT PHẨM ĐÃ GHI HÌNH, SÁCH, BÁO VÀ TẠP CHÍ ĐỐI VỚI CÔNG TY CÓ VỐN NƯỚC NGOÀI

3.1. Hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh gạo, đường, vật phẩm đã ghi hình, sách, báo và tạp chí đối với công ty có vốn nước ngoài

(1) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu;

(2) Bản giải trình có nội dung:

- Giải trình về điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh doanh gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí đối với công ty có vốn nước ngoài;

- Kế hoạch kinh doanh: Mô tả nội dung, phương thức thực hiện hoạt động kinh doanh; trình bày kế hoạch kinh doanh và phát triển thị trường; nhu cầu về lao động; đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của kế hoạch kinh doanh;

- Kế hoạch tài chính: Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trên cơ sở báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm gần nhất trong trường hợp đã thành lập ở Việt Nam từ 01 năm trở lên; giải trình về vốn, nguồn vốn và phương án huy động vốn; kèm theo tài liệu về tài chính;

- Tình hình kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa; tình hình tài chính của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tính tới thời điểm đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh, trong trường hợp cấp Giấy phép kinh doanh quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định 09/2018/NĐ-CP.

(3) Tài liệu của cơ quan thuế chứng minh không còn nợ thuế quá hạn.

(4) Bản sao: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa (nếu có).

3.2. Trình tự cấp Giấy phép kinh doanh gạo, đường, vật phẩm đã ghi hình, sách, báo và tạp chí đối với công ty có vốn nước ngoài

Bước 1. Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc qua mạng điện tử (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến Cơ quan cấp Giấy phép.

- Số lượng hồ sơ: 03 bộ.

Bước 2. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra và yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ chưa đủ và hợp lệ;

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đủ và hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra việc đáp ứng điều kiện tương ứng quy định;

+ Trường hợp không đáp ứng điều kiện, Cơ quan cấp Giấy phép có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;

+ Trường hợp đáp ứng ứng điều kiện, cơ quan cấp Giấy phép gửi hồ sơ kèm văn bản lấy ý kiến Bộ Công Thương, bộ quản lý ngành theo quy định.

- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương và bộ quản lý ngành có văn bản chấp thuận cấp Giấy phép kinh doanh căn cứ:

+ Sự phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực của vùng, quốc gia;

+ Tiến trình đàm phán mở cửa thị trường của Việt Nam;

+ Nhu cầu mở cửa thị trường của Việt Nam;

+ Chiến lược hợp tác với đối tác nước ngoài của Việt Nam;

+ Quan hệ ngoại giao, vấn đề an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bước 3. Cấp giấy phép

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương và bộ quản lý ngành, Cơ quan cấp Giấy phép cấp Giấy phép kinh doanh.

- Trường hợp Bộ Công Thương hoặc bộ quản lý ngành có văn bản từ chối, Cơ quan cấp Giấy phép có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Thành Đô về vấn đề công ty có vốn nước ngoài bổ sung kinh doanh gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí được không? Trường hợp Quý bạn đọc và các nhà đầu tư có bất kỳ vướng mắc nào liên quan, xin vui lòng liên hệ trực tiếp với đội ngũ luật sư của Luật Thành Đô để được tư vấn và giải đáp chi tiết hơn.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận