Thủ tục đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa

Nền kinh tế càng phát triển thì sự cạnh tranh giữa các tổ chức, cá nhân cũng ngày càng tăng. Điều này đòi hỏi các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có thể trụ vững trên thị trường, nhất thiết phải tạo được niềm tin cho khách hàng. Một trong những yếu tố quan trọng giúp củng cố sự tin dùng của khách hàng, thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa chính là vấn đề về chất lượng.  Do đó, việc đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa nên là bước đầu tiên mà tổ chức, cá nhân cần thực hiện để đưa sản phẩm ra thị trường. Vậy cụ thể thủ tục đăng ký này được thực hiện như thế nào? Luật Thành Đô xin tư vấn thủ tục đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa chi tiết.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 sửa đổi bổ sung năm 2018;

- Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch;

- Nghị định số 127/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;

- Nghị định số 78/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP;

- Thông tư 28/2012/TT-BKHCN Quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;

- Thông tư 02/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN.

II. ĐĂNG KÝ TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA LÀ GÌ?

Theo khoản 5 điều 3 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, chất lượng sản phẩm, hàng hóa là mức độ của các đặc tính của sản phẩm, hàng hóa đáp ứng yêu cầu trong tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Theo đó, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa được hiểu là các tiêu chí được quy định làm căn cứ để xác định một hàng hóa được phép đưa ra thị trường. Các tiêu chí này được xác định trên cơ sở tiêu chuẩn do chính người sản xuất công bố áp dụng và quy chuẩn kĩ thuật tương ứng do cơ quan quản có thẩm quyền ban hành, tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng;

Đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm bao gồm công bố hợp chuẩn và công bố hợp quy (theo Điều 14 Nghị định 127/2007/NĐ-CP), cụ thể:

– Công bố hợp chuẩn là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng. Đây là hoạt động tự nguyện. Tổ chức, cá nhân đăng ký bản công bố hợp chuẩn tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức, cá nhân đó đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh.

– Công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Đây là hoạt động bắt buộc. Khi công bố hợp quy, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh phải đăng ký bản công bố hợp quy tại sở chuyên ngành tương ứng tại địa phương nơi tổ chức, cá nhân đó đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh.

III. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA

3.1. Thủ tục đăng ký công bố hợp chuẩn

a) Hồ sơ đăng ký công bố hợp chuẩn

Theo điều 9 Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN, hồ sơ công bố hợp chuẩn được quy định như sau:

Trường hợp 1. Trường hợp công bố hợp chuẩn dựa trên kết quả chứng nhận hợp chuẩn của tổ chức chứng nhận đã đăng ký (bên thứ ba)

Hồ sơ công bố hợp chuẩn gồm:

(1) Bản công bố hợp chuẩn theo Mẫu;

(2) Bản sao y bản chính giấy tờ chứng minh về việc thực hiện sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn (Giấy đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Quyết định thành lập hoặc Giấy tờ khác theo quy định của pháp luật);

(3) Bản sao y bản chính tiêu chuẩn sử dụng làm căn cứ để công bố;

(4) Bản sao y bản chính Giấy chứng nhận hợp chuẩn do tổ chức chứng nhận đã đăng ký cấp kèm theo mẫu dấu hợp chuẩn.

Trường hợp 2. Trường hợp công bố hợp chuẩn dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (bên thứ nhất)

Hồ sơ công bố hợp chuẩn gồm:

(1) Bản công bố hợp chuẩn theo Mẫu;

(2) Bản sao y bản chính giấy tờ chứng minh về việc thực hiện sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn (Giấy đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Quyết định thành lập hoặc Giấy tờ khác theo quy định của pháp luật);

(3) Bản sao y bản chính tiêu chuẩn sử dụng làm căn cứ để công bố;

(4) Trường hợp tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn chưa được tổ chức chứng nhận đã đăng ký cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về hệ thống quản lý (ISO 9001, ISO 22000, HACCP…), thì hồ sơ công bố hợp của tổ chức, cá nhân phải có quy trình sản xuất kèm theo kế hoạch kiểm soát chất lượng được xây dựng, áp dụng theo Mẫu;

(5) Trường hợp tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn được tổ chức chứng nhận đã đăng ký cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về hệ thống quản lý (ISO 9001, ISO 22000, HACCP…), thì hồ sơ công bố hợp của tổ chức, cá nhân phải có bản sao y bản chính Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về hệ thống quản lý còn hiệu lực;

(6) Báo cáo đánh giá hợp chuẩn theo Mẫu kèm theo bản sao y bản chính Phiếu kết quả thử nghiệm mẫu trong vòng 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ công bố hợp chuẩn của tổ chức thử nghiệm đã đăng ký.

b) Trình tự công bố hợp chuẩn

Bước 1. Đánh giá sự phù hợp đối tượng của công bố hợp chuẩn với tiêu chuẩn tương ứng

Việc đánh giá hợp chuẩn do tổ chức chứng nhận đã đăng ký (bên thứ ba) hoặc do tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn (bên thứ nhất) thực hiện. Kết quả đánh giá hợp chuẩn là căn cứ để tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn.

Bước 2. Đăng ký hồ sơ công bố hợp chuẩn

Tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn nộp hồ sơ công bố hợp chuẩn tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức, cá nhân sản xuất đăng ký doanh nghiệp hoặc đăng ký hộ kinh doanh.

Bước 3. Xử lý hồ sơ công bố hợp chuẩn

– Đối với hồ sơ công bố hợp chuẩn không đầy đủ: trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ công bố hợp chuẩn, Chi cục thông báo bằng văn bản đề nghị bổ sung các loại giấy tờ còn thiếu. Sau thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày Chi cục gửi văn bản đề nghị mà hồ sơ công bố hợp chuẩn không được bổ sung đầy đủ theo quy định, Chi cục có quyền hủy bỏ việc xử lý đối với hồ sơ này.

– Đối với hồ sơ công bố hợp chuẩn đầy đủ: trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ công bố hợp chuẩn, Chi cục phải tổ chức kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ.

+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ: Chi cục ban hành Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp chuẩn cho tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn theo Mẫu;

+ Nếu hồ sơ đầy đủ nhưng không hợp lệ: Chi cục thông báo bằng văn bản cho cho tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn về lý do không tiếp nhận hồ sơ.

3.2. Thủ tục đăng ký công bố hợp quy

a) Hồ sơ đăng ký công bố hợp quy

Theo điều 14 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN, sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 02/2017/TT-BKHCN, hồ sơ đăng ký công bố hợp quy được quy định như sau:

Trường hợp 1. Trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân (bên thứ nhất)

Hồ sơ công bố hợp quy bao gồm:

(1) Bản công bố hợp quy theo Mẫu;

(2) Báo cáo tự đánh giá gồm các thông tin: Tên tổ chức, cá nhân; địa chỉ; điện thoại, fax; tên sản phẩm, hàng hóa; số hiệu quy chuẩn kỹ thuật; kết luận sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật; cam kết chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và kết quả tự đánh giá;

Trường hợp 2. Trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc tổ chức chứng nhận được chỉ định (bên thứ ba)

Hồ sơ công bố hợp quy bao gồm:

(1) Bản công bố hợp quy theo Mẫu;

(2) Bản sao y bản chính Giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng kèm theo mẫu dấu hợp quy do tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp cho tổ chức, cá nhân.

b) Trình tự công bố hợp quy

Bước 1. Đánh giá hợp quy

- Việc đánh giá hợp quy có thể do tổ chức chứng nhận được chỉ định (bên thứ ba) hoặc do tổ chức, cá nhân công bố hợp quy (bên thứ nhất) thực hiện

- Việc đánh giá hợp quy được thực hiện theo phương thức đánh giá sự phù hợp quy định trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

- Trường hợp sử dụng kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài thì tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài phải được thừa nhận theo quy định của pháp luật hoặc được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chỉ định

Bước 2: Đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan chuyên ngành

Bước 3: Xử lý hồ sơ công bố hợp quy

– Đối với hồ sơ công bố hợp quy không đầy đủ: trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan chuyên ngành thông báo bằng văn bản đề nghị bổ sung các loại giấy tờ còn thiếu. Sau thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan chuyên ngành gửi văn bản đề nghị mà hồ sơ công bố hợp quy không được bổ sung đầy đủ theo quy định, cơ quan chuyên ngành có quyền hủy bỏ việc xử lý đối với hồ sơ này.

– Đối với hồ sơ công bố hợp quy đầy đủ: trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ công bố hợp quy, cơ quan chuyên ngành tổ chức kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ công bố hợp quy:

+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ: cơ quan chuyên ngành ban hành Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy theo Mẫu;

+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ nhưng không hợp lệ: cơ quan chuyên ngành thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân công bố hợp quy về lý do không tiếp nhận hồ sơ.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về thủ tục đăng ký tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua hotline tư vấn pháp luật 0919 089 888 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận