THỦ TỤC THAY ĐỔI ĐỊA CHỈ CÔNG TY XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG
Trong quá trình tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động, Công ty Luật Thành Đô nhận thấy rằng hầu hết các doanh nghiệp đều gặp phải khó khăn khi muốn thay đổi/chuyển địa chỉ công ty xuất khẩu lao động. Trong nội dung bài viết này, Luật Thành Đô trân trọng gửi tới Quý bạn đọc và doanh nghiệp bài viết “Thủ tục thay đổi địa chỉ công ty xuất khẩu lao động”.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
- Bộ luật lao động số 10/2012/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012;
- Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 72/2006/QH11;
- Nghị định số 126/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 08 năm 2017 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Thông tư liên tịch số 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC quy định cụ thể về tiền môi giới và tiền dịch vụ trong hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BLĐTBXH-NHNNVN quy định việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp và tiền ký quỹ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Thông tư 22/2013/TT-BLĐTBXH quy định mẫu và nội dung của hợp đồng cung ứng lao động và hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
- Quyết định số 19/2007/QĐ-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành “Quy định về tổ chức bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài”;
- Quyết định số 1012/QĐ-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục quản lý lao động ngoài nước.
II. THỦ TỤC THAY ĐỔI ĐỊA CHỈ CÔNG TY XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG
Theo quy định của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hiện hành thì việc thay đổi địa chỉ công ty xuất khẩu lao động dẫn đến việc doanh nghiệp thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Vì vậy, căn cứ theo quy định tại điều 11 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì doanh nghiệp sẽ được đổi Giấy phép xuất khẩu lao động khi đáp ứng đầy đủ điều kiện về vốn pháp định và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật (về đề án hoạt động; bộ máy; Lãnh đạo điều hành…).
Lưu ý: chỉ khi nào công ty xuất khẩu lao động thay đổi địa chỉ hoạt động dẫn tới việc thay được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (nghĩa là thay đổi địa chỉ trụ sở chính công ty xuất khẩu lao động) thì mới phải làm thủ tục để được đổi Giấy phép xuất khẩu lao động.
Quy trình để thực hiện thủ tục thay đổi địa chỉ công ty xuất khẩu lao động như sau:
Bước 1. Doanh nghiệp lựa chọn địa điểm mới dự kiến thay đổi địa chỉ hoạt động xuất khẩu lao động; sau đó chuẩn bị 01 bộ hồ sơ nộp đến Phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh/thành phố nơi có địa điểm dự kiến chuyển đến.
Vui lòng tham khảo bài viết: …………………………….
Bước 2. Sau khi hoàn thiện thủ tục ở bước 1, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp gửi hồ sơ đổi Giấy phép đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Lưu ý: quá thời hạn này mà doanh nghiệp không gửi hồ sơ đổi Giấy phép thì Giấy phép mặc nhiên hết hiệu lực.
Bước 3. Cấp đổi Giấy phép xuất khẩu lao động.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét đổi Giấy phép cho doanh nghiệp, nếu không đổi Giấy phép phải trả lời và nêu rõ lý do bằng văn bản cho doanh nghiệp.
Bước 4. Công bố Giấy phép
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày được đổi Giấy phép, doanh nghiệp phải có văn bản thông báo kèm theo bản sao Giấy phép gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và niêm yết công khai bản sao Giấy phép tại trụ sở chính của doanh nghiệp.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được đổi Giấy phép, doanh nghiệp phải đăng nội dung Giấy phép trên một trong các tờ báo viết của trung ương hoặc báo điện tử trong ba số liên tiếp.
Như vậy, vấn đề mà các công ty xuất khẩu lao động thường gặp vướng mắc khi muốn thực hiện thay đổi địa chỉ công ty đó là vấn đề làm thủ tục đổi Giấy phép xuất khẩu lao động. Trong phần tiếp theo, Luật Thành Đô sẽ cung cấp các thông tin chi tiết về thủ tục đổi Giấy phép xuất khẩu lao động như sau:
1. Thành phần hồ sơ đề nghị đổi Giấy phép
- Văn bản đề nghị đổi Giấy phép của doanh nghiệp theo mẫu tại Phụ lục số 03 kèm theo Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH;
- Giấy phép đã được cấp;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được cấp lại;
- Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện về vốn theo quy định (Vốn pháp định 5 tỷ trong đó phải ký quỹ 1 tỷ);
- Sơ yếu lý lịch của người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài kèm theo giấy tờ chứng minh đủ điều kiện theo quy định (Sơ yếu lý lịch; Hợp đồng lao động; Bản kê khai quá trình hoạt động; Quyết định bổ nhiệm; CMND/CCCD; Văn bằng tốt nghiệp);
- Báo cáo về tổ chức bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và bộ máy bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;
- Danh sách trích ngang cán bộ chuyên trách trong bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, gồm các nội dung: họ tên, ngày tháng năm sinh, chức vụ, trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, nhiệm vụ được giao;
- Giấy tờ xác nhận việc đóng góp Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.
2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
3. Lệ phí: doanh nghiệp phải nộp lệ phí bằng 50% (năm mươi phần trăm) mức lệ phí cấp Giấy phép xuất khẩu lao động. Như vậy mức lệ phí để đổi giấy phép là 2.500.000 đồng (Hai triệu năm trăm nghìn đồng).
4. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ là Cục quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội.
Địa chỉ: 41B Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.
5. Người có thẩm quyền cấp đổi Giấy phép xuất khẩu lao động: Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về thủ tục thay đổi địa chỉ công ty xuất khẩu lao động mà Luật Thành Đô gửi đến Quý bạn đọc. Với đội ngũ luật sư nhiệt huyết, tận tình và giàu kinh nghiệm, Luật Thành Đô luôn sẵn sàng tư vấn, giải đáp các vướng mắc có liên quan và trở thành người đồng hành của Quý bạn đọc trong suốt quá trình thực hiện các thủ tục đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.
Kính chúc Quý bạn đọc sức khỏe và ngày càng phát triển!
Trân trọng./.
Bình luận