Điều kiện và thủ tục ký quỹ kinh doanh lữ hành nội địa

Theo Luật du lịch và các văn bản liên quan đến du lịch, việc kinh doanh lữ hành nội địa cần phải được ký quỹ nhằm bảo đảm quyền lợi của bên có quyền, và đề phòng những trường hợp rủi ro có thể xảy ra trong quá trình kinh doanh. Vậy pháp luật quy định cụ thể về điều kiện và thủ tục ký quỹ kinh doanh lữ hành nội địa như thế nào, có những lưu ý gì khi thực hiện ký quỹ kinh doanh lữ hành nội địa? Luật Thành Đô xin đưa ra những tư vấn về “Điều kiện và thủ tục ký quỹ kinh doanh lữ hành nội địa”

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

- Luật du lịch 2017;

- Bộ Luật dân sự 2015;

- Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định một số điều chi tiết của Luật Du lịch;

- Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017 quy định chi tiết một số điều của Luật du lịch;

- Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL ngày 25 tháng 11 năm 2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ văn hóa, thể thao và du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật du lịch;

- Các văn bản pháp lý khác có liên quan.

Xem thêm: Điều kiện và thủ tục ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế

II. KHÁI NIỆM VÀ CÁC QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN KINH DOANH DỊCH VỤ LỮ HÀNH, KÝ QUỸ DỊCH VỤ LỮ HÀNH NỘI ĐỊA

2.1. Quy định về kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa

Theo Khoản 9 Điều 3 Luật du lịch 2017: “Kinh doanh dịch vụ lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch.”

Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là kinh doanh dịch vụ lữ hành trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

2.2. Quy định chung về ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa

Theo Khoản 1 Điều 330 Bộ Luật dân sự 2015: “Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc các giấy tờ trị giá được bằng tiền vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.”

Như vậy ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là việc các doanh nghiệp muốn kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phải gửi một khoản tiền theo quy định của Luật du lịch về ký quỹ vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để đảm bảo những rủi ro trong quá trình kinh doanh dịch vụ.

Xem thêm: Khi nào được rút tiền ký quỹ kinh doanh lữ hành, thủ tục rút tiền ký quỹ

III. ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ TỤC KÝ QUỸ KINH DOANH DỊCH VỤ LỮ HÀNH NỘI ĐỊA

3.1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa

Doanh nghiệp muốn kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phải đáp ứng các điều kiện theo Điều 31 Luật du lịch 2017:

- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;

- Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng;

- Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.

Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL quy định về chuyên ngành về lữ hành được thể hiện trên bằng tốt nghiệp của một trong các ngành, nghề, chuyên ngành sau đây:

- Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;

- Quản trị lữ hành;

- Điều hành tour du lịch;

- Marketing du lịch;

- Du lịch;

- Du lịch lữ hành;

- Quản lý và kinh doanh du lịch;

- Quản trị du lịch MICE;

- Đại lý lữ hành;

- Hướng dẫn du lịch;

+ Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành’, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở giáo dục ở Việt Nam đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực;

- Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở đào tạo nước ngoài đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp.

+ Trường hợp bằng tốt nghiệp không thể hiện các ngành, nghề, chuyên ngành quy định tại điểm l và điểm m khoản này thì bổ sung bảng điểm tốt nghiệp hoặc phụ lục văn bằng thể hiện ngành, nghề, chuyên ngành, trong đó có một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch”.

3.2. Thủ tục ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa

Theo Điều 14 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định một số điều chi tiết của Luật Du lịch, mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là 100.000.000 (một trăm triệu) đồng.

Thủ tục ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa như sau:

- Theo quy định của luật, Doanh nghiệp phải thực hiện ký quỹ bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam và được hưởng lãi suất theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ phù hợp với quy định của pháp luật. Tiền ký quỹ phải được duy trì trong suốt thời gian doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành.

- Khi doanh nghiệp có yêu cầu nộp tiền ký quỹ vào tài khoản tại ngân hàng, ngân hàng nhận ký quỹ và doanh nghiệp thực hiện giao kết hợp đồng ký quỹ. Trên cơ sở hợp đồng ký quỹ, ngân hàng nhận ký quỹ thực hiện phong tỏa số tiền ký quỹ của doanh nghiệp gửi tại ngân hàng.

Theo đó, hợp đồng ký quỹ có các nội dung chính gồm: Tên, địa chỉ, người đại diện của doanh nghiệp; tên, địa chỉ, người đại diện của ngân hàng; lý do nộp tiền ký quỹ; số tiền ký quỹ; lãi suất tiền gửi ký quỹ; trả lãi tiền gửi ký quỹ; sử dụng tiền ký quỹ; rút tiền ký quỹ; hoàn trả tiền ký quỹ; trách nhiệm của các bên liên quan và các thỏa thuận khác phù hợp với quy định của pháp luật.

- Sau khi phong tỏa số tiền ký quỹ, ngân hàng nhận ký quỹ cấp Giấy chứng nhận tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành cho doanh nghiệp theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định số 168/2017/NĐ-CP.

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa bắt buộc phải ký quỹ, đây là một trong những điều kiện để đăng ký kinh doanh và các thủ tục ký quỹ phải được thực hiện đúng trình tự và đúng cơ quan.

3.3. Quản lý, sử dụng tiền ký quỹ

Theo Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định tiền ký quỹ được sử dụng như sau:

Trong trường hợp khách du lịch bị chết, bị tai nạn, rủi ro, bị xâm hại tính mạng cần phải đưa về nơi cư trú hoặc điều trị khẩn cấp mà doanh nghiệp không có khả năng bố trí kinh phí để giải quyết kịp thời, doanh nghiệp gửi đề nghị giải tỏa tạm thời tiền ký quỹ đến cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Trong thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm nhận được đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành xem xét và đề nghị ngân hàng cho doanh nghiệp trích tài khoản tiền ký quỹ để sử dụng hoặc từ chối.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiền được rút khỏi tài khoản tiền ký quỹ, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành có trách nhiệm bổ sung số tiền ký quỹ đã sử dụng để bảo đảm mức ký quỹ theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện, ngân hàng gửi văn bản thông báo cho cơ quan cấp phép để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.”

Mục đích của tiền kỹ quý nhằm để bảo đảm quyền lợi của khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp và đề phòng những trường hợp rủi ro có thể xảy ra trong quá trình kinh doanh. Do đó số tiền ký quỹ sẽ được dùng cho các trường hợp khách du lịch bị chết, bị tai nạn, rủi ro, bị xâm hại tính mạng cần phải đưa về nơi cư trú hoặc điều trị khẩn cấp mà doanh nghiệp không có khả năng bố trí kinh phí để giải quyết kịp thời, trường hợp này doanh nghiệp sẽ gửi đề nghị giải tỏa tạm thời tiền ký quỹ đến cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ du dịch.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận