Thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật hiện hành

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, bên cạnh những lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được thì doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều rủi do dẫn đến phá sản. Có thể nói phá sản là hiện tượng tất yếu khách quan trong nền kinh tế thị trường. Có rất nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn đến sự phá sản như sự yếu kém về năng lực tổ chức, quản lý hoạt động sản xuất – kinh doanh; do làm ăn thua lỗ dẫn đến tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã không đủ thanh toán tổng số các khoản nợ khi đến hạn. Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan thì còn có những nguyên nhân khách quan như biến động trong nền kinh tế thị trường hay do tình hình dịch bệnh covid kéo dài như hiện nay làm suy giảm cả về nhân lực lẫn nguồn đầu tư. Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi doanh nghiệp, hợp tác xã trong nhiều trường hợp phải tiến hành mở thủ tục phá sản khi lâm phải tình trạng trên.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

- Luật Doanh nghiệp 2020;

- Luật Phá sản 2014;

- Nghị định 22/2015 ngày 16 tháng 02 năm 2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản;

II. THỦ TỤC PHÁ SẢN

2.1. Điều kiện doanh nghiệp được công nhận phá sản

Bao giờ phá sản cũng dẫn đến những hậu quả nhất định. Phá sản gây ra cho doanh nghiệp, hợp tác xã những xáo trộn về kinh tế - xã hội, ảnh hưởng lớn tới đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, phá sản cũng dẫn đến những ý nghĩa tích cực như là một giải pháp hữu hiệu trong việc “cơ cấu lại” nền kinh tế, góp phần duy trì sự tồn tại của những doanh nghiệp đủ sức đứng vững trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt. Để được công nhận là phá sản, doanh nghiệp phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện:

Thứ nhất, mất khả năng thanh toán. Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán khi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Không thực hiện nghĩa vụ thanh toán ở đây có thể là do không có tài sản để thanh toán nợ hoặc cũng có thể là do có tài sản nhưng không thanh toán các khoản nợ.

Thứ hai, bị Tòa án tuyên bố phá sản. Khi người có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án nhân dân mở thủ tục phá sản thì Tòa sẽ xem xét, thụ lý đơn yêu cầu và tuyên bố phá sản.

Tùy từng chủ thể có quyền nộp đơn thì có những yêu cầu về hồ sơ riêng. Tuy nhiên, hồ sơ của các chủ thể đó đều có thông tin chung về:

- Ngày, tháng, năm làm đơn;

- Tên, địa chỉ của người làm đơn;

- Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản;

- Số tháng nợ tiền lương, tổng số tiền lương và các khoản nợ khác mà doanh nghiệp, hợp tác xã không trả được cho người lao động;

- Căn cứ của việc yêu cầu mở thủ tục phá sản;

2.2. Trình tự, thủ tục phá sản theo pháp luật hiện hành

Bước 1: Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Theo quy định của pháp luật hiện hành, các chủ thể có quyền và nghĩa vụ liên quan phải làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Tại Điều 5 Luật Phá sản 2014 thì chủ thể có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Phương thức nộp đơn:

- Nộp trực tiếp tại Tòa án nhân dân

- Gửi qua bưu điện đến Tòa án nhân dân

Khi chuẩn bị nộp đơn, người yêu cầu mở thủ tục phá sản phải kèm đó là tài liệu, chứng cứ liên quan.

Bước 2: Tòa án nhận đơn

Sau khi nhận được đơn, Tòa án xem xét đơn yêu cầu thông qua việc:

- Phân công Thẩm quyền giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn, Chánh án Tòa án nhân dân phân công một Thẩm phán hoặc Tổ Thẩm phán gồm 03 Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu.

- Xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản: Cũng trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày phân công, Thẩm phán sẽ xem xét đơn và xử lý:

+ Nếu đơn hợp lệ thì thông báo cho người yêu cầu về việc nộp lệ phí phá sản cho cơ quan thi hành án dân sự và tạm ứng chi phí phá sản vào tài khoản do Tòa án nhân dân mở tại ngân hàng.

 + Nếu đơn không đủ những nội dung như yêu cầu thì người yêu cầu sẽ được thông báo để sửa đổi, bổ sung lại.

Bước 3: Tòa án thụ lý đơn

Khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản và biên lai tạm ứng chi phí phá sản thì Tòa án nhân dân bắt đầu thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn yêu cầu; các cơ quan, tổ chức đang giải quyết công việc liên quan tới doanh nghiệp, hợp tác xã này và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp về việc thụ lý đơn.

- Khi thấy doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thì Thẩm phán ra quyết định mở thủ tục phá sản. Trong trường hợp cần thiết, trước khi ra quyết định này thì có thể triệu tập người nộp đơn yêu cầu và các tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia phiên họp. Quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân phải được gửi cho người nộp đơn, cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan và được đăng lên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân.

- Khi thấy doanh nghiệp không thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán thì Tòa án nhân dân ra quyết định không mở thủ tục phá sản. Và gửi người nộp đơn, doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

- Thời hạn gửi và thông báo quyết định mở thủ tục phá sản hay không mở thủ tục phá sản là 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định.

Bước 4: Thi hành tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản

Thanh lý tài sản phá sản của doanh nghiệp, tiền thu được từ được việc thanh lý sẽ chia cho các đối tượng theo thứ tự phân chia theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trên đây là nội dung bài viết của Công ty Luật Thành Đô về “Thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật hiện hành”. Nếu còn bất kỳ vướng mắc nào liên quan, Qúy khách vui lòng liên hệ qua tổng đài tư vấn 19001958 để được Luật sư của chúng tôi tư vấn cụ thể hoặc liên hệ trực tiếp để được sử dụng dịch vụ.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận