Thành lập trung tâm ngoại ngữ là một trong những xu thế kinh doanh hiện nay của nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam. Việc thành lập trung tâm ngoại ngữ nhằm mục đích giáo dục, đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người có nhu cầu; đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và cho xã hội ở phạm vi vĩ mô. Ngày nay, có nhiều doanh nghiệp mong muốn “lấn sân” sang lĩnh vực giáo dục – đào tạo; cụ thể là thành lập và hoạt động trung tâm ngoại ngữ nhưng lại chưa có hiểu biết toàn diện về thủ tục này. Với kinh nghiệm hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực tư vấn xin cấp giấy phép thành lập trung tâm ngoại ngữ, Luật Thành Đô xin chia sẻ cùng doanh nghiệp và Quý bạn đọc một số kinh nghiệm để mở trung tâm ngoại ngữ năm 2019.
I. ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ
Bước đầu tiên của việc mở trung tâm ngoại ngữ là việc chuẩn bị đội ngữ nhân sự, cơ sở vật chất cũng như các điều kiện theo quy định hiện hành về hoạt động kinh doanh, đào tạo ngoại ngữ. Quý doanh nghiệp khi bắt đầu mở trung tâm ngoại ngữ cần đáp ứng các điều kiện mà Luật Thành Đô phân tích và tổng hợp dưới đây làm căn cứ tham khảo để xây dựng đội ngũ nhân sự của trung tâm.
1.1. Điều kiện về ngành nghề trung tâm ngoại ngữ
Để có thể kinh doanh trung tâm ngoại ngữ thì doanh nghiệp cần phải có đăng ký kinh doanh ngành nghề giáo dục, đào tạo ngoại ngữ. Trường hợp chưa có ngành nghề thì doanh nghiệp bổ sung theo quy định. Sau đó, Doanh nghiệp ra quyết định thành lập trung tâm ngoại ngữ.
1.2. Điều kiện giám đốc trung tâm
Giám đốc trung tâm ngoại ngữ phải là người đã tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ ngoại ngữ tối thiểu bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương. Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Đồng thời có năng lực quản lý và nhân thân tốt.
1.3. Điều kiện giáo viên của trung tâm ngoại ngữ
Trung tâm ngoại ngữ gồm: (i) giáo viên cơ hữu, (ii) giáo viên hợp đồng giáo viên là người Việt Nam, (iii) giáo viên là người bản ngữ (đối với từng ngoại ngữ cụ thể) đảm bảo mỗi lớp học có một cán bộ hoặc giáo viên theo dõi, quản lý.
Giáo viên trung tâm ngoại ngữ phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Giáo viên là người Việt Nam đủ điều kiện dạy ngoại ngữ khi đạt một trong các tiêu chuẩn sau:
+ Có bằng cao đẳng sư phạm ngoại ngữ trở lên;
+ Có bằng cao đẳng ngoại ngữ trở lên và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
- Giáo viên là người bản ngữ dạy ngoại ngữ tại trung tâm ngoại ngữ (đối với từng ngoại ngữ cụ thể): Có bằng cao đẳng trở lên và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp.
- Giáo viên là người nước ngoài đủ điều kiện dạy ngoại ngữ khi đạt một trong các tiêu chuẩn sau:
+ Có bằng cao đẳng sư phạm ngoại ngữ trở lên;
+ Có bằng cao đẳng ngoại ngữ trở lên và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp;
+ Có bằng cao đẳng trở lên, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ từ bậc 5 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp.
1.4. Điều kiện cơ sở vật chất trung tâm ngoại ngữ
Trung tâm ngoại ngữ phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình, tài liệu dạy học, nguồn kinh phí phù hợp, bảo đảm chất lượng giáo dục theo kế hoạch xây dựng, phát triển và quy mô hoạt động của trung tâm.
Theo quy định hiện hành tại thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT không quy định rõ yêu cầu về cơ sở vật chất của trung tâm ngoại ngữ. Tuy nhiên, theo tinh thần của Thông tư số 03/2011/TT-BGDĐT đã hết hiệu lực thi hành ngày 10/10/2018, quy định về cơ sở vật chất như sau:
+ Có đủ phòng học, phòng chức năng phù hợp, đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo; phòng làm việc cho bộ máy hành chính theo cơ cấu tổ chức của trung tâm để phục vụ công tác quản lý, đào tạo. Phòng học đủ ánh sáng, có diện tích tối thiểu bảo đảm 1,5 m2/học viên/ca học;
+ Có giáo trình, tài liệu, thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập theo yêu cầu của chương trình đào tạo;
+ Có khu vực cho cán bộ, giáo viên và học viên nghỉ giải lao, nghỉ giữa giờ.
II. HỒ SƠ XIN GIẤY PHÉP THÀNH LẬP TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ
Sau khi đã hoàn thành xong bước thứ nhất về việc chuẩn bị, đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết thì bước thứ hai, doanh nghiệp cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đầy đủ gồm các giấy tờ sau:
- Tờ trình xin cấp phép hoạt động trung tâm ngoại ngữ, tin học;
- Đề án thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học gồm các nội dung: Tên trung tâm, địa điểm đặt trung tâm, sự cần thiết và cơ sở pháp lý của việc thành lập trung tâm; mục tiêu, nhiệm vụ của trung tâm; chương trình giảng dạy, quy mô đào tạo; cơ sở vật chất của trung tâm; cơ cấu tổ chức của trung tâm, sơ yếu lý lịch của người dự kiến làm Giám đốc trung tâm;
- Quyết định thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học;
- Xác nhận của Ủy ban nhân dân phường, xã nơi đặt trụ sở rằng việc hoạt động của trung tâm là đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội;
- Nội quy hoạt động của trung tâm ngoại ngữ;
- Báo cáo về trang thiết bị làm việc của văn phòng, lớp học, phòng thực hành, cơ sở phục vụ đào tạo trong đó phải có:
- Văn bản chứng minh về quyền sở hữu (hoặc hợp đồng thuê) đất, nhà,
- Chương trình, giáo trình, tài liệu dạy học của trung tâm ngoại ngữ;
- Danh sách trích ngang cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên kèm theo hợp đồng lao động, bản sao văn bằng, chứng chỉ chuyên môn của từng cá nhân. Giáo viên người nước ngoài phải có đầy đủ hồ sơ theo quy định của nhà nước;
- Sơ yếu lý lịch của người làm giám đốc trung tâm ngoại ngữ có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền; Bản sao hợp lệ văn bằng chuyên môn, chứng minh nhân dân; Giấy khám sức khỏe hợp lệ.
- Các quy định về học phí, lệ phí;
- Chứng chỉ sẽ cấp cho học viên khi kết thúc khóa học.
III. THỦ TỤC XIN GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ
Sau khi đã hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy phép trung tâm ngoại ngữ, Quý bạn đọc sẽ thực hiện theo trình tự thực hiện thủ tục xin giấy phép hoạt động trung tâm ngoại ngữ như sau:
Bước 1: Doanh nghiệp chuẩn bị bộ hồ sơ hoàn chỉnh mà Luật Thành Đô đã liệt kê ở mục Hồ sơ xin giấy phép thành lập trung tâm ngoại ngữ. Sau đó, thực hiện thủ tục nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận hoạt động đối với Trung tâm ngoại ngữ tại Sở giáo dục và đào tạo tỉnh/thành phố nơi đặt trụ sở chính của trung tâm ngoại ngữ.
Bước 2: Sau khi xem xét hồ sơ, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Sở giáo dục và đào tạo) tiến hành thẩm định khả năng đáp ứng các điều kiện theo quy định (đối với hồ sơ hợp lệ). Trường hợp hồ sơ chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định, doanh nghiệp thực hiện bổ sung, chỉnh sửa theo yêu cầu.
Bước 3: Sở giáo dục và đào tạo sẽ lập đoàn thẩm định cơ sở để xuống thẩm định, kiểm tra thực tế cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết tại trụ sở của trung tâm ngoại ngữ. Nếu cơ sở đạt yêu cầu theo quy định, đoàn thẩm định sẽ ghi nhận tại biên bản kiểm tra trụ sở và trình lên Giám đốc sở giáo dục và đào tạo. Nếu cơ sở cần bổ sung, chỉnh sửa lại cơ sở vật chất, đoàn thẩm định cấp giấy phép trung tâm ngoại ngữ sẽ đề xuất sửa đổi lại cho phù hợp với thực tế.
Bước 4: Cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho trung tâm triển khai hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Doanh nghiệp nhận Giấy phép tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội.
Trên đây là kinh nghiệm mở trung tâm ngoại ngữ Luật Thành Đô chia sẻ cùng doanh nghiệp và Quý bạn đọc. Nếu có bất kỳ vướng mắc nào, doanh nghiệp và Quý bạn đọc vui lòng liên hệ Công ty Luật Thành Đô để được tư vấn và giải đáp miễn phí.
Bình luận