Thủ tục đăng ký kinh doanh Spa, chăm sóc sắc đẹp

Có thể nói, ngành Spa và chăm sóc sức khỏe đang ngày càng khẳng định vị thế của mình khi sự quan tâm đến vẻ đẹp và sức khỏe của con người ngày một cao. Những năm vừa qua, rất nhiều cơ sở kinh doanh Spa, chăm sóc sắc đẹp được thành lập, đáp ứng được hầu hết nhu cầu làm đẹp của mọi người. Vậy, thủ tục đăng ký kinh doanh ngành, nghề này như thế nào? Cùng Luật Thành Đô tìm hiểu thủ tục này thông qua bài viết dưới đây.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Nghị định 96/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện;

- Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;

- Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 07 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống kinh tế Việt Nam.

II. ĐIỀU KIỆN ĐĂNG KÝ KINH DOANH SPA, CHĂM SÓC SẮC ĐẸP

Về một số ngành đăng ký kinh doanh liên quan đến dịch vụ chăm sóc sắc đẹp (Spa), theo Phụ lục I, II Quyết định số 27/2018/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống kinh tế Việt Nam, những ngành này gồm có:

- Dịch vụ tắm hơi, massage và các dịch vụ tăng cường sức khoẻ tương tự (trừ hoạt động thể thao). Chi tiết nhóm này gồm: Dịch vụ tắm hơi, massage, tắm nắng, thẩm mỹ không dùng phẫu thuật (đánh mỡ bụng, làm thon thả thân hình…);

- Cắt tóc, làm đầu, gội đầu. Chi tiết nhóm này gồm:

+ Cắt tóc, gội đầu, uốn, sấy, nhuộm tóc, duỗi thẳng, ép tóc và các dịch vụ làm tóc khác phục vụ cả nam và nữ; phun thêu thẩm mỹ chân mày, mắt môi

+ Cắt, tỉa và cạo râu;

+ Massage mặt, làm móng chân, móng tay, trang điểm…

Đặc biệt, đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ xoa bóp (bao gồm: sử dụng phương pháp vật lý trị liệu để xoa bóp, tẩm quất phục vụ sức khỏe con người), ngành này phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự.

III. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KINH DOANH SPA, CHĂM SÓC SẮC ĐẸP

3.1. Đối với kinh doanh Spa, chăm sóc sắc đẹp có dịch vụ xoa bóp

Hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh theo mẫu.

- Bản sao hợp lệ một trong các loại văn bản sau đây:

+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

+ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

+ Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp;

+ Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

+ Giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

+ Giấy phép hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam;

+ Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; văn bản thành lập hoặc cho phép hoạt động kèm theo văn bản thông báo mã số thuế đối với đơn vị sự nghiệp có thu;

Trường hợp trong các văn bản trên không thể hiện ngành, nghề đầu tư kinh doanh thì cơ sở kinh doanh phải bổ sung tài liệu chứng minh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà cơ sở kinh doanh hoạt động và đề nghị ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đã được cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan có thẩm quyền chấp thuận (đối với cơ sở kinh doanh là doanh nghiệp thì cơ quan Công an khai thác tài liệu này trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp).

- Bản sao hợp lệ các giấy tờ, tài liệu chứng minh bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với khu vực kinh doanh và kho bảo quản nguyên liệu, hàng hóa.

- Bản khai lý lịch kèm theo Phiếu lý lịch tư pháp (theo mẫu) hoặc Bản khai nhân sự (theo mẫu) của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh.

Hình thức nộp hồ sơ:

- Nộp trực tiếp cho cơ quan Công an cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ;

- Gửi qua cơ sở kinh doanh dịch vụ bưu chính;

- Nộp qua Cổng thông tin điện tử quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự của Bộ Công an, đồng thời chuyển cho cơ quan Công an có thẩm quyền các văn bản, tài liệu theo quy định;

Thời hạn hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự kể từ ngày nhận đủ hồ sơ: Không quá 05 ngày làm việc. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự thì trong thời hạn 04 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan Công an phải có văn bản trả lời cơ sở kinh doanh và nêu rõ lý do.

3.2. Đối với kinh doanh Spa, chăm sóc sắc đẹp không có dịch vụ xoa bóp

Với trường hợp này, sẽ tùy thuộc vào loại hình của thương nhân kinh doanh Spa, chăm sóc sắc đẹp (như doanh nghiệp, hộ kinh doanh…) mà sẽ lựa chọn thủ tục đăng ký kinh doanh phù hợp.

Trên đây là tư vấn của công ty Luật Thành Đô liên quan đến thủ tục đăng ký kinh doanh Spa, chăm sóc sắc đẹp. Quý khách có thắc mắc cần được giải đáp vui lòng liên hệ luật sư Luật Thành Đô để được hỗ trợ giải đáp.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận