Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt năm 2020
- 08/02/2017
- Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
- 0 Nhận xét
Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có các điểm dừng đón, trả khách và xe chạy theo biểu đồ vận hành với cự ly, phạm vi hoạt động nhất định, bao gồm tuyến xe buýt nội tỉnh và tuyến xe buýt liên tỉnh. Đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện do pháp luật quy định. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có nhu cầu kinh doanh ngành nghề này, Luật Thành Đô giới thiệu bài viết: “Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt”.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
- Nghị định 10/2020 Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
- Thông tư 12/2020/TT-BGTVT Quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ
II. ĐIỀU KIỆN KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG XE BUÝT
(1) Doanh nghiệp, hợp tác xã có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, trong đó có loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định thì được tham gia đấu thầu hoặc đặt hàng khai thác tuyến xe buýt trong danh mục mạng lưới tuyến đã công bố.
(2) Điều kiện về xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt
- Phải có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật, người cao tuổi và phụ nữ mang thai;
- Phải có phù hiệu “XE BUÝT” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe;
- Phải có sức chứa từ 17 chỗ trở lên. Vị trí, số chỗ ngồi, chỗ đứng cho hành khách và các quy định kỹ thuật khác đối với xe buýt theo quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Giao thông vận tải ban hành. Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên các tuyến có hành trình bắt buộc phải qua cầu có trọng tải cho phép tham gia giao thông từ 05 tấn trở xuống hoặc trên 50% lộ trình tuyến là đường từ cấp IV trở xuống (hoặc đường bộ đô thị có mặt cắt ngang từ 07 mét trở xuống) được sử dụng xe ô tô có sức chứa từ 12 đến dưới 17 chỗ.
(3) Điều kiện về Nội dung quản lý tuyến:
- Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung và công bố danh mục mạng lưới tuyến, biểu đồ chạy xe trên các tuyến, giá vé (đối với tuyến có trợ giá) và các chính sách hỗ trợ của nhà nước về khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn địa phương;
- Quy định và tổ chức đấu thầu, đặt hàng khai thác tuyến xe buýt trong danh mục mạng lưới tuyến;
- Xây dựng, bảo trì và quản lý kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động xe buýt; quyết định tiêu chí kỹ thuật, vị trí điểm đầu, điểm cuối và điểm dừng của tuyến xe buýt trên địa bàn địa phương;
- Theo dõi, tổng hợp kết quả hoạt động vận tải của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên tuyến; thống kê sản lượng hành khách.
- Trước ngày 01 tháng 7 năm 2022, doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt phải cung cấp thông tin (gồm: tên doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải; họ và tên lái xe; biển kiểm soát xe; tuyến hoạt động; giờ xe xuất bến) trên Lệnh vận chuyển của từng chuyến xe thông qua phần mềm của Bộ Giao thông vận tải.
- Xe buýt được ưu tiên bố trí nơi dừng, đỗ để đón, trả khách tại các bến xe, nhà ga, sân bay, bến cảng, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, điểm tham quan du lịch, địa điểm văn hóa, thể thao, trung tâm thương mại, đầu mối giao thông và các địa điểm kết nối với các phương thức vận tải khác; được ưu tiên hoạt động khi tổ chức giao thông tại đô thị.
(4) Điều kiện về Điểm đầu, điểm cuối của tuyến xe buýt
- Có đủ diện tích cho xe buýt quay trở đầu xe, đỗ xe đảm bảo an toàn giao thông;
- Có bảng thông tin các nội dung: tên tuyến; số hiệu tuyến; hành trình; tần suất chạy xe; thời gian hoạt động trong ngày của tuyến; số điện thoại của cơ quan quản lý tuyến và doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia khai thác tuyến; trách nhiệm của hành khách, người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe;
- Có nhà chờ cho hành khách.
(5) Điều kiện về Điểm dừng xe buýt
- Khu vực xe buýt dừng đón, trả khách được báo hiệu bằng biển báo và vạch sơn kẻ đường theo quy định; trên biển báo hiệu phải ghi số hiệu tuyến hoặc mã số tuyến, tên tuyến (điểm đầu - điểm cuối), hành trình tuyến rút gọn ở phía sau biển báo;
- Tại các điểm dừng xe buýt trong đô thị nếu có bề rộng hè đường từ 05 mét trở lên và ngoài đô thị nếu có bề rộng lề đường từ 2,5 mét trở lên phải xây dựng nhà chờ xe buýt.
III. THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG XE BUÝT
3.1 Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bằng xe buýt gồm:
- Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Nghị định này;
- Bản sao văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải;
- Bản sao hoặc bản chính Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông (áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử).
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh đối với hộ kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt gồm:
- Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Nghị định này;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
3.2. Trình tự cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt
Bước 1: Nộp hồ sơ
Đơn vị kinh doanh vận tải nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh đến Sở Giao thông vận tải thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương. Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, Sở Giao thông vận tải thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi đến đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ;
Bước 2: Thẩm định hồ sơ
Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thẩm định hồ sơ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định.
Bước 3: Cấp giấy phép
Sau khi thẩm định hồ sơ Sở Giao thông vận tải thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương cấp giấy phép kinh doanh cho đơn vị đề nghị. Trường hợp không cấp Giấy phép kinh doanh thì Sở Giao thông vận tải phải trả lời bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.
Chú ý: Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được thực hiện tại trụ sở cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh hoặc qua đường bưu điện hoặc các hình thức phù hợp khác theo quy định. Trường hợp tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh hoặc qua đường bưu điện, cán bộ tiếp nhận hồ sơ cập nhật thông tin của các hồ sơ đúng theo quy định vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Thành Đô về Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt. Nếu còn gặp khó khăn hay có những vướng mắc cần giải đáp quý khách vui lòng gọi điện tới số hotline 0919089888 gặp luật sư Lâm Sơn để được hỗ trợ tốt nhất.
THÔNG TIN LIÊN HỆ Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN Hotline: 0919 089 888 Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn Website: www.luatthanhdo.com.vn |
Bình luận