Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu

     Xăng dầu là tên chung để chỉ các sản phẩm của quá trình lọc dầu thô, dùng làm nhiên liệu, bao gồm: Xăng động cơ, dầu điêzen, dầu hỏa, dầu madút, nhiên liệu bay; nhiên liệu sinh học và các sản phẩm khác dùng làm nhiên liệu động cơ, không bao gồm các loại khí hóa lỏng và khí nén thiên nhiên.

     Kinh doanh xăng dầu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bao gồm Xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu, nguyên liệu; sản xuất và pha chế xăng dầu,...Trong đó, để được tham gia vào quá trình xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu thương nhân cần đáp ứng các điều kiện nhất định và phải được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Để tạo điều kiện cho khách hàng có nhu cầu kinh doanh lĩnh vực này, Luật Thành Đô giới thiệu bài viết: “Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu”.

Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

- Nghị định 83/2014 Về kinh doanh xăng dầu;

- Nghị định số 08/2018/NĐ-CP Sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ công thương;

- Thông tư số 38/2014/TT-BTC Quy định chi tiết một số điều của nghị định số 83/2014/NĐ-CP;

- Thông tư số 28/2017/TT-BTC Sửa đổi bổ sung Thông tư 38/2014/TT-BTC.

II. ĐIỀU KIỆN KINH DOANH XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU XĂNG DẦU

Thương nhân có đủ các điều kiện quy định dưới đây được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu:

- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;

- Có cầu cảng chuyên dụng nằm trong hệ thống cảng quốc tế của Việt Nam, bảo đảm tiếp nhận được tàu chở xăng dầu hoặc phương tiện vận tải xăng dầu khác có trọng tải tối thiểu bảy nghìn tấn (7.000 tấn), thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng từ năm (05) năm trở lên;

- Có kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu dung tích tối thiểu mười lăm nghìn mét khối (15.000 m3) để trực tiếp nhận xăng dầu từ tàu chở xăng dầu và phương tiện vận tải xăng dầu chuyên dụng khác, thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu từ năm (05) năm trở lên;

- Có phương tiện vận tải xăng dầu nội địa thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu từ năm (05) năm trở lên;

- Có hệ thống phân phối xăng dầu: Tối thiểu mười (10) cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu của doanh nghiệp, tối thiểu bốn mươi (40) tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân;

- Thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu nhiên liệu bay không bắt buộc phải có hệ thống phân phối nhưng phải có phương tiện tra nạp nhiên liệu bay thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu của thương nhân.

III. THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU XĂNG DẦU

3.1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu

- Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu (theo mẫu);

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

- Bản kê cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ kinh doanh xăng dầu, kèm theo các tài liệu chứng minh;

- Danh sách cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu, danh sách tổng đại lý, đại lý thuộc hệ thống phân phối xăng dầu, kèm theo các tài liệu chứng minh.

3.2. Thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu

Thẩm quyền: Bộ Công Thương

Cách thức nộp hồ sơ: qua đường công văn hoặc qua mạng điện tử theo địa chỉ do Bộ Công Thương thông báo trên trang thông tin điện tử.

3.3. Trình tự cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu

Bước 1: Nộp hồ sơ

Thương nhân gửi một (01) bộ hồ sơ về Bộ Công Thương.

Bước 2: Xem xét, thẩm định hồ sơ

- Trường hợp hồ sơ hợp lệ: Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương có trách nhiệm xem xét, thẩm định nội dung hồ sơ.

- Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ: Trong vòng bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của thương nhân, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu thương nhân bổ sung.

Bước 3: Cấp giấy phép

Sau khi xem xét, thẩm định hồ sơ, nếu thương nhân đáp ứng đủ các điều kiện thì Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho thương nhân.

Trường hợp từ chối cấp Giấy phép, Bộ Công Thương phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Chú ý: Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu có thời hạn hiệu lực là năm (05) năm kể từ ngày cấp mới. Thương nhân được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải nộp phí và lệ phí theo quy định.

     Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Thành Đô về thủ tục cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Nếu còn gặp khó khăn hay có những vướng mắc cần giải đáp quý khách vui lòng gọi điện tới số hotline 0919089888 gặp luật sư Lâm Sơn để được hỗ trợ tốt nhất.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận