5 hình thức đầu tư vốn Trung Quốc tại Việt Nam

Trong bối cảnh quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc ngày càng phát triển, việc tìm hiểu các hình thức đầu tư vốn Trung Quốc tại Việt Nam trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức kinh tế Trung Quốc.

Theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2020, các nhà đầu tư Trung Quốc có thể lựa chọn đa dạng hình thức đầu tư. Luật Thành Đô sẽ giới thiệu 5 hình thức đầu tư phổ biến nhất, giúp quý nhà đầu tư Trung Quốc nắm bắt cơ hội kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Đầu tư vốn Trung Quốc tại Việt Nam là gì?

Đầu tư vốn Trung Quốc tại Việt Nam là hoạt động góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp hoặc đầu tư tài sản vào Việt Nam do nhà đầu tư là cá nhân hoặc tổ chức kinh tế có quốc tịch Trung Quốc thực hiện, nhằm mục đích kinh doanh và thu lợi nhuận theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Các hình thức đầu tư vốn Trung Quốc vào Việt Nam?

Theo Điều 21, Luật Đầu tư 2020, các nhà đầu tư nước ngoài (Trung Quốc) có thể tham gia đầu tư vào thị trường Việt Nam thông qua nhiều hình thức, chẳng hạn như: Thành lập tổ chức kinh tế mới; Góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế tại Việt Nam; Thực hiện dự án đầu tư; Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC; Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.

  • Thành lập tổ chức kinh tế mới: Nhà đầu tư Trung Quốc có thể thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh với đối tác Việt Nam để thành lập tổ chức kinh tế mới (thành lập công ty).
  • Góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế tại Việt Nam: Tham gia vào các doanh nghiệp hiện hữu tại Việt Nam bằng cách góp vốn, mua cổ phần hoặc phần vốn góp.
  • Thực hiện dự án đầu tư: Nhà đầu tư có thể trực tiếp triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam.
  • Hợp tác kinh doanh: Nhà đầu tư có thể hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam thông qua các hình thức như hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC).
  • Hình thức khác: Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.

*** Điều kiện thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam đối với nhà đầu tư Trung Quốc

Để đầu tư vào Việt Nam bằng cách thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư Trung Quốc cần tuân thủ Luật Đầu tư 2020 và các văn bản hướng dẫn liên quan. Dưới đây là các điều kiện cụ thể:

➥ A. Điều kiện về ngành nghề kinh doanh

  • Không được kinh doanh nhóm ngành, nghề cấm kinh doanh theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020.
  • Đối với ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Trung Quốc không được phép đầu tư trong các ngành, nghề này.
  • Đối với ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. nhà đầu tư Trung Quốc phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường khi thực hiện hoạt động đầu tư trong lĩnh vực đó theo quy định của pháp luật Việt Nam.
  • Danh sách các ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài (hay còn gọi là “ngành nghề kinh doanh có điều kiện”) được quy định chi tiết tại Phụ lục IV, Luật Đầu tư 2020.
  • Ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và ngành nghề đầu tư có điều kiện dựa trên Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
  • Các ngành nghề ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (Quy định tại Mục A Phụ lục I Nghị định 31/2021/NĐ-CP): Nhà đầu tư nước ngoài (Trung Quốc) không được đầu tư vào 25 ngành nghề mà pháp luật Việt Nam quy định cấm đầu tư nước ngoài.
Ví dụ như: Đánh bắt hoặc khai thác hải sản; Dịch vụ điều tra và an ninh; Dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Dịch vụ nổ mìn; Dịch vụ bưu chính công ích…
  • Các ngành nghề đầu tư có điều kiện (Quy định tại Mục B Phụ I Nghị định 31/2021/NĐ-CP): Đối với 59 ngành nghề có điều kiện mà nhà đầu tư Trung Quốc phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể về tài chính, nhân sự, kỹ thuật,,...
Ví dụ như: Dịch vụ bưu chính, viễn thông; Dịch vụ quảng cáo; Dịch vụ giáo dục; Nuôi, trồng thủy sản; Kinh doanh bất động sản; Dịch vụ pháp lý…

➥ B. Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư Trung Quốc phải có dự án đầu tư

Luật Đầu tư 2020 quy định trước khi thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Trung Quốc nói riêng phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

➥ C. Ngoài điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề, nhà đầu tư Trung Quốc khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện (nếu có) sau đây:

  • Sử dụng đất đai, lao động; các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản;
  • Sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ công hoặc hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước;
  • Sở hữu, kinh doanh nhà ở, bất động sản;
  • Áp dụng các hình thức hỗ trợ, trợ cấp của Nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực hoặc phát triển vùng, địa bàn lãnh thổ;
  • Tham gia chương trình, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước;
  • Các điều kiện khác theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư có quy định không cho phép hoặc hạn chế tiếp cận thị trường đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Lưu ý: Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trước khi quyết định đầu tư. Việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia pháp lý của Luật Thành Đô sẽ giúp nhà đầu tư tránh được các rủi ro pháp lý và đảm bảo hoạt động đầu tư diễn ra thuận lợi.

*** Quy trình thành lập tổ chức kinh tế có vốn Trung Quốc tại Việt Nam

Sau khi đảm bảo tuân thủ đầy đủ các điều kiện đầu tư, quy trình thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam sẽ trải qua các bước sau:

➥ Bước 1 - Xác định loại dự án đầu tư:

Trước tiên, Nhà đầu tư Trung Quốc cần xác định dự án đầu tư của mình thuộc loại nào:
- Dự án cần xin quyết định chủ trương đầu tư:
+ Dự án thuộc trường hợp phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội theo Điều 30 Luật Đầu tư 2020.
+ Dự án thuộc trường hợp phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo Điều 31 Luật Đầu tư 2020.
+ Dự án thuộc trường hợp phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế theo 32 Luật Đầu tư 2020.
- Dự án không cần xin quyết định chủ trương đầu tư: Những dự án còn lại không thuộc trường hợp phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư..

Bước 2: Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC)

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC) là văn bản quan trọng, chứng nhận dự án của Nhà đầu tư Trung Quốc đã được phê duyệt và Nhà đầu tư Trung Quốc được phép tiến hành đầu tư tại Việt Nam.

Nhà đầu tư Trung Quốc tìm hiểu chi tiết hơn tại bài viết: Giấy chứng nhận đầu tư: Điều kiện - Hồ sơ - Thủ tục cấp phép 2025

➥ Bước 3: Đăng ký kinh doanh và nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC)

Bước cuối cùng để chính thức hoạt động kinh doanh tại Việt Nam là thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh và nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC).

Sau khi được cấp IRC, Nhà đầu tư Trung Quốc cần lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp (ví dụ: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần,...) và chuẩn bị hồ sơ đăng ký kinh doanh, bao gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
  • Điều lệ công ty: Quy định rõ ràng về hoạt động của doanh nghiệp, cơ cấu tổ chức, quyền và nghĩa vụ của các thành viên/cổ đông...
  • Danh sách thành viên/cổ đông: Cung cấp thông tin chi tiết về các thành viên/cổ đông sáng lập.
  • Danh sách người đại diện theo ủy quyền (Trường hợp nhà đầu tư Trung Quốc là pháp nhân): Xác định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
  • Văn bản ủy quyền đại diện phần vốn góp (Trường hợp nhà đầu tư Trung Quốc là pháp nhân):
    • Bản sao chứng thực giấy tờ pháp lý của cá nhân: Đối với thành viên sáng lập là cá nhân, cần cung cấp bản sao Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.
    • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/quyết định thành lập: Đối với thành viên sáng lập là tổ chức.
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC): Bản sao Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp ở bước 2.

Nhà đầu tư Trung Quốc nộp 01 bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC) cho Nhà đầu tư Trung Quốc.

Sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Nhà đầu tư Trung Quốc đã có thể chính thức hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế tại Việt Nam mang đến nhiều cơ hội cho Nhà đầu tư Trung Quốc. Để thực hiện thuận lợi, nhà đầu tư cần lưu ý những quy định sau:

Về điều kiện: Nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các điều kiện và thực hiện thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.

Về thủ tục: Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế trước khi thay đổi thành viên, cổ đông nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • (1) Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp làm tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài;
  • (2) Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật đầu tư nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế;
  • (3) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

*** Quy trình thực hiện như sau

*** Bước 1 - Đăng ký góp vốn: Đăng ký hoạt động góp vốn, mua cổ phần tại cơ quan đăng ký đầu tư.

Về hồ sơ: Tổ chức kinh tế nêu tại mục (1), (2), (3) nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp cho cơ quan đăng ký đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính. Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về đăng ký doanh nghiệp của tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; ngành, nghề kinh doanh; danh sách chủ sở hữu, thành viên, cổ đông sáng lập, danh sách chủ sở hữu, thành viên, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (nếu có); tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trước và sau khi góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế; giá trị giao dịch dự kiến của hợp đồng góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; thông tin về dự án đầu tư của tổ chức kinh tế (nếu có);

b) Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân, tổ chức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp;

c) Văn bản thỏa thuận nguyên tắc về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp giữa nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp hoặc giữa nhà đầu tư nước ngoài với cổ đông hoặc thành viên của tổ chức kinh tế đó;

d) Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (đối với trường hợp đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới và xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trừ tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế được thành lập theo quy định của Chính phủ).

Về thời gian thực hiện

Đối với trường hợp (1)(2): Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký đầu tư xem xét việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp quy định và thông báo cho nhà đầu tư, trừ trường hợp tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới và xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. 

Kết quả: Văn bản thông báo được gửi cho nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.

Đối với trường hợp tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới và xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, cơ quan đăng ký đầu tư thực hiện thủ tục sau:

  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an về việc đáp ứng các điều kiện: (i) về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài khi góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong tổ chức kinh tế đã thành lập tại Việt Nam và (ii) Điều kiện về bảo đảm quốc phòng, an ninh và điều kiện sử dụng đất đối với tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong trường hợp tổ chức kinh tế đó có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới và xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trừ tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế được thành lập theo quy định của Chính phủ.
  • Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cơ quan đăng ký đầu tư, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có ý kiến về việc đáp ứng điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; quá thời hạn yêu cầu mà không có ý kiến thì được coi là đã đồng ý việc đáp ứng điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp;
  • Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký đầu tư xem xét việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định và căn cứ ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để thông báo cho nhà đầu tư. 

Kết quả: Văn bản thông báo được gửi cho nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.

*** Bước 2 - Thực hiện góp vốn: Hoàn tất thủ tục góp vốn, mua cổ phần theo thỏa thuận.
*** Bước 3 - Thay đổi đăng ký kinh doanh: 
➥ Sau khi nhà đầu tư nước ngoài được chấp thuận góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp thực hiện thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông tại cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.

➥ Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư nước ngoài với tư cách là thành viên, cổ đông của tổ chức kinh tế được xác lập khi hoàn tất thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông.
Trường hợp không thuộc mục (1), (2), (3) nêu trên, nhà đầu tư thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của pháp luật có liên quan khi góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế. 

Văn bản pháp luật tham khảo:

Luật Đầu tư 2020: Điều 24 quy định chung về hình thức góp vốn, mua cổ phần.

Nghị định 31/2021/NĐ-CP: Điều 66 hướng dẫn chi tiết thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư này.

Lưu ý: Nhà đầu tư Trung Quốc nên tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật liên quan hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia để đảm bảo hoạt động đầu tư diễn ra thuận lợi.

Hợp đồng BCC là hình thức hợp tác kinh doanh khá phổ biến tại Việt Nam, mang đến sự linh hoạt và hiệu quả cho các nhà đầu tư. Nhà đầu tư Trung Quốc có thể tận dụng hình thức này để khai thác thị trường Việt Nam mà không cần thành lập pháp nhân mới.

*** Hợp đồng BCC là gì?

Theo Luật Đầu tư 2020, hợp đồng BCC (Business Cooperation Contract) hay còn gọi là hợp đồng hợp tác kinh doanh là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.

*** Ưu điểm của hợp đồng BCC

  • Đơn giản, linh hoạt: Thủ tục ký kết và thực hiện hợp đồng BCC tương đối đơn giản, ít ràng buộc về mặt pháp lý so với việc thành lập doanh nghiệp.
  • Tiết kiệm chi phí: Không cần bỏ vốn thành lập pháp nhân mới, giảm thiểu chi phí ban đầu.
  • Chia sẻ rủi ro: Các bên cùng nhau chia sẻ rủi ro trong quá trình kinh doanh.
  • Tận dụng thế mạnh: Kết hợp thế mạnh của nhà đầu tư Trung Quốc (vốn, công nghệ) và doanh nghiệp Việt Nam (am hiểu thị trường, nhân lực).

*** Thủ tục thực hiện đầu tư bằng hợp đồng BCC

➥ Bước 1 - Thương lượng, ký kết hợp đồng: Hai bên bao gồm nhà đầu tư Trung Quốc và các tổ chức kinh tế khác tại Việt Nam cùng nhau đàm phán và thống nhất các điều khoản trong hợp đồng BCC.

➥ Bước 2 - Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: Sau khi ký kết hợp đồng, các bên trong hợp đồng BCC cần thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC) cho dự án đầu tư theo hợp đồng BCC.

*** Lưu ý về hợp đồng BCC

  • Nội dung hợp đồng: Cần quy định rõ ràng, chi tiết về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên, cách thức phân chia lợi nhuận, giải quyết tranh chấp...
  • Tuân thủ pháp luật: Hợp đồng BCC phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư, kinh doanh, hợp đồng...Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định.

*** Căn cứ pháp lý tham khảo

  • Luật Đầu tư 2020: Điều 38 quy định về hợp đồng BCC.
  • Nghị định 31/2021/NĐ-CP: Hướng dẫn chi tiết về điều kiện, thủ tục đầu tư theo hợp đồng BCC.

Hình thức hợp đồng BCC là một lựa chọn linh hoạt và hiệu quả cho Nhà đầu tư Trung Quốc muốn tham gia thị trường Việt Nam. Việc tìm hiểu kỹ quy định pháp luật và tư vấn từ chuyên gia sẽ giúp nhà đầu tư tận dụng tối đa lợi ích của hình thức hợp tác này.

Nhà đầu tư Trung Quốc có thể lựa chọn hình thức "Thực hiện dự án đầu tư" để triển khai các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

*** Khi nào cần tuân thủ quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài?

Theo Điều 23 Luật Đầu tư 2020, tổ chức kinh tế cần tuân thủ các quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện dự án đầu tư nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
  • Có tổ chức kinh tế là nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
  • Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế là nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

*** Các trường hợp thực hiện dự án đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn trung quốc tại Việt Nam

Trường hợp thực hiện dự án đầu tư mới ngoài dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục sau:

➥ Trường hợp 1: Đối với các Tổ chức kinh tế dưới đây cần thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Nghị định này;

  • Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
  • Có tổ chức kinh tế là nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
  • Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế là nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

➥ Trường hợp 2: Đối với Tổ chức kinh tế không thuộc trường hợp 1:

  • Thực hiện chế độ báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
  • Nội dung báo cáo gồm: Tên dự án đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư, địa điểm, thời hạn hoạt động, tiến độ thực hiện, nhu cầu về lao động, ưu đãi đầu tư (nếu có).

*** Một số lưu ý về thực hiện dự án đầu tư

  • Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư của Trung Quốc được quyền điều chỉnh nội dung đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh mà không nhất thiết phải có dự án đầu tư. Việc bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải phù hợp với điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài (nếu có).
  • Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư của Trung Quốc được lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh ngoài trụ sở chính mà không nhất thiết phải có dự án đầu tư. Hồ sơ, trình tự và thủ tục lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của tổ chức kinh tế thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.
  • Khi đầu tư, giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư Trung Quốc, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải tuân thủ quy định của pháp luật chứng khoán về thủ tục đầu tư, tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, trừ trường hợp điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ.
Ngoài 4 hình thức đầu tư truyền thống (đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, thực hiện dự án đầu tư và đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC), Luật đầu tư hiện hành đã bổ sung một điều khoản hết sức linh hoạt cho nhà đầu tư Trung Quốc là: “Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ”. Điều này tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các hình thức đầu tư mới, phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế tại Việt Nam.

Trên đây là các hình thức đầu tư phổ biến nhất của các nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam. Mỗi hình thức đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, phù hợp với các loại hình doanh nghiệp và quy mô đầu tư khác nhau. Các nhà đầu tư Trung Quốc cần tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật, đánh giá kỹ lưỡng các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam để lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp nhất, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Luật Thành Đô hy vọng bài viết này đã cung cấp những thông tin hữu ích cho quý Nhà đầu tư Trung Quốc. Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng quý vị trong suốt quá trình đầu tư tại Việt Nam.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận