Thủ tục xin giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhà hàng ăn uống

Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm (hay còn gọi là Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm) là sự đảm bảo của doanh nghiệp về thực phẩm mình kinh doanh, cũng như giúp Nhà nước quản lý một cách dễ dàng, có biện pháp can thiệp xử lý một cách kịp thời, đem tới sự yên tâm cho khách hàng.

Hiện nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nói chung và các nhà hàng ăn uống nói riêng ngày càng phong phú, đa dạng, tính cạnh tranh ngày càng cao. Do đó, để tạo được uy tín và tin dùng từ phía khách hàng, đồng thời tuân thủ pháp luật thì các cơ sở nhà hàng ăn uống cần thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc xin cấp Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm là một bước quan trọng để doanh nghiệp được phép kinh doanh. Vậy đối với nhà hàng ăn uống, thủ tục xin giấy phép được tiến hành như thế nào? Luật Thành Đô sẽ giúp Quý doanh nghiệp làm rõ các vấn đề trên qua bài viết “Thủ tục xin giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhà hàng ăn uống”.

1. Cơ sở pháp lý

- Luật an toàn thực phẩm số 55/2010/QH12;

- Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật an toàn thực phẩm;

- Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ y tế;

- Thông tư số 43/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 11 năm 2018 quy định về quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của bộ công thương;

- Công văn số 3109/BCT-KHCN ngày 20 tháng 4 năm 2018 hướng dẫn thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm.

- Các văn bản khác có liên quan.

2. Thủ tục xin giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhà hàng ăn uống

2.1. Đối với Nhà hàng ăn uống trong khách sạn

Theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật an toàn thực phẩm thì “Nhà hàng trong khách sạn” không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, do đó không phải xin giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhà hàng ăn uống trong khách sạn.

2.2. Đối với Nhà hàng ăn uống ngoài khách sạn

Thủ tục xin giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhà hàng ăn uống ngoài khách sạn được tiến hành như sau:

Bước 1: Chuẩn bị Hồ sơ xin giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhà hàng ăn uống.

Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho nhà hàng ăn uống bao gồm:

- Đơn đề nghị theo Mẫu số 01a tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 43/2018/TT-BCT;

- Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Giấy xác nhận đủ sức khỏe/Danh sách tổng hợp xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp (bản sao có xác nhận của cơ sở);

- Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm/Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm (bản sao có xác nhận của cơ sở).

Bước 2: Nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Bước 3: Tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ

Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ; trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản thông báo và yêu cầu cơ sở bổ sung hồ sơ. Quá 30 ngày kể từ ngày thông báo yêu cầu bổ sung hồ sơ mà cơ sở không có phản hồi thì hồ sơ không còn giá trị.

Bước 4. Thành lập Đoàn thẩm định thực tế tại cơ sở

Trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả kiểm tra hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định thực tế tại cơ sở. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền cấp trên ủy quyền thẩm định thực tế tại cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền cấp dưới phải có văn bản ủy quyền. Sau khi thẩm định, cơ quan có thẩm quyền cấp dưới phải gửi Biên bản thẩm định về cho cơ quan thẩm quyền cấp trên để làm căn cứ cấp Giấy chứng nhận.

Kết quả thẩm định phải ghi rõ “Đạt” hoặc “Không đạt” hoặc “Chờ hoàn thiện” vào Biên bản thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm.

Đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm tổng hợp, cơ sở được cấp Giấy chứng nhận khi các điều kiện kinh doanh của ít nhất một nhóm sản phẩm được đánh giá “Đạt”. Các nhóm sản phẩm đạt yêu cầu theo quy định sẽ được ghi vào Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;

Trường hợp “Không đạt” hoặc “Chờ hoàn thiện” phải ghi rõ lý do trong Biên bản thẩm định. Trường hợp “Chờ hoàn thiện”, thời hạn khắc phục tối đa là 60 ngày. Sau khi đã khắc phục theo yêu cầu của Đoàn thẩm định, cơ sở phải nộp báo cáo kết quả khắc phục và nộp phí thẩm định về cơ quan có thẩm quyền. Thời hạn thẩm định lại tối đa là 10 ngày làm việc tính từ khi cơ quan có thẩm quyền nhận được báo cáo khắc phục. Sau 60 ngày cơ sở không nộp báo cáo kết quả khắc phục thì hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và kết quả thẩm định trước đó với kết luận “Chờ hoàn thiện” không còn giá trị;

Nếu kết quả thẩm định lại “Không đạt” hoặc quá thời hạn khắc phục mà cơ sở không nộp báo cáo kết quả khắc phục, cơ quan có thẩm quyền thông báo bằng văn bản tới cơ quan quản lý địa phương để giám sát và yêu cầu cơ sở không được hoạt động cho đến khi được cấp Giấy chứng nhận;

Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi có kết quả thẩm định thực tế tại cơ sở là “Đạt”, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận