THỦ TỤC GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP/GIẢI THỂ CÔNG TY

Giải thể doanh nghiệp là thủ tục khá phức tạp phải trải qua rất nhiều giai đoạn, nếu không có kinh nghiệm bạn sẽ không biết phải bắt đầu từ đâu, thực hiện như thế nào, cần chuẩn bị hồ sơ gì, các bước tiến hành ra sao? Luật Thành Đô chuyên cung cấp dịch vụ giải thể công ty trọn gói, uy tín và nhanh chóng giúp quý khách hàng tiết kiệm thời gian, chi phí; đồng thời tư vấn nhiệt tình và hoàn toàn miễn phí về thủ tục giải thể doanh nghiệp. Dưới đây là những tư vấn của Luật Thành Đô về thủ tục giải thể doanh nghiệp nhằm hướng dẫn quý khách hàng các bước thực hiện một cách cụ thể nhất.

Thủ tục giải thể doanh nghiệp

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.

- Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT.

II. ĐIỀU KIỆN GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP

Các quy định về giải thể doanh nghiệp tạo cơ sở pháp lý để chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp đồng thời còn bảo vệ quyền lợi của những chủ thể có liên quan, đặc biệt là quyền lợi của chủ nợ và người lao động khi doanh nghiệp chấm dứt sự tồn tại. Chính vì vậy, việc xác định rõ điều kiện để tiến hành giải thể doanh nghiệp là hết sức cần thiết.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 201 Luật Doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài.

Doanh nghiệp có thể tiến hành giải thể tự nguyện (theo quyết định giải thể của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp tư nhân/công ty TNHH một thành viên; quyết định của Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên/Công ty cổ phần; quyết định của Thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh) hoặc giải thể bắt buộc theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, dù thuộc trường hợp giải thể tự nguyện hay giải thể bắt buộc thì doanh nghiệp đều phải đảm bảo thanh toán được các nghĩa vụ tài chính của mình; phải giải quyết những khoản nợ và những hợp đồng mà doanh nghiệp đã giao kết trước đó. Đây là quy định nhằm đảm bảo tối đa quyền, lợi ích của những người có liên quan tới doanh nghiệp như người lao động trong doanh nghiệp hay các chủ nợ.

III. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THỰC HIỆN

Bước 1: Doanh nghiệp thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp

- Doanh nghiệp thông qua quyết định giải thể gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

+ Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp

+ Lý do giải thể;

+ Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp; thời hạn thanh toán nợ, thanh lý hợp đồng không được vượt quá 06 tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể;

+ Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động;

+ Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

- Chủ doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên (đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên) hoặc chủ sở hữu công ty (đối với công ty TNHH một thành viên), Hội đồng quản trị (đối với công ty cổ phần) trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định thành lập tổ chức thanh lý riêng. Sau khi tiến hành thanh lý tài sản phải lập biên bản về việc thanh lý tài sản của doanh nghiệp.

- Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày thông qua, quyết định giải thể phải được gửi đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, Cơ quan thuế, tất cả các chủ nợ, người có quyền, nghĩa vụ và lợi ích liên quan, người lao động trong doanh nghiệp và phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính và chi nhánh của doanh nghiệp (nếu có). Đồng thời quyết định giải thể doanh nghiệp phải được đăng ít nhất trên một tờ báo viết hoặc báo điện tử trong ba số liên tiếp.

Quyết định giải thể phải được gửi cho các chủ nợ kèm theo thông báo về phương án giải quyết nợ. Thông báo phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ.

Bước 2: Thủ tục về tại cơ quan thuế quản lý

Doanh nghiệp tiến hành thủ tục đóng mã số thuế tại Chi cục thuế trực tiếp quản lý trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp. Hồ sơ giải thể tại chi cục thuế bao gồm:

- Thông báo giải thể

- Biên bản họp Hội đồng thành viên/ĐHĐCĐ về việc giải thể doanh nghiệp

- Quyết định giải thể doanh nghiệp của Chủ sở hữu công ty/HĐTV/ĐHĐCĐ

- Xác nhận đóng Mã số hải quan tại Tổng cục Hải quan (nếu doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu);

- Công văn đóng Mã số thuế của doanh nghiệp;

- Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp.

Bước 3: Thủ tục tại Sở kế hoạch & Đầu tư

Trong thời hạn 07 (bảy) ngày sau khi thanh toán hết các khoản nợ, doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh – nơi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Lưu ý: Trước khi thực hiện thủ tục đăng ký giải thể doanh nghiệp, doanh nghiệp phải làm thủ tục chấm dứt hoạt động các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.

Bước 4: Thủ tục về Dấu doanh nghiệp

Lưu ý: Sau khi cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo yêu cầu doanh nghiệp tiến hành thủ tục trả dấu thì doanh nghiệp mới tiến hành các thủ tục để trả dấu. Nếu trả dấu trước khi có thông báo của Phòng đăng ký kinh doanh thì doanh nghiệp sẽ khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính khác trong trường hợp hồ sơ chưa được chấp thuận vì các văn bản không được đóng dấu đầy đủ.

Doanh nghiệp tiến hành các thủ tục trả con dấu pháp nhân đối với con dấu do cơ quan công an cấp, doanh nghiệp có trách nhiệm trả con dấu, Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu cho cơ quan công an để được cấp giấy chứng nhận đã thu hồi con dấu. Hồ sơ thực hiện việc trả con dấu gồm:

- Công văn trả dấu;

- Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu;

- Con dấu doanh nghiệp;

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có công chứng;

IV. HỒ SƠ GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP

Căn cứ Điều 202 Luật doanh nghiệp 2014 và theo quy định tại Điều 204 Luật doanh nghiệp 2014 thì hồ sơ giải thể doanh nghiệp bao gồm:

- Thông báo về việc giải thể;

- Quyết định về việc giải thể doanh nghiệp của Chủ sở hữu công ty/HĐTV/ĐHĐCĐ;

- Biên bản hợp HĐTV/ĐHĐCĐ về việc giải thể doanh nghiệp;

- Biên bản thanh lý tài sản;

- Danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán;

- Công văn đóng tài khoản (hoặc cam kết chưa mở tài khoản Ngân hàng);

- Thông báo đóng mã số thuế (bản chính hoặc bản sao công chứng);

- Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

- Giấy ủy quyền hoặc giấy giới thiệu.

V. THỜI GIAN GIẢI QUYẾT

07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.

VI. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

- Thông báo đóng mã số thuế - của Chi cục thuế quản lý

- Xác nhận hủy con dấu – của Công an tỉnh, Thành phố đối với con dấu do Cơ quan công an cấp.

- Xác nhận xóa tên Doanh nghiệp – của Phòng đăng ký kinh doanh.

Trên đây là những tư vấn của Luật Thành Đô về thủ tục giải thể doanh nghiêp. Nếu quý khách hàng đang muốn giải thể doanh nghiệp nhưng vẫn còn những vướng mắc chưa giải quyết được hoặc các vấn đề pháp lý khác có liên quan thì có thể liên hệ ngay với Luật Thành Đô để được tư vấn hoàn toàn miễn phí và hỗ trợ thực hiện thủ tục!

THÔNG TIN LIÊN HỆ:

Giám đốc – Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

ĐT: 0982.976.486

CÔNG TY LUẬT THÀNH ĐÔ

Trụ sở: P409, Tòa nhà B11C Khu đô thị mới Nam Trung Yên – Cầu Giấy – Hà Nội

Điện thoại: 024 6680 6683/024 6681 7203 Fax: 024 6681 7203

Email: luatthanhdo@gmail.com/admin@luatthanhdo.com

Website: http://luatthanhdo.com.vn

THÔNG TIN LIÊN HỆ
Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN
Hotline: 0919 089 888
CÔNG TY LUẬT THÀNH ĐÔ
Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, phố Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: (024) 3789 8686

Bình luận