Thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh khác tỉnh

THỦ TỤC THÀNH LẬP ĐỊA ĐIỂM KINH DOANH KHÁC TỈNH

Nghị định 78/2015/NĐ-CP về Đăng ký doanh nghiệp tại khoản 2 Điều 33 quy định “Địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể ở ngoài địa chỉ đăng ký trụ sở chính. Doanh nghiệp chỉ được lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh”. Theo đó, việc doanh nghiệp muốn mở rộng kinh doanh, lập thêm một địa điểm kinh doanh khác tỉnh là không thể. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp muốn mở rộng kinh doanh không đơn thuần là trong khu vực mình đã đăng ký mà còn muốn mở rộng địa bàn sang các tỉnh khác, như vậy việc bắt buôc lập địa điểm kinh doanh cùng tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh đã vô tình trở thành một khó khăn, rào cản cho các doanh nghiệp trong định hướng phát triển. Mở rộng hơn khung pháp lý của nhà nước đối với việc lập địa điểm kinh doanh đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 78/2015/NĐ-CP sửa đổi Khoản 2 Điều 33 như sau: “Địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể ở ngoài địa chỉ đăng ký trụ sở chính”, nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 10/10/2018. Nghị định mới ra đời đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện việc tự do mở rộng địa điểm kinh doanh của mình, góp phần phát triển nền kinh tế.

Việc thành lập địa điểm kinh doanh có phần khá gọn nhẹ về thủ tục, mô hình và cách thức quản lý, so với việc thành lập các mô hình khác, địa điểm kinh doanh hoạt động kinh doanh theo sự chỉ đạo của doanh nghiệp. Những ưu thế vượt trội của việc thành lập địa điểm kinh doanh thu hút khối lượng lớn các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng kinh doanh.

Thành lập địa điểm kinh doanh khác tỉnh là một thủ tục khá đơn giản nhưng nếu không hiểu rõ bản chất của nó thì việc thực hiện thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp cũng có phần khó khăn.

Nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp và cập nhật những quy định mới nhất của pháp luật về doanh nghiệp, Luật Thành Đô trân trọng giới thiệu bài viết: “Thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh khác tỉnh” để Quý Doanh nghiệp có thể tham khảo.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

1. Luật doanh nghiệp năm 2014

2. Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 09 năm 2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.

3. Nghị định 108/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 08 năm 2018 về sửa đổi, bổ sung Nghị định 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp,

4. Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT ngày 01 tháng 12 năm 2015 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành về hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp.

5. Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT ngày 08 tháng 01 năm 2019 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT về hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp

II. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THÀNH LẬP ĐỊA ĐIỂM KINH DOANH KHÁC TỈNH

1. Trình tự thực hiện

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp gửi thông báo lập địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh.

- Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ trao Giấy biên nhận cho doanh nghiệp sau khi tiếp nhận thông báo lập địa điểm kinh doanh

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh.

2. Cách thức thực hiện

- Người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền gửi trực tiếp Thông báo về việc đăng ký lập địa điểm kinh doanh tới Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp lập địa điểm kinh doanh hoặc qua mạng điện tử theo quy trình trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh.

- Sau khi hồ sơ hợp lệ, doanh nghiệp mang giấy biên nhận lên Phòng đăng ký kinh doanh và nhận kết quả.

3. Thành phần hồ sơ

- Thông báo về việc lập địa điểm kinh doanh (được quy định tại Phụ lục II-11, Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT)

Nội dung thông báo gồm:

+ Mã số doanh nghiệp;

+ Tên và địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp hoặc tên và địa chỉ chi nhánh (trường hợp địa điểm kinh doanh được đặt tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi chi nhánh đặt trụ sở);

+ Tên, địa chỉ địa điểm kinh doanh;

+ Lĩnh vực hoạt động của địa điểm kinh doanh;

+ Họ, tên, nơi cư trú, số Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác quy định tại Điều 10 Nghị định này của người đứng đầu địa điểm kinh doanh;

+ Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp hoặc họ, tên, chữ ký của người đứng đầu chi nhánh đối với trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh”.

- Văn bản ủy quyền: Đối với các doanh nghiệp mà người đại điện theo pháp luật không trực tiếp nộp hồ sơ thì cần có văn bản ủy quyền cho người khác thực hiện các thủ tục liên quan đến hồ sơ lập địa điểm kinh doanh công ty.

4. Số lượng hồ sơ: 01 (bộ).

5. Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ

6. Lệ phí:

- 50.000 đồng/lần đối với hồ sơ nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh (Nộp tại thời điểm nộp hồ sơ).

- Miễn lệ phí đối với hồ sơ đăng ký qua mạng điện tử (Thông tư số 130/2017/TT-BTC)

Bài viết này, Luật Thành Đô chỉ ra một số lưu ý quan trọng nhằm giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về quy trình, thủ tục lập địa điểm kinh doanh theo quy định mới nhất của pháp luật:

1. Về nơi tiếp nhận và xử lý hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh: Doanh nghiệp nộp hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh tại Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh thành phố mà doanh nghiệp dự định đặt địa điểm kinh doanh mà không phải là tại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

2. Về cơ quan quản lý thuế: Địa điểm kinh doanh chỉ có nghĩa vụ nộp thế môn bài là 1.000.000 đồng/năm (theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP (được hướng dẫn tại Thông tư 302/2016/TT-BTC), không phải kê khai nộp thuế GTGT cũng như thuế TNDN. Hiện nay theo quy định, trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc ở khác địa phương cấp tỉnh nơi người nộp thuế có trụ sở chính thì đơn vị trực thuộc thực hiện nộp Tờ khai thuế môn bài của đơn vị trực thuộc cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị trực thuộc. Do đó, các địa điểm kinh doanh khác tỉnh với trụ sở chính sẽ chịu sự quản lý thuế của Chi cục thuế cấp tỉnh nơi địa điểm kinh doanh đặt trụ sở mà không phải là cơ quan thuế nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

3. Về nộp lệ phí môn bài: Địa điểm kinh doanh khác tỉnh là đơn vị hoạch toán phụ thuộc khác tỉnh, thành phố nên công ty không thể kê khai theo diện đơn vị phụ thuộc. Địa điểm kinh doanh nộp Tờ khai thuế môn bài theo mẫu 01, kê khai theo Mã số thuế của công ty mẹ và được nộp trực tiếp về Chi cục thuế cấp tỉnh/thành phố nơi địa điểm kinh doanh được đặt. Điều này khá khác biệt với việc thành lập địa điểm kinh doanh cùng tỉnh, đối với địa điểm kinh doanh cùng tỉnh, doanh nghiệp có thể kê khai thuế môn bài cùng với công ty mẹ, có thể nộp trực tiếp qua trang thuế điện tử của tổng cục thuế.

Dịch vụ thành lập địa điểm kinh doanh của Luật Thành Đô

Cập nhật những quy định mới của pháp luật, với đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm và am hiểu pháp luật, Luật Thành Đô xây dựng gói dịch vụ trọn gói về thủ tục lập địa điểm kinh doanh khác tỉnh. Quý doanh nghiệp có thể tham khảo và sử dụng dịch vụ:

- Tư vấn điều kiện thành lập địa điểm kinh doanh khác tỉnh;

- Tư vấn về thành phần hồ sơ cần chuẩn bị để thành lập địa điểm kinh doanh

- Tiến hành soạn hồ sơ và nộp hồ sơ thông báo lập địa điểm kinh doanh lên Phòng đăng ký kinh doanh.

- Nhận và bàn giao kết quả đến doanh nghiệp khi có Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh

- Tư vấn và hoàn thiện các thủ tục sau khi thành lập địa điểm kinh doanh khác tỉnh.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận