Các trường hợp công ty bị cảnh báo giao dịch và huỷ niêm yết bắt buộc trên sàn chứng khoán

Việc chấp nhận giấy đăng ký niêm yết cổ phiếu mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà các Công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán không còn đáp ứng đủ các điều kiện niêm yết như ban đầu, do đó, để bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, đảm bảo tính ổn định cho thị trường chứng khoán thì các Sở giao dịch chứng khoán đặt ra các tiêu chí phân loại các nhóm thuộc diện cảnh báo trên sàn chứng khoán. Bài viết dưới đây không phân tích toàn bộ mà chỉ tập trung vào các trường hợp Công ty bị cảnh báo giao dịch và huỷ niêm yết trên sàn chứng khoán. 

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

1. Luật chứng khoán 2019;

2. Nghị định số 155/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chứng khoán;

3. Quyết định số 639/QĐ-SGDHN Về việc ban hành quy chế niêm yết chứng khoán tại sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội;

4. Quyết định số 85/QĐ-SGDHCM Về việc ban hành quy chế niêm yết chứng khoán tại sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh;

5. Thông tư số 202/2015/TT-BTC Hướng dẫn về niêm yết chứng khoán trên sở giao dịch chứng khoán; 

II. PHÂN LOẠI CÁC TRƯỜNG HỢP CÔNG TY THUỘC DIỆN CẢNH BÁO TRÊN SÀN CHỨNG KHOÁN

Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích cho các nhà đầu tư, căn cứ vào mức độ vi phạm điều kiện niêm yết từ nhẹ tới nặng của các Công ty niêm yết trên sàn chứng khoán mà Ủy ban Chứng khoán chấp thuận với các Sở giao dịch chứng khoán phân những trường hợp thuộc diện cảnh báo đó thành 06 nhóm, bao gồm:

- Tổ chức niêm yết bị nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường.

- Chứng khoán bị cảnh báo. 

- Chứng khoán bị kiểm soát.

- Chứng khoán bị kiểm soát đặc biệt. 

- Tạm ngừng giao dịch chứng khoán niêm yết.

- Công ty huỷ bỏ niêm yết bắt buộc. 

Lưu ý: Tuỳ theo mức độ vi phạm cũng như đánh giá trên thực tiễn mà các sàn chứng khoán có thể quy định về cả 06 nhóm hoặc không đầy đủ 06 nhóm phân loại các trường hợp thuộc diện cảnh báo như trên.

III. CÁC TRƯỜNG HỢP CÔNG TY BỊ CẢNH BÁO GIAO DỊCH TRÊN SÀN CHỨNG KHOÁN

Căn cứ theo Luật chứng khoán 2019 thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam sẽ thực hiện việc tạm ngừng hoặc đình chỉ hoạt động giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam khi thị trường giao dịch chứng khoán có biến động bất thường hoặc trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và bảo đảm ổn định, an toàn, tính toàn vẹn của thị trường chứng khoán. Theo đó, việc quy định các tiêu chí đánh giá Công ty thuộc diện cảnh báo giao dịch và huỷ niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ do Sở giao dịch chứng khoán quy định và có hiệu lực sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. 

Hiện tại ở Việt Nam có 02 sàn chứng khoán HNX và HOSE thuộc Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX), có nhiệm vụ cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch chứng khoán, huỷ bỏ niêm yết và các nhiệm vụ quan trọng khác theo quy định của pháp luật. 

3.1. Sàn chứng khoán HNX ( Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội)

3.1.1. Các trường hợp Công ty bị cảnh báo giao dịch trên sàn chứng khoán

- Chứng khoán sẽ thuộc trường hợp cảnh báo giao dịch khi xảy ra một trong những trường hợp sau:

+ Vốn điều lệ đã góp của Công ty chứng khoán niêm yết giảm xuống dưới 30 tỷ VNĐ (đồng Việt Nam) đối với cổ phiếu hoặc dưới 10 tỷ VNĐ đối với trái phiếu doanh nghiệp theo báo cáo tài chính kỳ gần nhất;

+ Công ty chứng khoán niêm yết ngừng/ bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh từ 03 tháng trở lên;

+ Cổ phiếu Công ty không có giao dịch trong vòng 06 tháng liên tiếp;

+ Lợi nhuận sau thuế của Công ty dựa trên báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất/ báo cáo tài chính tổng hợp/ báo cáo tài chính hợp nhất là số âm;

Lưu ý: Báo cáo tài chính sẽ được xem xét riêng đối với từng loại hình doanh nghiệp cũng như cơ cấu tổ chức của mỗi Công ty.

+ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính kiểm toán năm/ báo cáo tài chính tổng hợp/báo cáo tài chính hợp nhất của công ty là số âm;

+ Công ty chứng khoán niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm/ báo cáo tài chính soát xét bán niên quá 15 ngày kể từ ngày hết hạn công bố thông tin theo quy định;

+ Công ty chứng khoán niêm yết vi phạm quy định công bố thông tin từ 04 lần trở lên trong vòng 01 năm;

+ Và các trường hợp khác được Sở giao dịch chứng khoán xét thấy cần đưa Công ty vào diện cảnh báo để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư.

- Sau khi một Công ty chứng khoán xảy ra 01 trong những trường hợp được nêu ở trên thì Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội sẽ lên ký hiệu cảnh báo giao dịch đối với chứng khoán niêm yết và thực hiện công bố thông tin này đối với toàn thị trường chứng khoán nhằm đảm bảo được quyền lợi cho các nhà đầu tư có liên quan. 

- Bên cạnh đó, Công ty thuộc diện cảnh báo giao dịch sẽ phải giải trình nguyên nhân bằng văn bản, đưa ra các phương án khắc phục tình trạng và công bố thông tin theo yêu cầu của Sở giao dịch chứng khoán. 

- Đối với các trường hợp thuộc diện cảnh báo giao dịch nhưng đã khắc phục được nguyên nhân dẫn đến tình trạng bị cảnh báo của Công ty, sau một thời hạn nhất định thì Sở giao dịch chứng khoán sẽ xem xét dỡ bỏ ký hiệu cảnh báo và công bố thông tin đối với toàn thị trường. 

Lưu ý: Thời hạn khắc phục nguyên nhân dẫn đến tình trạng bị cảnh báo giao dịch của Công ty chứng khoán được quy định cụ thể đối với từng trường hợp tại Quy chế niêm yết chứng khoán.

3.1.2. Các trường hợp Công ty bị huỷ niêm yết (bắt buộc) trên sàn chứng khoán

Công ty chứng khoán niêm yết sẽ thuộc diện huỷ bỏ niêm yết bắt buộc trên sàn chứng khoán nếu thuộc một trong các trường hợp sau, cụ thể:

- Trường hợp thứ nhất, trong thời hạn 01 năm, vốn điều lệ đã góp của tổ chức niêm yết chứng khoán giảm xuống dưới 30 tỷ VNĐ (đối với cổ phiếu) hoặc giảm dưới 10 tỷ VNĐ (đối với trái phiếu doanh nghiệp), đồng thời không đủ tối thiểu 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 cổ đông không phải là cổ đông lớn nắm giữ (không bao gồm trường hợp doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần theo quy định của Thủ tướng Chính phủ), thì Công ty chứng khoán sẽ thuộc trường hợp phải huỷ niêm yết bắt buộc;

- Trường hợp thứ hai là kết quả sản xuất, kinh doanh của Công ty chứng khoán bị thua lỗ liên tục trong 03 năm hoặc tổng số luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán từ trước thời điểm xem xét huỷ niêm yết;

Lưu ý: 

+ Kết quả sản xuất, kinh doanh được xem xét dựa trên chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế/ lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ.

+ Lỗ luỹ kế sẽ được xem xét căn cứ trên báo cáo tài chính tổng hợp/ báo cáo tài chính hợp nhất tùy theo cơ cấu tổ chức của các công ty. 

- Trường hợp thứ ba, đối với Công ty chứng khoán chấm dứt sự tồn tài do sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản thì Sở giao dịch chứng khoán sẽ xem xét việc huỷ niêm yết bắt buộc nếu Công ty chứng khoán có báo cáo và gửi đầy đủ các tài liệu pháp lý liên quan đến ngày đăng ký cuối cùng dự kiến thực hiện chốt danh sách cổ đông để thực hiện thủ tục tổ chức lại, giải thể hoặc phá sản doanh nghiệp theo quy định.

- Trường hợp cuối cùng, đối với các Công ty chứng khoán tổ chức lại doanh nghiệp theo hình thức sáp nhập nhưng sau khi sáp nhập, công ty sáp nhập không đáp ứng các điều kiện:

+ Có tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) dương và lớn hơn ROE trong năm liền trước năm thực hiện sáp nhập;

+ Có ít nhất 01 năm hoạt động dưới hình thức Công ty cổ phần tính đến thời điểm sáp nhập; ROE năm liền trước năm sáp nhập tối thiểu là 05%; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm hoặc lỗ luỹ kế tính đến thời điểm thực hiện sáp nhập Công ty; tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán báo cáo tài chính;

Đồng thời phần vốn phát hành thêm để thực hiện việc sáp nhập Công ty làm phát sinh tăng trên 50% vốn điều lệ thực góp (trước khi phát hành) thì trong vòng 06 tháng tính từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới, Sở giao dịch chứng khoán sẽ căn cứ vào báo cáo tài chính bán niên/ báo cáo tài chính kiểm toán năm lập sau thời điểm sáp nhập được Công ty niêm yết công bố thông tin để xem xét việc huỷ niêm yết bắt buộc đối với Công ty chứng khoán. 

- Đối với các trường hợp Công ty chứng khoán có khả năng huỷ bỏ niêm yết theo quy định tại Quy chế niêm yết chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán sẽ tiến thành thông báo cho Công ty chứng khoán và công bố ra thị trường. Ngoài ra, nếu thấy cần thiết thì có thể yêu cầu Công ty chứng khoán báo cáo và giải trình cụ thể về vấn đề. 

- Sở giao dịch chứng khoán có thể xem xét cho chứng khoán thuộc diện huỷ bỏ niêm yết được tiếp tục giao dịch trong thời hạn tối đa 01 tháng tính từ ngày ban hành quyết định huỷ bỏ niêm yết.

Lưu ý: Trường hợp được xem xét trên không bao gồm những Công ty chứng khoán huỷ niêm yết để đăng ký giao dịch trên sàn Upcom.

- Ngoài ra, đối với các trường hợp phải huỷ niêm yết bắt buộc thì Sở giao dịch chứng khoán sẽ tiến hành ban hành quyết định huỷ bỏ niêm yết bắt buộc sau khi thông qua Hội đồng Niêm yết và thực hiện công bố thông tin này tới toàn thị trường chứng khoán nhằm đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư có liên quan. 

3.2. Sàn chứng khoán HOSE (Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh)

3.2.1. Các trường hợp Công ty bị cảnh báo giao dịch trên sàn chứng khoán

- Theo quy chế niêm yết tại HOSE thì Công ty chứng khoán thuộc một trong các trường hợp sau sẽ thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh cáo, cụ thể:

+ Vốn điều lệ đã góp của Công ty có cổ phiếu, trái phiếu niêm yết giảm xuống dưới 120 tỷ VNĐ tính theo giá trị ghi trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất;

+ Lợi nhuận sau thuế của năm tài chính dựa trên báo cáo tài chính kiểm toán năm/báo cáo tài chính tổng hợp/ báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty là số âm;

+ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (lỗ lũy kế) căn cứ trên báo cáo tài chính kiểm toán năm/ báo cáo tài chính tổng hợp/ báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty là số âm;

+ Công ty chứng khoán niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất kinh doanh từ 03 tháng trở lên;

+ Công ty chứng khoán chậm nộp báo cáo tài chính năm được kiểm toán/ báo cáo tài chính bán niên 15 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn công bố thông tin theo quy định của pháp luật;

+ Công ty chứng khoán vi phạm quy định công bố thông tin từ 04 lần trở lên trong thời hạn 01 năm;

+ Cổ phiếu của Công ty chứng khoán không có giao dịch trong vòng 06 tháng;

+ Ngoài ra, các trường hợp Sở giao dịch chứng khoán xét thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư sau khi được Ủy ban chứng khoán nhà nước chấp thuận sẽ nằm trong phạm vi bị cảnh báo giao dịch trên thị trường. 

- Đối với các trường hợp thuộc phạm vi cảnh báo giao dịch, Sở giao dịch chứng khoán sẽ lên ký hiệu cảnh báo và thực hiện công bố thông tin này trên toàn thị trường chứng khoán. Đồng thời, Công ty chứng khoán niêm yết thuộc diện cảnh cáo buộc phải giải trình nguyên nhân cũng như phương án khắc bị tình trạng của Công ty, kết hợp công bố thông tin theo yêu cầu của Sở giao dịch chứng khoán. 

- Trong trường hợp Công ty chứng khoán bị cảnh báo giao dịch trên thị trường nhưng sau đó đã giải trình và khắc phục được các nguyên nhân thì Sở giao dịch chứng khoán sẽ xem xét đưa chứng khoán ra khỏi diện cảnh báo và thực hiện dỡ bỏ ký hiệu cảnh báo.

Tuy nhiên, đối với một số trường hợp nhất định, Công ty chứng khoán sẽ được xem xét dỡ bỏ ký hiệu cảnh báo sau khi đáp ứng một số điều kiện nhất định trong một thời hạn cụ thể được quy định tại Quy chế niêm yết chứng khoán. Ngoài ra, trong những trường hợp cần thiết, để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư thì Sở giao dịch chứng khoán có thể xem xét duy trì diện cảnh báo đối với chứng khoán của tổ chức niêm yết (bao gồm các trường hợp đã đáp ứng đủ điều kiện được đưa ra khỏi diện cảnh báo).

- Sở giao dịch chứng khoán sẽ thực hiện việc công bố thông tin về việc đưa chứng khoán ra khỏi diện bị cảnh báo. 

Về cơ bản, các trường hợp Công ty chứng khoán bị cảnh báo giao dịch trên sàn chứng khoán được quy định tại HOSE không có nhiều khác biệt đối với HNX, đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chí chặt đẽ, bảo đảm tốt quyền lợi cho các nhà đầu tư có liên quan, giữ vững tính ổn định cho thị trường chứng khoán. 

3.2.2. Các trường hợp Công ty bị huỷ niêm yết (bắt buộc) trên sàn chứng khoán

- Công ty chứng khoán sẽ bị huỷ bỏ niêm yết bắt buộc nếu thuộc một trong các trường hợp như sau:

+ Trường hợp thứ nhất, Công ty chứng khoán có số vốn điều lệ sẽ góp giảm xuống dưới 120 tỷ VNĐ và không có đủ tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 300 cổ đông không phải là cổ đông lớn nắm giữ ( Trừ trường hợp doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành Công ty cổ phần theo quy định của Thủ tướng Chính phủ).

+ Trường hợp thứ hai, Công ty chứng khoán niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ 01 năm trở lên;

+ Trường hợp thứ ba, Công ty chứng khoán niêm yết bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/ Giấy phép hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành;

+ Trường hợp thứ tư, Công ty chứng khoán không có giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán trong thời hạn 12 tháng;

+ Trường hợp thứ năm, kết quả sản xuất, kinh doanh của Công ty chứng khoán bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán/ báo cáo tài chính tổng hợp/ báo cáo tài chính hợp nhất năm gần nhất trước thời điểm bị xem xét huỷ niêm yết bắt buộc. 

+ Trường hợp thứ sáu, Công ty chứng khoán niêm yết chấm dứt sự tồn tại nhưng không nộp hồ sơ thay đổi đăng ký niêm yết hoặc không đáp ứng điều kiện niêm yết do tổ chức lại, giải thể hoặc phá sản Công ty hoặc do Công ty phát hành thực hiện chào bán từ 50% trở lên số lượng cổ phiếu đang lưu hành để hoán đổi lấy cổ phiếu/ phần vốn góp tại doanh nghiệp khác. Ngoài ra, Công ty chứng khoán niêm yết không đáp ứng điều kiện là Công ty đại chúng cũng thuộc trường hợp huỷ niêm yết bắt buộc. 

+ Trường hợp thứ bảy, tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến không chấp nhận hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của Công ty chứng khoán. 

+ Trường hợp thứ tám, Công ty chứng khoán niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 03 năm liên tiếp;

+ Trường hợp thứ chín, Ủy ban chứng khoán Nhà nước hoặc Sở giao dịch chứng khoán phát hiện thấy Công ty chứng khoán niêm yết giả mạo hồ sơ niêm yết hoặc có thông tin sai lệch nghiêm trọng trong hồ sơ niêm yết ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư;

+ Trường hợp cuối cùng, Công ty chứng khoán niêm yết có vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp được Sở giao dịch chứng khoán hoặc Ủy ban chứng khoán Nhà nước xét thấy cần huỷ niêm yết để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư. 

- Đối với trường hợp các Công ty chứng khoán có khả năng bị huỷ niêm yết theo một trong mười trường hợp bắt buộc hủy niêm yết nêu trên, Sở giao dịch chứng khoán sẽ thông báo cho Công ty và công bố thông tin ra thị trường, đồng thời có thể yêu cầu Công ty báo cáo, giải trình cụ thể tình hình, nguyên nhân nếu cần thiết.

- Với trường hợp Công ty chứng khoán buộc phải huỷ bỏ niêm yết, Sở giao dịch chứng khoán có thể xem xét cho chứng khoán được tiếp tục giao dịch trong thời hạn tối đa là 30 ngày tính từ thời điểm có Quyết định huỷ niêm yết.

Lưu ý: Trường hợp trên đây không bao gồm Công ty chứng khoán huỷ niêm yết để đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom và một số trường hợp nhất định được quy định cụ thể tại Quy chế niêm yết chứng khoán. 

Như vậy có thể nhận thấy rằng không có quá nhiều các quy định khác nhau về nội dung các trường hợp thuộc diện cảnh báo giao dịch và huỷ niêm yết bắt buộc trên sàn chứng khoán giữa HOSE và HNX. Tính đến thời điểm hiện tại, HOSE và HNX vẫn đang thực hiện tốt nghĩa vụ của mình trong việc giám sát các hoạt động giao dịch chứng khoán để nhanh chóng cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch chứng khoán, thậm chí có thể tiến hành yêu cầu huỷ bỏ niêm yết đối với các Công ty chứng khoán theo Quy chế niêm yết chứng khoán ban hành, bảo đảm sự an toàn cho nhà đầu tư cũng như tính ổn định cho Thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong trường hợp cần tư vấn chi tiết, Quý khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Thành Đô để được hỗ trợ.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận