Mục tiêu hoạt động ngoài khu công nghiệp
- 15/09/2021
- Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
- 0 Nhận xét
Các dự án đầu tư được khuyến khích hoạt động trong khu công nghiệp để đảm bảo việc sản xuất và quản lý được tập trung và phù hợp với quy hoạch chung của từng vùng kinh tế. Vậy đối với các dự án hoạt động ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất thì mục tiêu hoạt động như thế nào?
Bài viết dưới đây của Luật Thành Đô sẽ tập trung phân tích về “Mục tiêu hoạt động ngoài khu công nghiệp” theo quy định của pháp luật hiện hành.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
- Luật đầu tư số 61/2020/QH14;
- Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
- Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế;
- Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT ngày 09/04/2021 quy định mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư;
- Văn bản pháp lý khác có liên quan.
Các chủ đề cùng chuyên mục:
>> Thủ tục chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư
>> Thủ tục bảo đảm dự án của nhà đầu tư
>> Ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài
II. QUY ĐỊNH VỀ MỤC TIÊU HOẠT ĐỘNG NGOÀI KHU CÔNG NGHIỆP
2.1. Xác định ranh giới dự án đầu tư trong khu công nghiệp và ngoài khu công nghiệp
Dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định. Việc xác định địa bàn đầu tư thường được xác định theo đó dự án đầu tư có thể được phân làm 02 loại: dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế và dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế.
Theo đó, khu công nghiệp được hiểu là khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục quy định pháp luật. Khu công nghiệp gồm nhiều loại hình khác nhau, bao gồm: Khu chế xuất, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp sinh thái.
Khu công nghiệp gồm nhiều loại hình khác nhau, bao gồm: Khu chế xuất, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp sinh thái
+ Khu chế xuất là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu, được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục áp dụng đối với khu công nghiệp quy định tại Nghị định này.
Khu chế xuất được ngăn cách với khu vực bên ngoài theo các quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan quy định tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
+ Khu công nghiệp hỗ trợ là khu công nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thực hiện dịch vụ cho sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Tỷ lệ diện tích đất cho các dự án đầu tư vào ngành nghề công nghiệp hỗ trợ thuê, thuê lại tối thiểu đạt 60% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê của khu công nghiệp;
+ Khu công nghiệp sinh thái là khu công nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội của các doanh nghiệp.
- Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ gồm các khu chức năng: Khu công nghiệp là khu chức năng chính; khu đô thị - dịch vụ có chức năng hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ tiện ích xã hội cho khu công nghiệp (có thể bao gồm các phân khu chức năng như: Nhà ở, bệnh viện, trường học, trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm ươm tạo doanh nghiệp và một số hạng mục công trình kinh tế - xã hội khác cần thiết cho sự phát triển đồng bộ, bền vững của khu), được đầu tư xây dựng để đảm bảo sự phát triển hiệu quả, bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường của khu công nghiệp. Quy mô diện tích khu đô thị - dịch vụ tối đa không vượt quá một phần ba (1/3) quy mô diện tích khu công nghiệp.
Các dự án đầu tư không hoạt động tại các khu vực trên được coi là dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế và phải đáp ứng một số điều kiện nhất định và hoạt động với mục tiêu như phân tích tại mục 2.2 dưới đây.
2.2. Mục tiêu hoạt động ngoài khu công nghiệp
Về mục tiêu hoạt động, hiện nay pháp luật đầu tư cụ thể là tại Nghị định 82/20218/NĐ-CP quy định rõ về mục tiêu hoạt động trong khu công nghiệp và khu kinh tế của các dự án đầu tư. Các dự án đầu tư thực hiện ngoài khu công nghiệp cần thực hiện theo quy định chung của pháp luật về đầu tư, theo đó Sở kế hoạch và đầu tư nơi thực hiện dự án là cơ quan quản lý trực tiếp đối với các dự án đầu tư trên địa bàn.
Về nguyên tắc được hoạt động đa dạng về các lĩnh vực ngành nghề, tuy nhiên do hạn chế về tính tập trung do đó hiện nay đa số các dự án hoạt động về lĩnh vực sản xuất phải hoạt động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế; các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp thường hạn chế về sản xuất, chủ yếu tập trung các hoạt động về kinh doanh, thương mại, đồng thời phải đáp ứng một số quy định sau:
(1) Về ngành nghề kinh doanh: Các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về ngành nghề kinh doanh, đối với dự án có sự tham gia của nhà đầu tư là nước ngoài, cần đáp ứng các điều kiện về ngành nghề như các quy định về ngành nghề có điều kiện, tuân thủ quy định về điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật đầu tư năm 2020, Nghị định 31/2021/NĐ-CP, biểu cam kết WTO, các Hiệp định mà Việt Nam tham gia;
(2) Về môi trường: Vấn đề môi trường là nội dung mà các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, đặc biệt là các dự án có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến môi trường, theo Luật bảo vệ môi trường năm 2020 thì các dự án phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường bao gồm:
+ Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn; dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; dự án có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;
+ Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
+ Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô lớn hoặc với quy mô trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
+ Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất lớn hoặc với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
+ Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất quy mô trung bình trở lên nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
+ Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô lớn.
Tại các khu công nghiệp, khu kinh tế hệ thống xử lý chất thải thường được quy hoạch và có sẵn do đó các dự án đầu tư trong các khu công nghiệp, khu kinh tế thường đáp ứng được các điều kiện về môi trường dễ dàng hơn so với các dự án ngoài khu công nghiệp. Các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp việc xử lý chất thải được xem xét và nhà đầu tư phải có phương án cụ thể nhằm đáp ứng việc bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện dự án đầu tư.
(3) Các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp cũng cần phải được đảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật đầu tư. Theo đó, vị trí địa điểm thực hiện dự án đầu tư cũng là tiêu chí quan trọng để cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận cho dự án đầu tư được triển khai thực hiện.
(4) Các dự án đầu tư có sử dụng đất thông qua hình thức thuê đất, giao đất cần đáp ứng điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.
(5) Các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung bài viết của Luật Thành Đô về: “Mục tiêu hoạt động ngoài khu công nghiệp”. Nếu quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc nào, vui lòng liên hệ Luật Thành Đô để được hỗ trợ tư vấn, giải đáp miễn phí.
THÔNG TIN LIÊN HỆ Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN Hotline: 0919 089 888 Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn Website: www.luatthanhdo.com.vn |