THỦ TỤC ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC TẠI DỰ ÁN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi cá nhân, tổ chức đầu tư ra nước ngoài và đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại dự án đó, cá nhân, tổ chức đầu tư ra nước ngoài phải thực hiện thủ tục xin chấp thuận của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc đưa người lao động sang nước ngoài làm việc. Sau đây, Luật Thành Đô trân trọng gửi tới Quý bạn đọc bài viết: “Thủ tục xin chấp thuận của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để cá nhân, tổ chức đưa người lao động đi làm việc tại dự án đầu tư tại nước ngoài” để Quý bạn đọc tham khảo.

Thủ tục đưa người lao động đi làm việc tại dự án đầu tư nước ngoài

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

1. Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 72/2006/QH11;

2.  Nghị định số 126/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

3. Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động;

4. Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 08 năm 2017 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

5. Thông tư số 22/2013/TT-BLĐTBXH quy định mẫu và nội dung của Hợp đồng cung ứng lao động và Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

II. TRÌNH TỰ THỰC HIỆN

Bước 1: Ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với người lao động

Cá nhân, tổ chức đầu tư dự án ở nước ngoài phải ký kết hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với người lao động theo mẫu tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư 22/2013/TT-BLĐTBXH.

Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải đảm bảo các nội dung quy định tại Điều 8 Thông tư 22/2013/TT-BLĐTBXH, cụ thể như sau:

“1. Thông tin về các bên tham gia ký kết hợp đồng

Thông tin về doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp bao gồm: Tên đầy đủ, tên giao dịch; Người đại diện; Địa chỉ đăng ký kinh doanh và địa chỉ giao dịch; số Giấy phép chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp, ngày cấp, mã số thuế (nếu có), số tài khoản; Điện thoại, fax, email; các thông tin liên quan khác.

Thông tin về người lao động bao gồm: Họ và tên; ngày tháng năm sinh; hộ khẩu thường trú; địa chỉ liên lạc; số điện thoại; số chứng minh thư nhân dân; số hộ chiếu và địa chỉ báo tin khi cần thiết.

2. Trong Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải quy định cụ thể:

- Tên Công ty sử dụng lao động và địa điểm làm việc;

- Ngành nghề, công việc mà người lao động sẽ đảm nhận ở nước ngoài;

- Điều kiện làm việc, sinh hoạt và chế độ đối với người lao động:

+ Thời hạn hợp đồng;

+ Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

+ Tiền lương, các chế độ khác và tiền thưởng (nếu có);

+ Hình thức trả lương;

+ Tiền làm thêm giờ;

+ An toàn, vệ sinh và bảo hộ lao động;

+ Điều kiện ăn, ở, sinh hoạt;

+ Chế độ khám bệnh, chữa bệnh;

+ Chế độ bảo hiểm;

+ Quy định rõ trách nhiệm bố trí phương tiện đưa đón lao động và chi trả chi phí giao thông từ Việt Nam đến điểm nhập cảnh tại nước tiếp nhận lao động, từ điểm nhập cảnh tại nước tiếp nhận lao động đến nơi lao động làm việc và ngược lại;

+ Quy định cụ th, chi tiết các trường hợp người lao động về nước trước hạn và trách nhiệm của các bên trong việc chi trả chi phí giao thông cho người lao động về nước;

+ Các chi phí đối với người lao động: tiền môi giới (nếu có); tiền dịch vụ (nếu có); tiền ký quỹ (nếu có);

+ Quy định cụ thể về mức tiền, đồng tiền dùng để thanh toán, lộ trình thanh toán (tiến độ, thời điểm, phương thức thanh toán) đối với tiền môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ (nếu có).

3. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp

Trong hợp đồng phải quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp trong việc tổ chức tuyển chọn, đào tạo lao động trước xuất cảnh, làm các thủ tục đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ lao động trong quá trình làm việc ở nước ngoài, xử lý các rủi ro phát sinh trong quá trình lao động làm việc ở nước ngoài và thanh lý hợp đồng.

4. Quyền và nghĩa vụ của người lao động

Trong hợp đồng phải quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người lao động trong quá trình đào tạo và làm thủ tục xuất cảnh, trong thời gian làm việc ở nước ngoài, kết thúc hợp đồng và trở về nước.

5. Thanh lý hợp đồng

Các bên có trách nhiệm quy định cụ thể về: Các trường hợp dẫn đến việc chấm dứt hợp đồng; Trình tự thủ tục chấm dứt hợp đồng bởi các bên; Trách nhiệm của các bên sau khi chấm dứt hợp đồng.

6. Giải quyết tranh chấp

Các tranh chấp giữa các bên tham gia hợp đồng được giải quyết trên cơ sở hợp đồng đã ký kết có hiệu lực pháp luật; các tranh chấp chưa được thỏa thuận trong hợp đồng thì giải quyết trên cơ sở quy định của pháp luật có liên quan.

Bước 2: Xin chấp thuận của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

1. Hồ sơ xin chấp thuận gồm:

- Báo cáo đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài gồm các nội dung:

+ Phương án sử dụng và quản lý người lao động, trong đó nêu rõ số lượng người lao động đưa đi, ngành, nghề, thời hạn làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, điều kiện sinh hoạt, chế độ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm xã hội và các chế độ khác có liên quan đến người lao động;

+ Phương án tài chính đưa người lao động về nước trong trường hợp bất khả kháng.

- Bản sao Giấy chứng nhận đầu tư;

- Tóm tắt nội dung dự án đầu tư ra nước ngoài;

- Danh sách người lao động ký Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo mẫu tại Phụ lục số 15 kèm theo Thông tư 21/2007/TT-BLĐTBXH.

2. Cơ quan tiếp nhận và giải quyết hồ sơ: Cục quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

3. Trình tự thực hiện:

- Chậm nhất là hai mươi (20) ngày trước ngày đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cá nhân đầu tư ra nước ngoài phải nộp hồ sơ xin chấp thuận tại Cục quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

- Trong thời hạn mười (10) ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải xem xét và trả lời bằng văn bản cho cá nhân đầu tư ra nước ngoài, nếu không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

Lưu ý: Cá nhân đầu tư ra nước ngoài có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước trước ngày 20 tháng 12 hàng năm.

Trên đây là toàn bộ quy định liên quan đến thủ tục xin chấp thuận của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để cá nhân, tổ chức đưa người lao động đi làm việc tại dự án đầu tư ở nước ngoài.

Là một trong những đơn vị đứng đầu trên cả nước trong việc thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép xuất khẩu lao động với đội ngũ luật sư nhiệt huyết, tận tình và giàu kinh nghiệm, Luật Thành Đô rất vui khi được tiếp nhận, giải đáp các vướng mắc có liên quan và luôn sẵn sàng trở thành người đồng hành của Quý khách hàng trong quá trình thực hiện các thủ tục cấp Giấy phép xuất khẩu lao động.

Trân trọng./.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc – Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

ĐT: 0982.976.486 – 091.908.9888

CÔNG TY LUẬT THÀNH ĐÔ

Trụ sở: Khu B3, L03 Shop House 24h, Đường Tố Hữu, Hà Nội

Điện thoại: 024 6680 6683/024 3789 8686                    Fax: 024 6680 6683

Email: luatthanhdo@gmail.com/admin@luatthanhdo.com

Website: http://luatthanhdo.com.vn

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận