Kinh doanh dịch vụ taxi đang dần trở thành một lĩnh vực kinh doanh phổ biến hiện nay, không chỉ ở các thành phố lớn mà đã mở rộng ra nhiều địa phương trên toàn quốc. Với nhu cầu đi lại hiện nay, các công ty kinh doanh dịch vụ taxi đang ngày càng gia tăng về cả số lượng và chất lượng. Đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,… các hãng taxi mới ra đời ngày càng nhiều. Tuy nhiên, kinh doanh dịch vụ taxi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vậy các doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện và cần thực hiện thủ tục như thế nào để kinh doanh dịch vụ taxi?
Luật Thành Đô xin gửi tới quý khách hàng những phân tích về thủ tục và điều kiện kinh doanh dịch vụ taxi theo quy định pháp luật hiện nay.
I. CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH THỦ TỤC VÀ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH VỤ TAXI
- Luật Đầu tư năm 2020;
- Luật Doanh nghiệp năm 2020;
- Luật Hợp tác xã năm 2012;
- Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/09/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô;
- Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 của Chính phủ quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;
- Thông tư số 60/2015/TT-BGTVT ngày 02/11/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều kiện của Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT;
Bài viết cùng chuyên mục:
>> Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
II. ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH VỤ TAXI
2.1. Điều kiện chung kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
Tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh dịch vụ vận tải taxi có thể lựa chọn giữa một trong hai loại hình sau: doanh nghiệp hoặc hợp tác xã. Kinh doanh dịch vụ taxi là một trong những hình thức kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Vì thế, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ taxi cần đáp ứng các điều kiện chung về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bao gồm:
- Đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật
- Phương tiện phải bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với hình thức kinh doanh. Cụ thể:
+ Phải có đủ số lượng phương tiện theo phương án kinh doanh đã được duyệt, phương tiện phải thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng của đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức cho thuê tài chính hoặc tổ chức, cá nhân có chức năng cho thuê tài sản theo quy định của pháp luật;
+ Xe ô tô phải bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;
+ Xe phải được gắn thiết bị giám sát hành trình;
- Lái xe không phải là người đang trong thời gian bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật
- Người điều hành vận tải phải có trình độ chuyên môn về vận tải từ trung cấp trở lên hoặc có trình độ từ cao đẳng trở lên đối với các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật khác và có thời gian công tác liên tục tại đơn vị vận tải từ 03 năm trở lên.
- Nơi đỗ xe: Đơn vị kinh doanh vận tải phải có nơi đỗ xe phù hợp với phương án kinh doanh và đảm bảo các yêu cầu về an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ và vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.
- Về tổ chức quản lý
+ Đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện thuộc diện bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe phải trang bị máy tính, đường truyền kết nối mạng và phải theo dõi, xử lý thông tin tiếp nhận từ thiết bị giám sát hành trình của xe
+ Đơn vị kinh doanh vận tải bố trí đủ số lượng lái xe theo phương án kinh doanh, chịu trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe cho lái xe và sử dụng lái xe đủ sức khỏe theo quy định
+ Có bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông
+ Phải đăng ký và thực hiện tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách
2.2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ taxi
Ngoài đáp ứng các điều kiện chung về kinh doanh vấn tải bằng xe ô tô, doanh nghiệp, hợp tác xã taxi cần đáp ứng thêm các điều kiện riêng sau:
- Xe taxi phải có sức chứa từ 09 chỗ ngồi trở xuống (kể cả người lái xe);
- Xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 08 năm tại đô thị loại đặc biệt; không quá 12 năm tại các địa phương khác;
- Trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì;
- Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải đăng ký và thực hiện sơn biểu trưng (logo) không trùng với biểu trưng đã đăng ký của đơn vị kinh doanh vận tải taxi trước đó và số điện thoại giao dịch cho các xe thuộc đơn vị;
- Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có trung tâm điều hành, duy trì hoạt động của trung tâm điều hành với lái xe, đăng ký tần số liên lạc và có thiết bị liên lạc giữa trung tâm với các xe thuộc đơn vị;
- Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có số xe tối thiểu là 10 xe; riêng đối với đô thị loại đặc biệt phải có số xe tối thiểu là 50 xe.
III. HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH DỊCH VỤ TAXI
Để thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ taxi, ngoài đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã taxi cần xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Sau khi đáp ứng các điều kiện kinh doanh dịch vụ taxi tại mục II nêu trên, doanh nghiệp/hợp tác xã chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm có:
(1) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu;
(2) Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
(3) Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu) văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành vận tải;
(4) Phương án kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;
(5) Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông;
(6) Bản đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải;
IV. THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH DỊCH VỤ TAXI
Trước khi xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ taxi, tổ chức, cá nhân cần đăng ký hợp tác xã tại UBND xã nơi hợp tác xã đặt trụ sở chính (đối với hợp tác xã taxi) hoặc đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Sau khi đã đáp ứng các điều kiện kinh doanh dịch vụ taxi thì tiến hành thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô được thực hiện qua các bước sau:
Bước 1: Doanh nghiệp/Hợp tác xã taxi chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô theo quy định;
Bước 2: Doanh nghiệp/Hợp tác xã taxi nộp hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô;
Doanh nghiệp/Hợp tác xã taxi nộp hồ sơ tại Sở Giao thông vận tải của tỉnh, thành phố trực thuộc tủng ương nơi doanh nghiệp/hợp tác xã đặt trụ sở chính. Sở Giao thông vận tải tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra các điều kiện kinh doanh dịch vụ taxi của doanh nghiệp/hợp tác xã, kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của các loại giấy tờ trong hồ sơ; yêu cầu bổ sung, hoàn thiện nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ.
Bước 3: Cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô
Sau 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Giao thông vận tải cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô cho doanh nghiệp/hợp tác xã taxi.
Lưu ý: Giấy phép kinh doanh có giá trị 07 năm và được cấp lại trong trường hợp Giấy phép kinh doanh bị mất, bị hỏng, có sự thay đổi liên quan đến nội dung của Giấy phép kinh doanh hoặc Giấy phép kinh doanh hết hạn. Trường hợp cấp lại do có sự thay đổi liên quan đến nội dung của Giấy phép kinh doanh, thời hạn của Giấy phép kinh doanh mới không vượt quá thời hạn của Giấy phép đã được cấp trước đó. Trong các trường hợp cấp đổi, cấp lại và trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp/hợp tác xã phải luôn đáp ứng các điều kiện kinh doanh dịch vụ taxi.
Trên đây là nội dung Luật Thành Đô chia sẻ về thủ tục & điều kiện kinh doanh dịch vụ taxi theo quy định pháp luật hiện hành. Ngoài ra nếu còn thắc mắc, quý khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được tư vấn chi tiết. Xin cảm ơn sự quan tâm của quý khách hàng!
Bình luận