Thủ tục nhập khẩu phim truyện từ nước ngoài về Việt Nam

Luật Thành Đô chân thành cảm ơn Quý khách hàng đã tin tưởng và liên hệ tới Công ty Luật Thành Đô.

Về những vướng mắc của Quý khách hàng, Luật Thành Đô đã nghiên cứu và xin gửi Quý khách hàng nội dung tư vấn chi tiết dưới đây.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật Điện ảnh 2006;

- Luật Điện ảnh sửa đổi 2009;

- Thông tư 28/2014/TT-BVHTTDL quy định về quản lý hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế thuộc diện quản lý chuyên ngành văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

-  Thông tư 26/2018/TT-BVHTTDL sửa đổi Thông tư 28/2014/TT-BVHTTDL quy định về quản lý hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế thuộc diện quản lý chuyên ngành văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

-  Thông tư 24/2018/TT-BVHTTDL về danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam;

- Thông tư 289/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực điện ảnh do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;

II. NỘI DUNG TƯ VẤN KHÁCH HÀNG

0. Một số khái niệm trong thư tư vấn

- Phát hành phim là quá trình lưu thông phim thông qua hình thức bán, cho thuê, xuất khẩu, nhập khẩu.

- Phổ biến phim là việc đưa phim đến công chúng thông qua chiếu phim, phát sóng trên truyền hình, đưa lên mạng Internet và phương tiện nghe nhìn khác.

1. Với các ngành nghề kinh doanh bên chị đã đăng ký, có cần bổ sung thêm để có thể nhập phim không?

Luật Thành Đô đã tiến hành tra cứu thông tin của Công ty cổ phần truyền thông, quảng cáo đa phương tiện (MST: 0102662034) thì hiện tại doanh nghiệp đã có những ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực phát hành phim nên khi nhập khẩu, phổ biến phim thì không cần bổ sung thêm ngành nghề.

2. Để nhập khẩu được phim thì cần có giấy phép gì, thời gian bao lâu, chi phí bao nhiêu?

2.1. Điều kiện nhập khẩu phim

Tổ chức thực hiện việc nhập khẩu phim phải tuân thủ các quy định sau đây:

- Phim nhập khẩu phải có bản quyền hợp pháp và không vi phạm quy về thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.

- Giấy phép phổ biến phim hoặc văn bản phê duyệt nội dung tác phẩm phim nhập khẩu do cơ quan có thẩm quyền cấp là căn cứ để Thương nhân làm thủ tục thông quan tại hải quan.

Vì vậy, trong trường hợp nhập khẩu phim từ nước ngoài về, quý khách hàng cần phải xin phê duyệt nội dung của phim nhập khẩu hoặc/và xin cấp giấy phép phổ biến phim (tuỳ theo hình thức phổ biến phim trên song truyền hình, trên internet hoặc chiếu rạp). Khi có tối thiểu 01 trong 02 giấy phép trên, doanh nghiệp tiến hành thủ tục nhập khẩu phim tại Cơ quan Hải quan có thẩm quyền.

2.2. Thủ tục phê duyệt nội dung phim nhập khẩu

Tác phẩm phim nhập khẩu vào Việt Nam phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nội dung.

2.2.1. Hồ sơ phê duyệt nội dung tác phẩm phim nhập khẩu

Thương nhân đề nghị phê duyệt nội dung tác phẩm phim nhập khẩu gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Điện ảnh hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hồ sơ gồm:

(1) Đơn đăng ký xét duyệt nội dung tác phẩm;

(2) Bản sao văn bản chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tác phẩm hoặc sản phẩm;

(3) Tác phẩm đề nghị xét duyệt nội dung để nhập khẩu;

(4) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

2.2.2. Quy trình phê duyệt nội dung tác phẩm phim nhập khẩu

Bước 1: Doanh nghiệp nộp hồ sơ xin phê duyệt nội dung phim nhập khẩu

Bước 2: Cục Điện ảnh/Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch thành lập Hội đồng thẩm định phim để tiến hành thẩm định nội dung của phim nhập khẩu.

Hội đồng thẩm định phim nhập khẩu từ 05 người trở lên, bao gồm đại diện cơ quan quyết định thành lập hội đồng thẩm định phim, đạo diễn, biên kịch và các thành viên khác.

Bước 3: Hội đồng thẩm định tiến hành thẩm định phim và cho ý kiến về việc quyết định phê duyệt/không phê duyệt/yêu cầu chỉnh sửa nội dung của phim.

Bước 4: Cục Điện ảnh/Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch căn cứ trên kết quả thẩm định nội dung phim của Hội đồng thẩm định, quyết định cho phép/không cho phép nhập khẩu phim.

2.2.3. Thẩm quyền phê duyệt nội dung tác phẩm phim nhập khẩu

- Cục Điện ảnh tiếp nhận hồ sơ và xem xét cấp Giấy phép phổ biến phim đối với:

+ Phim truyện do cơ sở phim trong cả nước nhập khẩu, trừ trường hợp phim truyện của các cơ sở điện ảnh thuộc địa phương đáp ứng được các điều kiện về sản xuất và nhập khẩu phim theo quy định.

+ Phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình do cơ sở phim thuộc Trung ương sản xuất hoặc nhập khẩu;

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận hồ sơ và xem xét cấp Giấy phép phổ biến phim đối với phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình do cơ sở phim thuộc địa phương nhập khẩu.

2.3. Thủ tục xin cấp giấy phép phổ biển phim

Phim Việt Nam do cơ sở sản xuất phim sản xuất, phim nhập khẩu chỉ được phát hành, phổ biến khi đã có giấy phép phổ biến phim của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về phim.

Ngoài ra, khi xin cấp phép phổ biến phim, tác phẩm được xem xét cấp phép phổ biến phim phải được thẩm định bởi Hội đồng thẩm định phim có thẩm quyền trước khi cấp phép.

2.3.1. Hồ sơ xin cấp giấy phép phổ biến phim

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phổ biến phim bao gồm:

(1) Đơn đề nghị cấp giấy phép;

(2) Giấy chứng nhận bản quyền phim;

(3) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

2.3.2. Thẩm quyền cấp giấy phép phổ biến phim

Thẩm quyền cấp giấy phép phổ biến phim được quy định như sau:

- Cục Điện ảnh – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép phổ biến phim đối với phim sản xuất và nhập khẩu của cơ sở phim thuộc trung ương, cơ sở phim thuộc địa phương và cơ sở phim tư nhân trong phạm vi cả nước, trừ trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được Chính phủ giao cấp giấy phép phổ biến phim;

3. Cơ quan cấp phép là cơ quan nào, khi cấp phép có kiểm định phim luôn không?

Như đã trình bày tại mục 2 nêu trên, khi cấp giấy phép phổ biến phim hoặc văn bản phê duyệt nội dung phim để nhập khẩu thì sẽ thực hiện việc phê duyệt nội dung phim đồng thời trong quá trình cấp phép.

Cơ quan cấp phép sẽ tuỳ theo loại hình phim nhập khẩu là Cục Điện ảnh hoặc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch.

4. Dự định của bên chị là nhập khẩu phim qua internet, vì vậy, chị muốn hỏi có cần giấy phép lẻ không?

Đối với phim nước ngoài: hiện nay các quy định về phổ biến phim trên internet chưa rõ ràng và chồng chéo giữa nhiều văn bản. Thực tế, theo ý kiến và hướng xử lý cấp giấy phép phổ biến phim hiện nay chỉ dừng ở hai hình thức là phát sóng và chiếu rạp. Tuy nhiên, trên một số nền tảng internet, chủ sở hữu flatform (nền tảng phổ biến) sẽ yêu cầu các giấy tờ liên quan đến kiểm duyệt nội dung hoặc giấy phổ biến phim. Trong trường hợp này, bên chị có thể cân nhắc 1 trong các cách thức sau:

- Thực hiện thủ tục phê duyệt nội dung: xin văn bản liên quan đến việc kiểm duyệt nội dung của cơ quan có thẩm quyền phù hợp.

- Phối hợp với các doanh nghiệp phim để xin giấy phép phổ biến phim. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cần có công văn điều chỉnh về mục đích phổ biến trên internet.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận