Thủ tục xin cấp giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nhà hàng
- 30/11/2020
- Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
- 0 Nhận xét
Hoạt động kinh doanh đồ ăn nói chung và kinh doanh nhà hàng nói riêng đang ngày càng sôi đổi bởi nhu cầu cao của người dân, cũng như sự nâng lên không ngừng chất lượng cuộc sống. Song, để được cấp phép kinh doanh nhà hàng, bạn cần trải qua quy trình, thủ tục không hề đơn giản.
Vậy thủ tục xin cấp loại giấy phép này như thế nào, cần thực hiện ra sao?
Hôm nay, Công ty Luật Thành Đô xin được giải đáp thắc mắc này của bạn.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
- Luật An toàn Thực phẩm 2010;
- Nghị định 15/2018/NĐ-CP, ban hành ngày 02/02/2018 về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn Thực phẩm;
- Nghị định 155/2018/NĐ-CP, ban hành ngày 12/11/2018 về Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;
- Các văn bản pháp lý khác có liên quan.
II. ĐIỀU KIỆN, YÊU CẦU ĐỐI VỚI KINH DOANH NHÀ HÀNG
Trước khi chuẩn bị bộ hồ sơ hoàn chỉnh, các bạn cần lưu ý về các điều kiện đối với cơ sở kinh doanh nhà hàng. Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, điều kiện cấp phép kinh doanh nhà hàng bao gồm:
1. Cơ sở kinh doanh nhà hàng không nằm trong nhóm đối tượng không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
Theo quy định tại Điều 12, Nghị định 15/2018/NĐ-CP, nhóm đối tượng này bao gồm:
- Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
- Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;
- Sơ chế nhỏ lẻ;
- Kinh daonh thực phẩm nhỏ lẻ;
- Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;
- Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;
- Nhà hàng trong khách sạn;
- Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;
- Kinh doanh thức ăn đường phố;
- Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.
2. Điều kiện đối với cơ sở vật chất của đơn vị kinh doanh
- Đầu tiên là diện tích. Diện tích phải đủ rộng để bày trí các khu vực cần thiết như: Khu bày bán thực phẩm, khu chế biến, khu chứa đựng, khu bảo quản, và phải thuận tiện để vận chuyển nguyên vật liệu, thực phẩm. Điều này vừa có ý nghĩa trong việc chuyên môn hóa hệ thống quản lý, vừa đảm bảo không gian riêng giữa các khu vực được tách biệt, nhất là nơi thưởng thức với nơi chế biến thực phẩm tươi sống;
- Tiếp theo, kết cấu nhà cửa, trần, sàn của các khu vực phải vững chắc, xây dựng bằng vật liệu thích hợp với đặc thù kinh doanh, bảo đảm an toàn vệ sinh, tránh các yếu tố gây hại như côn trùng, sâu bọ, các loại động vật phá hoại xâm nhập và cư trú;
- Địa điểm kinh doanh phải đủ cao, không bị ngập nước, không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng, vi sinh vật có hại cũng như phải cách ly các khu vực ô nhiễm, khói bụi, hoá chất độc và các nguồn gây ô nhiễm khác;
- Như đã trình bày, một điều kiện quan trọng nữa là giữa khu vực kinh doanh thực phẩm, khu vực vệ sinh, khu vực thay đồ bảo hộ và các khu vực phụ trợ phải được xây dựng tách biệt, phù hợp với yêu cầu kinh doanh thực phẩm;
(Cửa nhà vệ sinh không được mở thông vào khu vực chế biến hay bảo quản thực phẩm)
- Về xử lý chất thải kinh doanh, cơ sở cần trang bị đầy đủ dụng cụ thu gom, chứa đựng, xử lý rác và đảm bảo vệ sinh thường xuyên;
- Về nguồn nước, cần có nguồn nước sạch, đầy đủ thường xuyên phục vụ các công việc chế biến, vệ sinh;
- Thực phẩm, nguyên liệu kinh doanh phải còn hạn sử dụng, phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và trình được giấy tờ chứng thực nếu được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.
3. Điều kiện đối với trang thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh
- Cơ sở kinh doanh phải trang bị đầy đủ các dụng cụ phục vụ chế biến thực phẩm, lưu trữ thực phẩm, trình bày đồ ăn,... và được rửa sạch, bảo quản khô ráo;
- Đối với các thực phẩm riêng biệt, cần có các loại dụng cụ chuyên biệt;
- Phải đảm bảo có thiết bị phòng chống côn trùng, sâu bọ và động vật gây hại; tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt chuột, diệt côn trùng tại khu vực kinh doanh, bảo quản thực phẩm;
- Các chất tẩy rửa phải thuộc loại được phép sử dụng trong sinh hoạt và chế biến thực phẩm, không dùng chất tẩy rửa công nghiệp, chất tẩy rửa hết hạn hay có thành phần gây hại tới sức khỏe;
- Có ủng hoặc giầy, dép để sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm.
4. Điều kiện đối với chủ sở hữu cơ sở kinh doanh và nhân viên
- Trước khi kinh doanh nhà hàng, chủ nhà hàng và người trực tiếp kinh doanh thực phẩm phải được tập huấn và cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm;
- Chủ nhà hàng hoặc người quản lý tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm và người trực tiếp kinh doanh thực phẩm phải trải qua quá trình khám và được cấp Giấy xác nhận đủ sức khoẻ theo quy định của Bộ Y tế;
(Người trực tiếp sản xuất, kinh doanh phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và được chủ cơ sở xác nhận và không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm)
- Nhân viên nhà hàng phải mặc trang phục bảo hộ riêng; không hút thuốc, khạc nhổ, nhai kẹo trong khu vực kinh doanh thực phẩm.
Đặc biệt, trường hợp nhà hàng có kinh doanh rượu, bia thì cần có giấy phép kinh doanh rượu, bia.
III. HỒ SƠ XIN CẤP GIẤY PHÉP AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM CHO NHÀ HÀNG
Trường hợp đảm bảo đầy đủ các điều kiện kinh doanh nhà hàng, bạn cần chuẩn bị bộ hồ sơ theo định tại Điều 36, Luật An toàn Thực phẩm 2010, bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
- Danh sách nhân viên (đã tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận sức khỏe)
- Sơ đồ quy trình sản xuất thực phẩm hoặc quy trình bảo quản, phân phối sản phẩm
- Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ của cơ sở
- Bản sao Giấy xác nhận đủ sức khỏe để sản xuất, kinh doanh thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có ngành nghề sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
IV. LƯU Ý CẦN BIẾT
- Thời gian cấp giấy chứng nhận là 20 - 25 ngày làm việc kể từ khi cơ quan có thẩm quyền nhận được bộ hồ sơ hợp lệ;
- Thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 3 năm, kể từ ngày được cấp;
(Do đó, chủ sở hữu cơ sở kinh doanh cần chú ý: Trước thời hạn hết hiệu lực 6 tháng, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đăng ký thủ tục đề nghị được cấp mới theo quy định tại Thông tư số 43/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 11 năm 2018)
- Nơi cấp giấy chứng nhận:
Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thành phố hoặc Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận Vệ sinh an toàn thực phẩm kinh doanh nhà hàng.
Với những thông tin trên, chúng tôi mong rằng các bạn sẽ có cái nhìn đầy đủ, chính xac hơn về thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận Vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh nhà hàng. Mọi thắc mắc xin liên hệ công ty Luật Thành Đô.
THÔNG TIN LIÊN HỆ Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN Hotline: 0919 089 888 Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn Website: www.luatthanhdo.com.vn |
Bình luận