Xử lý tài sản góp vốn của hợp tác xã theo quy định pháp luật hiện hành
- 11/08/2021
- Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
- 0 Nhận xét
Cũng giống như các loại hình doanh nghiệp khác, hợp tác xã thực hiện tự chủ về tài sản, để hợp tác xã phát triển cần có sự góp vốn của các thành viên (xã viên) thông qua hình thức góp vốn. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động do nguyên nhân khách quan, chủ quan hợp tác xã phải giải thể. Việc này đặt ra vấn đề Tài sản sản góp vốn có các thành viên sẽ được chia như thế nào?. Để nắm rõ được quy định của pháp luật về vấn đề này, công ty Luật Thành Đô giới thiệu bài viết: “Xử lý tài sản vốn góp của hợp tác xã theo quy định pháp luật hiện hành”.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
- Luật hợp tác xã 2012;
- Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã;
- Thông tư 31/2018/TT-BTC hướng dẫn việc xử lý tài sản hình thành từ nhiều nguồn vốn khi hợp tác xã, liên hợp tác xã giải thể, phá sản.
II. XỬ LÝ TÀI SẢN ĐỐI VỚI TRƯỜNG HỢP CHẤM DỨT TƯ CÁCH THÀNH VIÊN HỢP TÁC XÃ
Tại Điều 18 Luật Hợp tác xã 2012 quy định về việc trả lại, thừa kế vốn góp hợp tác xã. Căn cứ theo quy định này, có thể hiểu rằng khi một cá nhân hay tổ chức không còn tư cách thành viên hợp tác xã của mình thì cá nhân, tổ chức đó được trả lại phần góp vốn của mình. Các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên của hợp tác xã được trả, thừa kế vốn góp hợp tác xã theo quy định của pháp luật gồm:
+ Thành viên là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố đã chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị kết án phạt tù theo quy định của pháp luật. Trường hợp thành viên là cá nhân bị Toà án tuyên bố bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì vốn góp được trả lại thông qua người giám hộ;
+ Trường hợp hợp tác xã bị giải thể, phá sản;
+ Thành viên là hộ gia đình không có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật;
+ Thành viên hợp tác xã tự nguyện ra khỏi hợp tác xã;
+ Thành viên bị khai trừ theo quy định của pháp luật;
+ Trường hợp vốn vượt mức vốn góp tối đa khi vốn góp của thành viên vượt qua mức vốn quy định.
III. XỬ LÝ TÀI SẢN TRONG TRƯỜNG HỢP GIẢI THỂ BẮT BUỘC ĐỐI VỚI HỢP TÁC XÃ
Đối với các trường hợp giải thể bắt buộc đối với hợp tác xã quy định tại Khoản 1 Điều 54 Luật hợp tác xã gồm:
+ Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hoạt động trong 12 tháng liên tục;
+ Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không bảo đảm đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định trong 12 tháng liên tục;
+ Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không tổ chức được đại hội thành viên thường niên trong 18 tháng liên tục mà không có lý do;
+ Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký;
+ Theo quyết định của Tòa án.
Sau khi có quyết định giải thể, trong vòng 60 ngày, hội đồng giải thể có trách nhiệm thông báo các khoản nợ, xử lý tài sản của hợp tác xã theo quy định tại Điều 49 Luật Hợp tác xã 2012: Thu hồi các tài sản của hợp tác xã; Thanh lý tài sản, trừ phần tài sản không chia; Thanh toán các khoản nợ phải trả và thực hiện nghĩa vụ tài chính của hợp tác xã.
Xử lý tài sản còn lại, trừ tài sản không chia được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau đây:
+ Thanh toán chi phí giải thể, bao gồm cả khoản chi cho việc thu hồi và thanh lý tài sản;
+ Thanh toán nợ lương, trợ cấp và bảo hiểm xã hội của người lao động;
+ Thanh toán các khoản nợ có bảo đảm theo quy định của pháp luật;
+ Thanh toán các khoản nợ không bảo đảm;
+ Giá trị tài sản còn lại được hoàn trả cho thành viên, hợp tác xã thành viên theo tỷ lệ vốn góp trên tổng số vốn điều lệ;
Trường hợp tài sản không chia của hợp tác xã khi giải thể được xử lý:
+ Phần giá trị tài sản được hình thành từ khoản trợ cấp, hỗ trợ không hoàn lại của Nhà nước thì chuyển vào ngân sách địa phương cùng cấp với cơ quan đăng ký hợp tác xã;
+ Phần giá trị tài sản được hình thành từ quỹ đầu tư phát triển hàng năm đã được đại hội thành viên quyết định đưa vào tài sản không chia khi chấm dứt tư cách thành viên, tư cách hợp tác xã thành viên; khoản được tặng, cho theo thỏa thuận là tài sản không chia; vốn, tài sản khác được Điều lệ quy định là tài sản không chia khi chấm dứt tư cách thành viên, tư cách hợp tác xã thành viên thì đại hội thành viên quyết định phương án xử lý thích hợp;
+ Quyền sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì thực hiện theo quy định pháp luật về đất đai.
+ Phần giá trị tài sản được hình thành từ quỹ đầu tư phát triển hàng năm đã được đại hội thành viên quyết định đưa vào tài sản không chia khi hợp tác xã chấm dứt hoạt động; khoản được tặng, cho theo thỏa thuận là tài sản không chia; vốn, tài sản khác được điều lệ quy định là tài sản không chia khi hợp tác xã chấm dứt hoạt động thì đại hội thành viên quyết định chuyển giao cho chính quyền địa phương hoặc một tổ chức khác nằm trên địa bàn nhằm mục tiêu phục vụ lợi ích cộng đồng dân cư tại địa bàn.
Trường hợp giải thể, phá sản mà vốn, tài sản của hợp tác xã, không đủ để thanh toán các khoản nợ thì hợp tác xã được sử dụng tài sản không chia theo thứ tự sau đây để thanh toán các khoản nợ:
+ Khoản được tặng, cho theo thỏa thuận là tài sản không chia;
+ Phần trích từ quỹ đầu tư phát triển hàng năm được đại hội thành viên quyết định đưa vào tài sản không chia;
+ Vốn, tài sản khác được điều lệ quy định là tài sản không chia.
Bài viết cùng chủ đề:
Thủ tục đăng ký thay đổi trụ sở chính của doanh nghiệp
Quy định miễn thuế môn bài cho doanh nghiệp mới thành lập
Trên đây là một số tư vấn của công ty về vấn đề: Xử lý tài sản góp vốn của hợp tác xã theo quy định pháp luật hiện hành.
THÔNG TIN LIÊN HỆ Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN Hotline: 0919 089 888 Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn Website: www.luatthanhdo.com.vn |
Bình luận