Thủ tục thành lập công ty bưu chính có vốn nước ngoài
- 03/08/2021
- Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
- 0 Nhận xét
Dịch vụ chuyển phát (bưu chính) là một trong những dịch vụ logistics quy định tại Nghị định số 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics. Theo quy định, dịch vụ bưu chính gồm bưu chính nội địa và bưu chính quốc tế. Để thành lập công ty bưu chính có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư cần chuẩn bị những hồ sơ, giấy tờ gì, trình tự, thủ tục thực hiện như thế nào? Trong bài viết sau đây, Luật Thành Đô sẽ giới thiệu cho Quý khách hàng về “Thủ tục thành lập công ty bưu chính có vốn nước ngoài”
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
- Cam kết số 318/WTO/CK của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về dịch vụ;
- Luật Doanh nghiệp 2020;
- Luật Đầu tư 2020;
- Luật Bưu chính 2010;
- Nghị định 47/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính;
- Thông tư số 47/2019/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp;
- Thông tư 25/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 291/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định điều kiện hoạt động bưu chính;
- Các văn bản khác có liên quan.
II. ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH VỤ BƯU CHÍNH
Khoản 3 Điều 3 Luật Bưu chính 2010 quy định
“Dịch vụ bưu chính là dịch vụ chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi bằng các phương thức từ địa điểm của người gửi đến địa điểm của người nhận qua mạng bưu chính, trừ phương thức điện tử.”
Theo quy định tại Mục A Phụ lục I Nghị định 31/2021/NĐ-CP, dịch vụ bưu chính là một ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên theo biểu cam kết về dịch vụ tại cam kết số 318/WTO/CK, các dịch vụ chuyển phát (CPC 7512) không hạn chế tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài, 5 năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO (năm 2006), cho phép thành lập công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Mặt khác, theo quy định tại Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020, kinh doanh dịch vụ bưu chính là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Để đầu tư kinh doanh ngành nghề này, các nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật.
Khoản 1 Điều 21 Luật Bưu chính 2010 quy định:
“Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thư có địa chỉ nhận có khối lượng đơn chiếc đến 02 kg phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính (sau đây gọi là giấy phép bưu chính) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính cấp.”
Doanh nghiệp được cấp giấy phép bưu chính khi có đủ các điều kiện sau đây:
(1) Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động bưu chính hoặc giấy chứng nhận đầu tư trong lĩnh vực bưu chính.
(2) Có khả năng tài chính, nhân sự phù hợp với phương án kinh doanh theo nội dung đề nghị được cấp giấy phép.
- Đối với trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính trong phạm vi nội tỉnh, liên tỉnh, doanh nghiệp phải có mức vốn tối thiểu là 02 tỷ đồng Việt Nam.
- Đối với trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, doanh nghiệp phải có mức vốn tối thiểu là 05 tỷ đồng Việt Nam.
(3) Có phương án kinh doanh khả thi phù hợp với quy định về giá cước, chất lượng dịch vụ bưu chính.
(4) Có biện pháp đảm bảo an ninh thông tin và an toàn đối với con người, bưu gửi, mạng bưu chính.
III. THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY BƯU CHÍNH CÓ VỐN NƯỚC NGOÀI
3.1. Xin giấy phép đầu tư
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Chủ đầu tư cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm:
(1) Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận.
(2) Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư.
(3) Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.
(4) Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;
(5) Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư.
(6) Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.
(7) Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
(8) Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).
Bước 2: Nộp hồ sơ
Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ cho cơ quan đăng ký đầu tư. Cụ thể:
- Nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư đối với dự án đầu tư sau:
+ Dự án đầu tư thực hiện tại 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.
+ Dự án đầu tư thực hiện ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.
+ Dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế nơi chưa thành lập Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc không thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
- Nộp cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế đối với các dự án đầu tư sau:
+ Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế.
+ Dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
Bước 3: Nhận kết quả
Nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi đáp ứng các điều kiện sau:
(1) Không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh
(2) Có địa điểm thực hiện dự án đầu tư được xác định trên cơ sở bản sao hợp lệ giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc bản sao hợp lệ thỏa thuận thuê địa điểm hoặc văn bản, tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư
(3) Dự án đầu tư phù hợp với các quy hoạch
(4) Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất do UBND cấp tỉnh quy định căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương và được Thường trực HĐND tỉnh thông qua (nếu có), số lượng lao động sử dụng (nếu có)
(5) Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Thời hạn giải quyết: 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Lệ phí: Miễn phí
3.2. Thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bưu chính
Chủ đầu tư có thể lựa chọn thành lập công ty TNHH hoặc công ty cổ phần kinh doanh dịch vụ bưu chính.
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
* Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần bao gồm:
(1) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
(2) Điều lệ công ty.
(3) Danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần.
(4) Bản sao các giấy tờ sau đây:
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
Đối với thành viên, cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
* Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty TNHH một thành viên bao gồm:
(1) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
(2) Điều lệ công ty.
(3) Bản sao các giấy tờ sau đây:
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước); Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
Đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh theo phương thức sau đây:
(1) Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.
(2) Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính.
(3) Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
Trong trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi thành lập doanh nghiệp.
Bước 3: Nhận kết quả
Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
(1) Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh.
(2) Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy.
(3) Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ.
(4) Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
Thời hạn giải quyết: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Lệ phí: 100.000 đồng/lần. (Đăng ký qua mạng điện tử: Miễn phí)
3.3. Xin giấy phép bưu chính
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bưu chính được lập thành 03 bộ, trong đó 01 bộ là bản gốc, 02 bộ là bản sao do doanh nghiệp tự đóng dấu xác nhận và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bưu chính gồm:
(1) Giấy đề nghị giấy phép bưu chính (theo mẫu tại Phụ lục I Nghị định 47/2011/NĐ-CP)
(2) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động bưu chính hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoạt động bưu chính tại Việt Nam do doanh nghiệp tự đóng dấu xác nhận và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao;
(3) Điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp (nếu có);
(4) Phương án kinh doanh;
Phương án kinh doanh, gồm các nội dung chính sau:
- Thông tin về doanh nghiệp gồm tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử (e-mail) của trụ sở giao dịch, văn phòng đại diện, chi nhánh, trang tin điện tử (website) của doanh nghiệp (nếu có) và các thông tin liên quan khác;
- Địa bàn dự kiến cung ứng dịch vụ;
- Hệ thống và phương thức quản lý, điều hành dịch vụ;
- Quy trình cung ứng dịch vụ gồm quy trình chấp nhận, vận chuyển và phát;
- Phương thức cung ứng dịch vụ do doanh nghiệp tự tổ chức hoặc hợp tác cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp khác (trường hợp hợp tác với doanh nghiệp khác, doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép bưu chính phải trình bày chi tiết về phạm vi hợp tác, công tác phối hợp trong việc bảo đảm an toàn, an ninh, giải quyết khiếu nại và bồi thường thiệt hại cho người sử dụng dịch vụ);
- Các biện pháp bảo đảm an toàn đối với con người, bưu gửi, mạng bưu chính và an ninh thông tin trong hoạt động bưu chính;
- Phân tích tính khả thi và lợi ích kinh tế - xã hội của phương án thông qua các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu, chi phí, số lượng lao động, thuế nộp ngân sách nhà nước, tỷ lệ hoàn vốn đầu tư trong 03 năm tới kể từ năm đề nghị cấp phép.
(5) Mẫu hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính phù hợp với quy định của pháp luật về bưu chính;
(6) Mẫu biểu trưng, nhãn hiệu, ký hiệu đặc thù hoặc các yếu tố thuộc hệ thống nhận diện của doanh nghiệp được thể hiện trên bưu gửi (nếu có);
(7) Bảng giá cước dịch vụ bưu chính phù hợp với quy định của pháp luật về bưu chính;
(8) Tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ bưu chính công bố áp dụng phù hợp với quy định của pháp luật về bưu chính;
(9) Quy định về mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp phát sinh thiệt hại, quy trình giải quyết khiếu nại của khách hàng, thời hạn giải quyết khiếu nại phù hợp với quy định của pháp luật về bưu chính;
(10) Thỏa thuận với doanh nghiệp khác, đối tác nước ngoài bằng tiếng Việt, đối với trường hợp hợp tác cung ứng một, một số hoặc tất cả các công đoạn của dịch vụ bưu chính đề nghị cấp phép;
(11) Tài liệu đã được hợp pháp hóa lãnh sự chứng minh tư cách pháp nhân của đối tác nước ngoài.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Doanh nghiệp nộp 03 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu chính đến:
- Sở Thông tin và Truyền thông đối với trường hợp cung ứng dịch vụ thư trong phạm vi nội tỉnh.
- Bộ Thông tin và Truyền thông đối với các trường hợp cung ứng dịch vụ thư trong phạm vi liên tỉnh, quốc tế.
Bước 3: Nhận kết quả
Thời hạn giải quyết: 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ
Phí thẩm định điều kiện cấp giấy phép bưu chính (thẩm định lần đầu)
- Phạm vi liên tỉnh: 21,5 triệu đồng
- Phạm vi quốc tế:
+ Quốc tế chiều đến: 29,5 triệu đồng
+ Quốc tế chiều đi: 34,5 triệu đồng
+ Quốc tế hai chiều: 39,5 triệu đồng
Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Đô về vấn đề Thủ tục thành lập công ty bưu chính có vốn nước ngoài, mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 0919 089 888 để được hỗ trợ giải đáp.
THÔNG TIN LIÊN HỆ Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN Hotline: 0919 089 888 Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn Website: www.luatthanhdo.com.vn |
Bình luận