Hồ sơ xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động theo nghị định 38/2020/NĐ-CP

Xin Giấy phép xuất khẩu lao động là một trong những thủ tục doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi thực hiện bởi những quy định nghiêm ngặt về điều kiện cấp phép cũng như số lượng và thành phần hồ sơ phức tạp. Do xuất khẩu lao động là hoạt động mang tính nhạy cảm liên quan trực tiếp đến con người, kinh tế, văn hóa và “bộ mặt” của quốc gia nên việc giám sát, quản lý hoạt động xuất khẩu lao động phải thật chặt chẽ và trong khuôn khổ pháp luật. Trong nội dung bài viết này, Luật Thành Đô sẽ hướng dẫn về hồ sơ xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động năm 2020 cho các doanh nghiệp có nhu cầu xin cấp phép.

Hồ sơ xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động theo nghị định 38/2020/NĐ-CP

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

1. Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 72/2006/QH11;

2. Luật Doanh nghiệp 2014;

3. Nghị định 38/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

4. Thông tư 21/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định 126/2007/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ lao động, thương binh và xã hội ban hành

5. Thông tư liên tịch 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC quy định về tiền môi giới và tiền dịch vụ trong hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ Lao động, Thương binh và xã hội-Bộ Tài chính ban hành

6. Thông tư 18/2018/TT-BLĐTBXH sửa đổi thông tư liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

7. Quyết định 18/2007/QĐ-BLĐTBXH về Chương trình bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành.

8. Các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

II. HỒ SƠ XIN CẤP GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Hồ sơ xin cấp phép xuất khẩu lao động được quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và được hướng dẫn chi tiết tại điều 11 Nghị định 38/2020/NĐ-CP.

Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu lao động xin cấp giấy phép, Luật Thành Đô xin gửi Quý khách hàng danh mục hồ sơ xin cấp phép như sau:

(1) Văn bản đề nghị cấp phép của doanh nghiệp. Theo Mẫu số 03 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 38/2020/NĐ-CP.

(2) 01 bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới nhất.

(3) Các giấy tờ chứng minh điều kiện về vốn.

* Đối với doanh nghiệp thành lập từ 01 năm trở lên: cung cấp Báo cáo tài chính năm trước liền kề và báo cáo tài chính từ đầu năm đến cuối quý trước thời điểm đề nghị cấp giấy phép đã được kiểm toán theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành.

* Đối với doanh nghiệp thành lập dưới 01 năm: cung cấp giấy tờ chứng minh vốn theo một trong hai phương thức sau:

- Phương thức 1: Báo cáo nguồn vốn chủ sở hữu đã được kiểm toán theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành trước thời điểm nộp hồ sơ không quá 01 tháng Hoặc

- Phương thức 2: cung cấp Hồ sơ góp vốn thành lập doanh nghiệp bao gồm:

+ Bản sao các giấy tờ sau: Biên bản góp vốn của các cổ đông sáng lập, sổ đăng ký cổ đông, giấy chứng nhận sở hữu cổ phần đối với công ty cổ phần; biên bản góp vốn của các thành viên, sổ đăng ký thành viên, giấy chứng nhận phần vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên; quyết định giao vốn của chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà chủ sở hữu là một tổ chức; biên bản góp vốn của thành viên hợp danh và thành viên góp vốn đối với công ty hợp danh;

+ Giấy nộp tiền vào tài khoản của công ty mở tại ngân hàng thương mại - đối với cổ đông sáng lập/thành viên sáng lập/chủ sở hữu/thành viên hợp danh/thành viên góp vốn là cá nhân; séc hoặc ủy nhiệm chi - chuyển tiền hoặc các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành - đối với cổ đông sáng lập/thành viên sáng lập/chủ sở hữu/thành viên góp vốn là doanh nghiệp;

+ Xác nhận của ngân hàng thương mại được phép hoạt động tại Việt Nam về số dư tài khoản tại thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.

(4) 01 bản chính Giấy xác nhận nộp tiền ký quỹ.

(5) Giấy xác nhận số dư tài khoản thanh toán của công ty.

(6) 01 bản chính Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

(7) 01 bản sao Giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc hợp đồng thuê cơ sở vật chất để tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động.

(8) Các giấy tờ chứng minh điều kiện về người lãnh đạo điều hành hoạt động và nhân viên nghiệp vụ.

* Hồ sơ chứng minh điều kiện về người lãnh đạo điều hành hoạt động:

- 01 bản sao bằng tốt nghiệp đại học trở lên.

- 01 bản chính Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định của pháp luật.

- Tài liệu chứng minh tối thiểu 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.

- 01 bản sao Hợp đồng lao động (nếu có).

* Hồ sơ chứng minh điều kiện của nhân viên nghiệp vụ gồm các giấy tờ sau:

- 01 bản sao bằng cấp chuyên môn (từ cao đẳng trở lên có yêu cầu về chuyên ngành).

- 01 bản chính Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định của pháp luật.

- 01 bản sao Hợp đồng lao động (nếu có).

- 01 bản sao tài liệu thể hiện ít nhất 1 năm kinh nghiệm làm việc trước đây trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động hoặc giấy xác nhận kinh nghiệm).

(9) 01 bản sao Điều lệ Công ty.

Hồ sơ xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động theo nghị định 38/2020/NĐ-CP

III. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Luật Thành Đô trân trọng gửi Quý khách hàng hướng dẫn chi tiết về trình tự, thủ tục để xin cấp phép Giấy phép xuất khẩu lao động dựa trên kinh nghiệm thực tế như sau:

Bước 1: Thành lập doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh “Hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài”, có vốn điều lệ từ 05 tỷ đồng trở lên.

Bước 2: Doanh nghiệp thực hiện các thủ tục thông báo mẫu con dấu, mở tài khoản ngân hàng, thông báo số tài khoản ngân hàng với Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính;

Bước 3: Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ tại ngân hàng, mức ký quỹ theo quy định là 01 tỷ đồng. Tiền ký quỹ được ngân hàng phong tỏa và doanh nghiệp không được rút ra trong suốt thời gian hoạt động. Việc sử dụng tiền ký quỹ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bước 4: Doanh nghiệp chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm các tài liệu được liệt kê tại Mục III. Lưu ý đối với các tài liệu có mẫu sẵn thì phải thực hiện theo đúng mẫu.

Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ xin cấp phép, Doanh nghiệp lưu ý khi xin xác nhận số dư tài khoản của ngân hàng gần sát với ngày nộp hồ sơ.

Bước 5: Doanh nghiệp sắp xếp tài liệu theo thứ tự, có bìa và đóng toàn bộ tài liệu thành 01 quyển hồ sơ. Lưu ý doanh nghiệp nên có bản lưu tại văn phòng.

Bước 6: Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ tại Cục quản lý lao động ngoài nước – Số 41B Lý Thái Tổ, Phường Lý Thái Tổ, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.

Bước 7: Sau khi đã nhận hồ sơ, phòng chuyên môn tiến hành kiểm tra tính hợp pháp và các điều kiện của doanh nghiệp trong hồ sơ xin cấp phép. Trường hợp đã đáp ứng theo quy định, Cục quản lý lao động ngoài nước sẽ cử đoàn cán bộ xuống doanh nghiệp để xác minh các điều kiện thực tế.

Bước 8: Sau khi thẩm định xong, đoàn kiểm tra sẽ báo cáo và xin chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ lấy ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;

Bước 9: Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy phép Hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho doanh nghiệp;

Theo quy định của pháp luật thì trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ và đáp ứng đầy đủ điều kiện, giấy phép sẽ được cấp cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế hỗ trợ các doanh nghiệp xin giấy phép thì Luật Thành Đô nhận thấy: hiện nay, thời gian xin cấp giấy phép sẽ khoảng 7-9 tháng. Bởi lẽ, thủ tục cấp phép xuất khẩu lao động cần xin ý kiến của nhiều cơ quan, ban ngành Trung ương.

Bước 10: Doanh nghiệp nhận Giấy phép và nộp lệ phí cấp giấy phép theo quy định;

Lưu ý: Trường hợp không cấp phép, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ có văn bản trả lời về lý do không cấp phép cho doanh nghiệp;

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến yêu cầu của Quý khách. Nếu quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc nào xin vui lòng liên hệ tới Công ty Luật Thành Đô để được tư vấn và giải đáp các thắc mắc.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận