Thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh trang trại mới nhất

Kinh tế trang trại là mô hình tiêu biển đang phát triển và được nhân rộng tại nhiều địa phương trên cả nước, các trang trại luôn đi đầu trong việc áp dụng giống cây trồng, vật nuôi mới, ứng dụng khoa học công nghệ và sản xuất từ đó có đóng góp không nhỏ trong phát triển nông nghiệp tại nông thôn, tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động không chuyên tại địa phương thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi. Như vậy, khi thành lập trang trại cá nhân, hộ gia đình cần thực hiện thủ tục xin Giấy phép kinh doanh trang trại, để làm rõ hơn vấn đề này Luật Thành Đô xin giới thiệu tới quý bạn đọc bài viết Thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh trang trại mới nhất.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

- Luật Chăn nuôi 2018;

- Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

- Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

- Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT quy định tiêu chí kinh tế trang trại;

- Văn bản pháp luật khác có liên quan.

II. QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ XIN GIẤY PHÉP KINH DOANH TRANG TRẠI

Căn cứ theo Điều 3 Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT quy định tiêu chí kinh tế trang trại như sau:

(1) Đối với trang trại chuyên ngành:

- Trồng trọt: Giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 1,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên;

- Nuôi trồng thủy sản: Giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên;

- Chăn nuôi: Giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và đạt quy mô chăn nuôi trang trại theo quy định tại Luật Chăn nuôi hiện hành và văn bản hướng dẫn;

- Lâm nghiệp: Giá trị sản xuất bình quân đạt từ 1,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 10,0 ha trở lên;

- Sản xuất muối: Giá trị sản xuất bình quân đạt 0,35 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên.

(2) Đối với trang trại tổng hợp:

Giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên.

Ngoài ra doanh nghiệp cần đáp ứng điều kiện chăn nuôi trang trại như: vị trí xây dựng trang trại phù hợp, trang trại cần đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật có liên quan, có kế hoạch, biện pháp xử lý chất thải cụ thể trong việc bảo vệ môi trường,...

III. THỦ TỤC XIN GIẤY PHÉP KINH DOANH TRANG TRẠI MỚI NHẤT

Thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh trang trại hiện nay bao gồm các bước sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ xin cấp phép kinh doanh trang trại

Cá nhân, tổ chức, hộ kinh doanh tiến hành nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh trang trại tại Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi kinh doanh trang trại;

Trường hợp cá nhân, hộ gia đình kinh doanh trang trại tại nhiều địa điểm khác nhau có thể nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân của một trong những địa điểm kinh doanh đó.

Bước 2: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ cấp phép

Ủy ban nhân dân cấp xã nhận hồ sơ, trao Giấy biên nhận và thẩm định, xác nhận hồ sơ trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ và chuyển hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp huyện;

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ Ủy ban nhân dân cấp xã ra thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do;

Bước 3: Nhận kết quả giấy phép kinh tế trang trại

Trong thời hạn 03 ngày làm việc khi nhận hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho cá nhân, hộ kinh doanh.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc Ủy ban nhân dân cấp xã nhận Giấy chứng nhận kinh tế trang trại, tiến hành trao trả Giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho cá nhân, hộ kinh doanh.

IV. HỒ SƠ XIN GIẤY PHÉP KINH DOANH TRANG TRẠI MỚI NHẤT

Hồ sơ xin Giấy phép kinh doanh trang trại bao gồm các loại giấy tờ sau:

(1) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại;

(2) Bản sao hợp lệ, chứng thực giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

- Trường hợp cá nhân, hộ gia đình thuê đất để kinh doanh trang trại cần có bản sao hợp lệ chứng thực hợp đồng thuê đất;

- Trường hợp cá nhân, hộ gia đình sử dụng diện tích đất kinh doanh trang trại chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đất kinh doanh trang trại xác nhận là người sử dụng đất ổn định, lâu dài và không có tranh chấp;

(3) Văn bản ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác thực hiện thủ tục xin cấp phép kinh doanh trang trại (nếu có).

V. MỘT SỐ CÂU HỎI THƯỜNG GẶP KHI KINH DOANH TRANG TRẠI

Câu hỏi 1: Chủ trang trại có thể là tổ chức không?

Căn cứ theo Khoản 4 Điều 3 Nghị định 55/2015/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 116/2018/NĐ-CP quy định như sau:

“4. Chủ trang trại là cá nhân thực hiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với các quy định của pháp luật và đáp ứng các tiêu chí kinh tế trang trại do cơ quan có thẩm quyền quy định”

Như vậy, theo quy định trên chủ trang trại phải là cá nhân và thực hiện kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp phù hợp theo quy định của pháp luật, ngoài ra chủ trang trại cần đáp ứng tiêu chí về kinh tế trang trại như: giá trị sản xuất bình quân/năm và tổng diện tích đất sản xuất theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi 2: Cách tính tổng diện tích đất và giá trị sản xuất của trang trại được tính như thế nào?

Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT quy định cách tính tổng diện tích đất sản xuất và giá trị sản xuất của trang trại như sau:

- Tổng diện tích đất sản xuất trang trại là tổng diện tích đất sản xuất kinh doanh của trang trại, được sử dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai, bao gồm diện tích đất để trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối và đất để xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất của trang trại tại thời điểm kê khai.

- Giá trị sản xuất của trang trại/năm là giá trị sản xuất của ít nhất 1 năm trang trại đạt được trong 3 năm gần nhất với năm kê khai; được tính bằng tổng giá trị sản xuất các kỳ thu hoạch hoặc khai thác trong năm.

- Đối với trang trại mới thành lập chưa có sản phẩm thu hoạch, giá trị sản xuất được ước tính căn cứ vào phương án sản xuất, tình hình triển khai thực tế của trang trại.

Trên đây là bài tư vấn của Luật Thành Đô về vấn đề: Thủ tục xin Giấy phép kinh doanh trang trại mới nhất. Nếu quý bạn đọc còn bất kỳ vướng mắc, băn khoăn nào liên quan đến vấn đề này vui lòng liên hệ với Luật Thành Đô để được hướng dẫn và giải đáp chi tiết.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận