Quy trình tuyển chọn và quản lý người lao động trong xuất khẩu lao động
- 18/07/2024
- Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
- 0 Nhận xét
Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hay còn gọi là Giấy phép xuất khẩu lao động, doanh nghiệp dịch vụ được phép thực hiện các hoạt động để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài như: ký kết hợp đồng cung ứng lao động với cơ sở tiếp nhận lao động, tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài… Trong đó, việc tuyển dụng lao động để đưa ra nước ngoài làm việc được coi là một trong những hoạt động vô cùng quan trọng và các thủ tục hành chính liên quan khá phức tạp. Vì vậy, với mục đích để các Quý doanh nghiệp nắm rõ hơn về các thủ tục liên quan đến người lao động, Luật Thành Đô xin gửi tới các Quý doanh nghiệp bài viết “Thủ tục tuyển chọn và quản lý lao động của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động” để Quý doanh nghiệp có thể tham khảo.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
1. Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 72/2006/QH11;
2. Nghị định số 126/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
3. Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 08 năm 2017 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
4. Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BLĐTBXH-NHNNVN quy định việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp và tiền ký quỹ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
5. Thông tư 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC quy định cụ thể về tiền môi giới và tiền dịch vụ trong hoạt động đưa lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
II. ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN
- Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo chế độ hợp đồng;
- Chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ được giao nhiệm vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
III. THỜI ĐIỂM THỰC HIỆN
Doanh nghiệp dịch vụ được phép thực hiện hoạt động tuyển dụng và quản lý lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài sau khi được cấp Giấy phép xuất khẩu lao động.
IV. TRÌNH TỰ THỰC HIỆN
Bước 1: Tuyển chọn người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Sau khi có Giấy phép xuất khẩu lao động và Hợp đồng cung ứng lao động với cơ sở tiếp nhận lao động ở nước ngoài, doanh nghiệp dịch vụ và chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ phải thực hiện các công việc để tuyển dụng lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài như sau:
- Niêm yết công khai thông tin tại trụ sở chính về việc tuyển chọn người lao động: số lượng người lao động cần tuyển, giới tính, độ tuổi, công việc mà người lao động sẽ đảm nhận, nơi làm việc, thời hạn hợp đồng, điều kiện về sức khỏe, tay nghề, ngoại ngữ, các khoản chi phí người lao động phải đóng góp để đi làm việc ở nước ngoài, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
- Xuất trình Giấy phép xuất khẩu lao động do cơ quan có thẩm quyền cấp và thông báo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chính quyền cấp huyện, xã nơi doanh nghiệp dịch vụ tuyển chọn lao động về kế hoạch và các điều kiện tuyển chọn lao động. Thông báo phải bao gồm đầy đủ các nội dung như trong bảng niêm yết công khai tại trụ sở chính.
- Cam kết với người lao động về thời gian chờ xuất cảnh sau khi người lao động trúng tuyển đi làm việc ở nước ngoài.
Trong thời gian doanh nghiệp dịch vụ đã cam kết, nếu người lao động không có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nữa thì doanh nghiệp dịch vụ phải trả lại hồ sơ cho người lao động và người lao động phải chịu các khoản chi phí mà doanh nghiệp dịch vụ đã chi (nếu có) để làm thủ tục cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, gồm: chi phí làm hồ sơ, khám sức khỏe, học phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí tài liệu học tập, ăn, ở trong thời gian đào tạo bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí làm thủ tục nhập cảnh (visa).
Nếu quá thời gian đã cam kết mà doanh nghiệp dịch vụ vẫn chưa đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì phải thông báo rõ lý do cho người lao động. Trường hợp người lao động không có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nữa thì trong thời hạn mười lăm ngày kể từ này người lao động thông báo không có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp dịch vụ phải hoàn trả cho người lao động hồ sơ, các khoản chi phí mà người lao động đã nộp cho doanh nghiệp, gồm: chi phí làm hồ sơ, học phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí làm thủ tục nhập cảnh (visa), vé máy bay, tiền dịch vụ, tiền môi giới và làm thủ tục hoàn trả tiền ký quỹ cho người lao động.
Bước 2: Ký Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Sau khi được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với Hợp đồng cung ứng lao động và đã tuyển dụng được người lao động đưa đi nước ngoài, doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và người lao động phải ký kết Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thoả thuận về quyền, nghĩa vụ của các bên trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có các nội dung cụ thể, phù hợp với nội dung của Hợp đồng cung ứng lao động mà doanh nghiệp dịch vụ đã ký kết với cơ sở tiếp nhận lao động ở nước ngoài.
Doanh nghiệp phải ký kết Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ít nhất năm ngày trước khi người lao động xuất cảnh và phải chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ của người lao động.
Bước 3: Thu tiền môi giới và tiền dịch vụ của người lao động
- Theo quy định của pháp luật, tiền môi giới là khoản chi phí mà doanh nghiệp phải trả cho bên môi giới để ký kết, thực hiện Hợp đồng cung ứng lao động và người lao động có trách nhiệm hoàn trả một phần hoặc toàn bộ tiền môi giới đó cho doanh nghiệp. Còn tiền dịch vụ là khoản chi phí mà người lao động phải trả cho doanh nghiệp để thực hiện hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
- Thời điểm thu tiền môi giới và tiền dịch vụ: sau khi ký Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với người lao động và người lao động được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc hoặc cấp thị thực nhập cảnh (visa).
- Mức thu:
+ Tiền môi giới: Mức trần tiền môi giới cho các thị trường không vượt quá một tháng lương/người lao động cho một năm hợp đồng. Trừ trường hợp thị trường đưa người lao động đi làm việc yêu cầu mức tiền môi giới cao hơn, doanh nghiệp phải báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để xin chấp thuận.
+ Tiền dịch vụ: Mức trần tiền dịch vụ không quá một tháng tiền lương (hoặc tiền trợ cấp tu nghiệp) theo hợp đồng cho một năm làm việc; riêng sỹ quan và thuyền viên làm việc trên tàu vận tải biển không quá một tháng rưỡi tiền lương theo hợp đồng cho một năm làm việc. Tổng mức tiền dịch vụ tối đa không quá ba tháng lương theo hợp đồng/người/hợp đồng.
Lưu ý: Tiền lương theo hợp đồng (tính theo tháng) để làm căn cứ xác định mức tiền môi giới và tiền dịch vụ là tiền lương cơ bản không bao gồm: tiền làm thêm giờ, tiền thưởng và các khoản trợ cấp khác. Riêng đối với sĩ quan, thuyền viên tàu vận tải biển, tiền lương theo hợp đồng (tính theo tháng) để làm căn cứ xác định mức tiền dịch vụ là tiền lương bao gồm lương cơ bản và lương phép.
Bước 4: Đưa người lao động sang nước ngoài làm việc theo Hợp đồng
Sau khi hoàn thiện các thủ tục về mặt pháp lý trên, doanh nghiệp dịch vụ có thể tiến hành đưa người lao động sang làm việc tại các cơ sở tiếp nhận người lao động ở nước ngoài để thực hiện các công việc theo Hợp đồng đã ký kết.
Bước 5: Quản lý lao động trong quá trình người lao động làm việc ở nước ngoài
Trong quá trình người lao động làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp dịch vụ vẫn phải có trách nhiệm theo dõi, giám sát và quản lý người lao động với các công việc, cụ thể sau:
- Báo cáo danh sách người lao động làm việc ở nước ngoài với Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước sở tại trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày người lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài (Mẫu báo cáo được đính kèm tại Phụ lục số 09 Thông tư 21/2007/TT-BLĐTBXH).
- Cử cán bộ quản lý tại các nước, khu vực doanh nghiệp đưa nhiều người lao động sang làm việc hoặc tại những thị trường lao động đặc thù theo quy định của Cục Quản lý lao động ngoài nước;
- Theo dõi, giám sát việc thực hiện Hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động, giải quyết kịp thời các phát sinh vượt quá khả năng tự giải quyết của người lao động hoặc khi người lao động yêu cầu trợ giúp.
Bước 6: Thanh lý Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Khi Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chấm dứt vì bất cứ lý do nào mà hai bên đã thoả thuận hoặc luật quy định, doanh nghiệp dịch vụ và người lao động phải thực hiện thủ tục thanh lý Hợp đồng.
- Việc thanh lý Hợp đồng phải được lập thành văn bản;
- Văn bản thanh lý hợp đồng phải có các nội dung: lý do chấm dứt hợp đồng, việc thực hiện nghĩa vụ của các bên, các khoản thanh toán giữa doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp và người lao động, các nội dung khác mà hai bên đã thỏa thuận;
- Trường hợp doanh nghiệp dịch vụ đơn phương thanh lý hợp đồng thì biên bản thanh lý hợp đồng phải có các nội dung: lý do đơn phương thanh lý hợp đồng, việc thực hiện nghĩa vụ của các bên, các khoản thanh toán giữa doanh nghiệp dịch vụ và người lao động, các nội dung về bồi thường thiệt hại (nếu có) kèm theo chứng từ chứng minh nội dung thiệt hại;
- Kèm theo việc thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp dịch vụ phải hoàn trả tiền ký quỹ cho người lao động và thanh lý Hợp đồng bảo lãnh đã ký kết trước đó.
Trên đây là toàn bộ thủ tục tuyển chọn và quản lý lao động của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Nếu Quý doanh nghiệp còn bất cứ vướng mắc nào liên quan đến thủ tục này, xin vui lòng liên hệ với công ty Luật Thành Đô để được hỗ trợ, tư vấn các vấn đề pháp lý.
THÔNG TIN LIÊN HỆ Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN Hotline: 0919 089 888 Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn Website: www.luatthanhdo.com.vn |
Bình luận