Tư vấn thủ tục đăng ký nhãn hiệu

Nhãn hiệu hàng hóa là những dấu hiệu của một doanh nghiệp (hoặc tập thể các doanh nghiệp) dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các doanh nghiệp khác chính vì vậy để đảm bảo quyền và lợi ích của doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu. Dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc từ ngữ kết hợp với hình ảnh được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Luật Thành Đô trân trọng gửi tới Quý khách hàng bài viết Hướng dẫn thủ tục đăng ký nhãn hiệu để Quý khách hàng thuận tiện trong việc thực hiện với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tư vấn thủ tục đăng ký nhãn hiệu

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

1. Luật sở hữu trí tuệ năm 2005;

2. Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung năm 2009;

3. Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN và Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN;

4. Các văn bản pháp luật có liên quan khác.

II. CHỦ THỂ CÓ QUYỀN ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU

Theo quy định pháp luật hiện hành, các tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩn mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó. Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể.

Bên cạnh việc đăng ký riêng, pháp luật cho phép hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với những điều kiện sau đây:

- Việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hoá, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh;

- Việc sử dụng nhãn hiệu đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ.

III. TRÌNH TỰ THỦ TỤC ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU

3.1. Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu

Quý khách hàng chuẩn bị một bộ hồ sơ đăng ký nhãn hiệu gồm:

(1) Tờ khai đăng ký nhãn hiệu theo mẫu quy định;

(2) Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện đối tượng sở hữu công nghiệp đăng ký bảo hộ quy định bao gồm:

- Mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;

- Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

(3) Giấy uỷ quyền thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu, nếu đơn nộp thông qua đại diện;

(4) Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;

(5) Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên gồm: (i) Bản sao đơn hoặc các đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên; (ii) Giấy chuyển nhượng quyền ưu tiên nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác;

(6) Chứng từ nộp phí, lệ phí.

Lưu ý: Đơn đăng ký nhãn hiệu và giấy tờ giao dịch giữa người nộp đơn và cơ quan quản lý nhà nước phải được làm bằng tiếng Việt, trừ các tài liệu sau đây có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi được yêu cầu:

- Giấy uỷ quyền;

- Tài liệu chứng minh quyền đăng ký;

- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên;

- Các tài liệu khác để bổ trợ cho đơn.

3.2. Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu

Bước 1: Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu

Người nộp đơn chuẩn bị và nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện tới trụ sở Cục sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc Văn phòng đại diện của Cục sở hữu trí tuệ tại Tp Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Bước 2: Thẩm định hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu

Cục sở hữu trí tuệ kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn và ra một trong hai quyết định sau:

- Chấp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu trong trường hợp đơn hợp lệ;

- Thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ trong trường hợp đơn không hợp lệ. Trong thông báo dự định từ chối phải nêu rõ các lý do, thiếu sót khiến cho đơn có thể bị từ chối chấp nhận và ấn định thời hạn hai tháng để người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót. Nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót/sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu/không có ý kiến phản đối/ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn.

Bước 3: Công bố đơn đăng ký nhãn hiệu

Trường hợp có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.

Bước 4: Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu

Thẩm định nội dung đơn là hoạt động xem xét, đánh giá khả năng phân biệt của nhãn hiệu với các nhãn hiệu khác.  

Bước 5: Ra quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ

Sau khi thẩm định nội dung đơn, Cục sở hữu trí tuệ sẽ ra một trong các quyết định sau:

+ Từ chối cấp văn bằng bảo hộ trong trường hợp đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ;

+ Quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong trường hợp đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ.

3.3. Thời hạn xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu

- Thời hạn thẩm định hình thức là một tháng kể từ ngày nộp đơn;

- Thời hạn thẩm định nội dung là chín tháng kể từ ngày công bố đơn.

Lưu ý: Thời hạn thẩm định lại đơn bằng hai phần ba thời hạn thẩm định lần đầu, đối với những trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài những không vượt quá thời hạn thẩm định lần đầu. Thời gian để người nộp đơn sửa đổi, bổ sung đơn không được tính vào thời hạn nêu trên và thời hạn xử lý yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn không vượt quá một phần ba thời hạn thẩm định tương ứng.

3.4. Thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Trường hợp Quý khách có nhu cầu, Luật Thành Đô sẽ tư vấn thêm cho quý khách các vấn đề sau:

- Tư vấn Phân nhóm (lĩnh vực, ngành nghề hoặc sản phẩm/dịch vụ bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa) theo Bảng phân loại Nice của Quốc Tế.

- Tư vấn Tra cứu nhãn hiệu để xác định khả năng bảo hộ của Nhãn hiệu chuẩn bị đăng ký có tương tự hoặc trùng lắp với những nhãn hiệu đã nộp đơn tới Cục Sở hữu trí tuệ hoặc đã được cấp Giấy chứng nhận tại Việt Nam.

- Tư vấn Lựa chọn các phương án để cấu thành Nhãn hiệu Hàng hóa; tư vấn thêm các yếu tố cần thiết để đảm bảo tính khác biệt khi bảo hộ.

- Tư vấn các Đối tượng bảo hộ khác liên quan đến Nhãn hiệu hàng hóa như Đăng ký bảo hộ Bao bì, nhãn mác, kiểu dáng sản phẩm...

- Tư vấn khả năng bị trùng, tương tự dẫn đến khả năng bị từ chối của nhãn hiệu hàng hóa.

Trên đây là toàn bộ quy định pháp luật liên quan đến thủ tục đăng ký nhãn hiệu. Nếu có bất kỳ vướng mắc liên quan hoặc cần tư vấn về sở hữu trí tuệ, Quý khách vui lòng liên hệ với Luật Thành Đô để được hướng dẫn chi tiết.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận