Đăng ký chương trình khuyến mại mang tính may rủi

Để thực hiện hình thức khuyến mại, thương nhân có thể sử dụng nhiều cách thức khác nhau như giảm giá, tặng sản phẩm dùng thử, … Trong đó chương trình khuyến mại mang tính chất may rủi là hoạt động khuyến mại khá đặc biệt, thương nhân cần đáp ứng một số điều kiện và thực hiện một số thủ tục hành chính để được phép hoạt động. Trong bài viết dưới đây, Luật Thành Đô xin gửi đến quý khách hàng các quy định pháp luật và phân tích về Thủ tục đăng ký chương trình khuyến mại mang tính may rủi.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

- Luật Thương mại số 36/2005/QH11 do Quốc hội ban hành ngày 14/06/2005 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2006;

- Nghị định 81/2018/NĐ-CP ngày 22/05/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại có hiệu lực kể từ ngày 15/07/2018.

II. CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN MẠI MAY RỦI LÀ GÌ?

Để hiểu được khái niệm về chương trình khuyến mại may rủi, trước hết ta cần xem xét một số khái niệm sau:

- Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.

- Xúc tiến thương mại là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ, bao gồm hoạt động khuyến mại, quảng cáo thương mại, trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ và hội chợ, triển lãm thương mại.

- Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định.

- Từ các khái niệm trên và Điều 92 Luật Thương mại 2005, ta có thể hiểu: Chương trình khuyến mại may rủi là một trong các hình thức khuyến mại trong đó thương nhân bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố.

III. ĐIỀU KIỆN CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN MẠI MAY RỦI

Theo Điều 13 Nghị định 81/2018/NĐ-CP, chương trình khuyến mại mang tính may rủi cần đáp ứng một số điều kiện sau đây:

- Việc xác định trúng thưởng trong chương trình khuyến mại mang tính may rủi phải được tổ chức công khai, theo thể lệ đã công bố, có sự chứng kiến của khách hàng và phải được lập thành biên bản;

- Trong trường hợp bằng chứng xác định trúng thưởng được phát hành kèm theo hàng hóa (gắn kèm, đính kèm, đặt bên trong hàng hóa hoặc các cách thức khác tương tự), thương nhân thực hiện khuyến mại phải thông báo về thời gian và địa điểm thực hiện việc phát hành kèm bằng chứng xác định trúng thưởng vào hàng hoá cho Sở Công Thương nơi thực hiện việc phát hành kèm bằng chứng xác định trúng thưởng vào hàng hóa trước khi thực hiện;

- Bằng chứng xác định trúng thưởng của chương trình khuyến mại mang tính may rủi phải tuân thủ các điều kiện sau:

+ Được thể hiện dưới dạng vật chất (vé số, phiếu, thẻ dự thưởng; phiếu rút thăm, bốc thăm, quay số; thẻ, tem, phiếu cào; tem, phiếu trúng thưởng; nắp, nút, đáy, vỏ, thân của bao bì sản phẩm hoặc của sản phẩm; chính giải thưởng) hoặc thông điệp dữ liệu (tin nhắn; thư điện tử; mã code, mã giao dịch, mã khách hàng, mã sản phẩm) hoặc các hình thức khác có giá trị tương đương để làm căn cứ cho việc xác định trúng thưởng qua cách thức ngẫu nhiên;

+ Có hình thức khác với xổ số do nhà nước độc quyền phát hành và không được sử dụng kết quả xổ số của Nhà nước để làm kết quả xác định trúng thưởng.

- Thương nhân thực hiện chương trình khuyến mại mang tính may rủi phải trích 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước trong trường hợp không có người trúng thưởng. Trong đó, giải thưởng không có người trúng thưởng của chương trình khuyến mại mang tính may rủi là giải thưởng trong trường hợp hết thời hạn trao thưởng nhưng không có người nhận hoặc không xác định được người trúng thưởng.

IV. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN MẠI MAY RỦI

Theo Điều 19 Nghị định 81/2018/NĐ-CP, đối với chương trình khuyến mại may rủi thì thương nhân phải thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động khuyến mại và phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận trước khi thực hiện chương trình.

4.1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận đăng ký chương trình khuyến mại may rủi

Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận đăng ký chương trình khuyến mại may rủi bao gồm:

- Sở Công Thương đối với chương trình khuyến mại mang tính may rủi thực hiện trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Bộ Công Thương đối với chương trình khuyến mại mang tính may rủi thực hiện trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên và chương trình khuyến mại theo các hình thức khác.

4.2. Hình thức nộp hồ sơ đăng ký chương trình khuyến mại may rủi

Thương nhân có quyền được lựa chọn một trong các cách thức đăng ký sau:

- Nộp 01 hồ sơ đăng ký qua đường bưu điện đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

- Nộp 01 hồ sơ đăng ký trực tiếp tại trụ sở cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

- Sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cung cấp.

4.3. Hồ sơ đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại may rủi

Thành phần hồ sơ đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại may rủi bao gồm:

- Đơn đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại theo Mẫu;

- Thể lệ chương trình khuyến mại theo Mẫu;

- Mẫu bằng chứng xác định trúng thưởng hoặc mô tả chi tiết về bằng chứng xác định trúng thưởng;

- Bản sao không cần chứng thực giấy tờ về chất lượng của hàng hóa khuyến mại theo quy định của pháp luật.

4.4. Nội dung đăng ký thực hiện khuyến mại may rủi

Đăng ký thực hiện khuyến mại theo hình thức chương trình khuyến mại bao gồm các nội dung nổi bật như sau:

- Tên thương nhân thực hiện khuyến mại;

- Tên chương trình khuyến mại;

- Địa bàn thực hiện khuyến mại (các tỉnh, thành phố nơi thương nhân thực hiện khuyến mại);

- Hình thức khuyến mại;

- Hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại;

- Hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại (giải thưởng, quà tặng);

- Thời gian thực hiện khuyến mại;

- Khách hàng của chương trình khuyến mại (đối tượng hưởng khuyến mại);

- Cơ cấu giải thưởng và tổng giá trị giải thưởng của chương trình khuyến mại;

- Nội dung chi tiết chương trình khuyến mại (thể lệ chương trình khuyến mại);

- Trường hợp nhiều thương nhân cùng phối hợp thực hiện chương trình khuyến mại thì nội dung đăng ký phải nêu rõ tên của các thương nhân cùng thực hiện, nội dung tham gia cụ thể và trách nhiệm cụ thể của từng thương nhân tham gia thực hiện trong chương trình.

4.5. Quy trình giải quyết hồ sơ đăng ký chương trình khuyến mại may rủi

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan quản lý nhà nước về thương mại có thẩm quyền xem xét, trả lời xác nhận hoặc không xác nhận việc đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại của thương nhân; trong trường hợp không xác nhận, phải nêu rõ lý do theo quy định của pháp luật. Nội dung xác nhận hoặc không xác nhận thực hiện theo Mẫu.

Thông tin về chương trình khuyến mại mà thương nhân đã đăng ký và được xác nhận phải được cơ quan quản lý nhà nước công khai bằng các hình thức phù hợp (văn bản, trang tin điện tử hoặc các hình thức khác có tác dụng tương đương) và không sớm hơn thời gian bắt đầu của chương trình khuyến mại. Nội dung thông tin phải công khai bao gồm:

- Tên thương nhân thực hiện;

- Nội dung chi tiết chương trình khuyến mại;

- Thời gian thực hiện khuyến mại;

- Địa bàn thực hiện khuyến mại.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Thành Đô về chủ đề Đăng ký chương trình khuyến mại mang tính may rủi. Nếu Quý khách hàng gặp bất cứ vấn đề gì trong quá trình tìm hiểu quy định pháp luật cũng như thực hiện thủ tục có liên quan đến vấn đề trên, có thể liên hệ trực tiếp đến Luật Thành Đô để nhận được tư vấn, giải đáp tận tình, nhanh chóng.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận