I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
- Luật giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13;
- Luật giáo dục đại học số 08/2012/QH13;
- Nghị định 46/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Chính Phủ Quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;
- Thông tư 29/2013/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 7 năm 2013 của Bộ giáo dục và đào tạo Ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học;
- Thông tư số 23/2013/TT-BGDĐT ngày 28/06/2013 Bộ giáo dục và đào tạo về việc Quy định về tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học;
- Các văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan khác.
II. NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DỊCH VỤ TƯ VẤN DU HỌC
1. Các tổ chức được phép kinh doanh dịch vụ tư vấn du học
Để thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, các tổ chức phải thuộc một trong các trường hợp sau:
- Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp;
- Các đơn vị sự nghiệp có chức năng kinh doanh dịch vụ tư vấn du học;
- Tổ chức giáo dục nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
2. Nội dung hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học
Tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học thực hiện các hoạt động kinh doanh trong phạm vi sau:
- Giới thiệu, tư vấn thông tin về chính sách giáo dục của các quốc gia và vùng lãnh thổ; tư vấn lựa chọn trường học, khóa học, ngành nghề và trình độ phù hợp với khả năng và nguyện vọng của người học;
- Tổ chức quảng cáo, hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm về du học theo quy định của pháp luật;
- Tổ chức chiêu sinh, tuyển sinh du học;
- Tổ chức bồi dưỡng kỹ năng cần thiết cho công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập;
- Tổ chức đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, đưa cha mẹ hoặc người giám hộ tham quan nơi đào tạo ở nước ngoài theo quy định của pháp luật;
- Các hoạt động khác liên quan đến kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.
Xem thêm: Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ tư vấn du học
3. Điều kiện kinh doanh dịch vụ tư vấn du học
- Thứ nhất, tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học được thành lập theo quy định của pháp luật.
- Thứ hai, có trụ sở, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.
+ Về trụ sở: (i) Nhà, đất có chủ sở hữu hợp pháp; (ii) Hợp đồng thuê nhà, đất có công chứng.
+ Điều kiện phục vụ tư vấn: (i) Khu phòng tư vấn: đảm bảo diện tích sử dụng; (ii) Khu hành chính, văn phòng: Đảm bảo đủ phòng và điều kiện làm việc cho cán bộ, nhân viên của Trung tâm.
+ Trang thiết bị: Trang bị đầy đủ bàn, ghế, máy tính, máy văn phòng…… phù hợp với quy mô Trung tâm.
+ Phương án chữa cháy, cứu hộ: (Tùy vào quy mô của doanh nghiệp mà có phương án phòng cháy chữa cháy căn cứ theo quy định tại Luật PCCC và Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 07 năm 2014 của Chính Phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật phòng cháy và chữa cháy và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng cháy và chữa cháy)
- Thứ ba, về đội ngũ nhân sự.
Đội ngũ nhân viên trực tiếp tư vấn du học phải đáp ứng những điều kiện sau: (i) có trình độ đại học trở lên; (ii) có năng lực sử dụng ít nhất một ngoại ngữ từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và tương đương; (iii) có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học
4.1. Thành phần hồ sơ
- Văn bản đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; với những nội dung chủ yếu gồm: Mục tiêu, nội dung hoạt động; khả năng khai thác và phát triển dịch vụ du học ở nước ngoài; kế hoạch và các biện pháp tổ chức thực hiện; phương án giải quyết khi gặp vấn đề rủi ro đối với người được tư vấn du học;
- Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
- Danh sách đội ngũ nhân viên trực tiếp tư vấn du học bao gồm các thông tin chủ yếu sau đây: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, vị trí công việc sẽ đảm nhiệm tại tổ chức dịch vụ tư vấn du học; bản sao có chứng thực văn bằng tốt nghiệp đại học, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học.
4.2. Trình tự thực hiện
Bước 1: Tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học đến Sở Giáo dục và Đào tạo nơi kinh doanh dịch vụ tư vấn du học;
Bước 2: Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định hồ sơ, thẩm tra tính xác thực của tài liệu trong hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; nếu chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định thì thông báo bằng văn bản cho tổ chức dịch vụ tư vấn du học và nêu rõ lý do.
4.3. Thời gian thực hiện thủ tục hành chính: 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Trên đây là ý kiến tư vấn pháp lý của Luật Thành Đô về những điều cần biết về hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học. Nếu Quý khách còn bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này có thể liên hệ trực tiếp với Luật Thành Đô để được hỗ trợ giải đáp và tư vấn. Với đội ngũ luật sư nhiệt huyết, tận tình và giàu kinh nghiệm, Luật Thành Đô rất hân hạnh khi được hỗ trợ giải đáp những vướng mắc và trở thành người đồng hành của Quý khách trong thời gian tới.
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Giám đốc – Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN
ĐT: 0982.976.486 – 091.908.9888
CÔNG TY LUẬT THÀNH ĐÔ
Trụ sở: Khu B3, L03 Shop House 24h, Đường Tố Hữu, Hà Nội
Điện thoại: 024 6680 6683/024 3789 8686 Fax: 024 6680 6683
Email: luatthanhdo@gmail.com/admin@luatthanhdo.com
Website: http://luatthanhdo.com.vn
Bình luận