NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TIỀN MÔI GIỚI XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, tiền môi giới là khoản chi phí mà doanh nghiệp phải trả cho bên môi giới để ký kết và thực hiện hợp đồng cung ứng lao động. Doanh nghiệp dịch vụ phải chi trả trước khoản tiền môi giới cho bên môi giới và người lao động sẽ có trách nhiệm phải hoàn trả cho doanh nghiệp một phần hoặc toàn bộ tiền môi giới trên. Để các Quý doanh nghiệp nắm rõ quy định của pháp luật về tiền môi giới trong hoạt động xuất khẩu lao động, Luật Thành Đô trân trọng gửi tới các Quý doanh nghiệp bài viết “Những điều mà doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động cần biết về tiền môi giới” để các Quý doanh nghiệp có thể tham khảo.

Những điều cần biết về tiền môi giới xuất khẩu lao động

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

1. Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 72/2006/QH11;

2. Nghị định số 126/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

3. Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 08 năm 2017 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

4. Thông tư 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC quy định cụ thể về tiền môi giới và tiền dịch vụ trong hoạt động đưa lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

II. ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN

- Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải trả tiền môi giới cho bên môi giới để ký kết và thực hiện Hợp đồng cung ứng lao động;

- Người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua doanh nghiệp dịch vụ có sử dụng môi giới phải có trách nhiệm hoàn trả cho doanh nghiệp dịch vụ một phần hoặc toàn bộ tiền môi giới theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

III. CÁC TRƯỜNG HỢP ÁP DỤNG TIỀN MÔI GIỚI

Doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua bên môi giới đều được phép áp dụng tiền môi giới trừ các trường hợp sau:

- Người lao động đã hoàn thành hợp đồng ký với doanh nghiệp và được chủ sử dụng lao động gia hạn hoặc ký hợp đồng mới;

- Thị trường mà người lao động sang làm việc hoặc trong hợp đồng mà bên đối tác nước ngoài không có yêu cầu về tiền môi giới.

IV. MỨC TIỀN MÔI GIỚI

- Doanh nghiệp được đàm phán, quyết định mức tiền môi giới phù hợp với từng hợp đồng nhưng không vượt quá mức trần tiền môi giới.

Theo quy định của pháp luật, mức trần tiền môi giới cho các thị trường không vượt quá một tháng lương/ người lao động cho một năm hợp đồng. Trường hợp do yêu cầu của thị trường đòi hỏi mức tiền môi giới cao hơn mức trần quy định thì doanh nghiệp dịch vụ phải báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định cụ thể mức tiền môi giới cho phù hợp sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính.

Lưu ý: Tiền lương (tính theo tháng) để làm căn cứ xác định mức tiền môi giới là tiền lương cơ bản theo hợp đồng không bao gồm: tiền làm thêm giờ, tiền thưởng và các khoản trợ cấp khác. Riêng đối với sĩ quan, thuyền viên tàu vận tải biển, tiền lương theo hợp đồng (tính theo tháng) để làm căn cứ xác định mức tiền môi giới là tiền lương bao gồm tiền lương cơ bản và tiền lương phép.

V. THỜI ĐIỂM THU TIỀN MÔI GIỚI

Doanh nghiệp chỉ được thu tiền môi giới của người lao động sau khi đã ký Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với người lao động và người lao động được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc hoặc cấp visa.

Có thể bạn quan tâm:

Tư vấn thủ tục xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động;

Điều kiện xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động;

Hồ sơ xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động;

Những điều cần biết khi xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động;

Đề án hoát động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

Đơn xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động;

Tư vấn thủ tục cấp đổi giấy phép xuất khẩu lao động;

Những điều cần biết sau khi được cấp giấy phép xuất khẩu lao động;

VI. PHƯƠNG THỨC THU TIỀN MÔI GIỚI

- Doanh nghiệp thu một lần tiền môi giới của người lao động trước khi người lao động xuất cảnh ra nước ngoài làm việc. Khi thu tiền môi giới của người lao động, doanh nghiệp phải cấp biên lai thu tiền cho người lao động.

- Loại tiền thu nộp và tỷ giá áp dụng:

+ Doanh nghiệp thu tiền môi giới do người lao động hoàn trả bằng đồng Việt Nam.

+ Tỷ giá áp dụng: Nếu tiền môi giới được tính trên cơ sở đồng đô la Mỹ thì áp dụng tỷ giá giao dịch bình quân của đồng đô la Mỹ so với đồng Việt Nam trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thu nộp. Nếu tiền môi giới được tính trên cơ sở các loại ngoại tệ khác thì áp dụng tỷ giá tính chéo giữa đồng đô la Mỹ so với ngoại tệ đó do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo tại thời điểm thu nộp.

VII. QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TIỀN MÔI GIỚI

- Tiền môi giới phải được thể hiện trong hợp đồng cung ứng lao động hoặc hợp đồng riêng về tiền môi giới được ký giữa doanh nghiệp và bên môi giới;

- Tiền môi giới phải được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng được hưởng. Nếu lợi dụng quy định về tiền môi giới để thu, chi sai mục đích, không đúng đối tượng, trục lợi thì người ra quyết định thu, chi phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật;

- Phần tiền môi giới mà người lao động hoàn trả (nếu có) phải được ghi rõ trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Khoản tiền môi giới mà người lao động hoàn trả không tính vào doanh thu của doanh nghiệp và doanh nghiệp không phải nộp thuế.

- Phần tiền môi giới mà doanh nghiệp chi (nếu có) được hạch toán vào chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

VIII. CÁC TRƯỜNG HỢP NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐƯỢC HOÀN TRẢ TIỀN MÔI GIỚI

- Trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng (như thiên tai, chiến tranh, doanh nghiệp bị phá sản…) hoặc không phải do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp có trách nhiệm yêu cầu bên môi giới hoàn trả lại cho người lao động một phần tiền môi giới người lao động đã nộp theo nguyên tắc:

+ Người lao động làm việc chưa đủ 50% thời gian theo hợp đồng thì được nhận lại 50% tiền môi giới đã nộp;

+ Người lao động đã làm việc từ 50% thời gian theo hợp đồng trở lên thì không được nhận lại tiền môi giới.

- Trường hợp không thể đòi được của bên môi giới thì doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn trả cho người lao động theo nguyên tắc trên và được hạch toán vào chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trên đây là những điều mà các Quý doanh nghiệp cần biết liên quan đến tiền môi giới trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Nếu Quý doanh nghiệp còn có bất cứ vướng mắc liên quan đến nội dung này hoặc các nội dung khác trong hoạt động xuất khẩu lao động, xin vui lòng liên hệ với công ty Luật Thành Đô qua địa chỉ email hoặc số điện thoại dưới đây:

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc – Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

ĐT: 0982.976.486 – 091.908.9888

CÔNG TY LUẬT THÀNH ĐÔ

Trụ sở: Khu B3, L03 Shop House 24h, Đường Tố Hữu, Hà Nội

Điện thoại: 024 6680 6683/024 3789 8686                    Fax: 024 6680 6683

Email: luatthanhdo@gmail.com/admin@luatthanhdo.com

Website: http://luatthanhdo.com.vn

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận