Hình thức đầu tư theo Hợp đồng PPP
- 09/07/2020
- NGUYỄN LÂM SƠN
- 0 Nhận xét
Đầu tư theo Hợp đồng PPP là một hình thức đầu tư có tính ưu việt về khả năng huy động nguồn vốn. Do nguồn vốn của nhà nước cần phải được phân bổ một cách hợp lý và có hiệu quả nên đối với một số dự án đầu tư công quan trọng, cần nguồn vốn lớn, Nhà nước thường áp dụng hình thức đầu tư này để huy động thêm nguồn vốn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (hay còn gọi là nguồn vốn tư nhân) để thực hiện. Hình thức đầu tư này được thực hiện dựa trên nguyên tắc cùng chia sẻ và cùng có lợi nên được áp dụng tương đối phổ biến. Để Quý khách hàng hiểu rõ hơn về hình thức đầu tư này, Luật Thành Đô trân trọng giới thiệu bài viết “Hình thức đầu tư theo Hợp đồng PPP” để Quý khách hàng tham khảo.
1. Khái niệm:
Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP giải thích: “Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (sau đây gọi tắt là PPP) là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công”.
Trong đó, hợp đồng dự án bao gồm các loại hợp đồng sau:
(i) Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (gọi tắt là Hợp đồng BOT);
(ii) Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (gọi tắt là Hợp đồng BTO);
(iii) Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (gọi tắt là Hợp đồng BT);
(iv) Hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (gọi tắt là hợp đồng BOO);
(v) Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ (gọi tắt là hợp đồng BTL);
(vi) Hợp đồng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (gọi tắt là hợp đồng BLT);
(vii) Hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (gọi tắt là hợp đồng O&M);
(viii) Hợp đồng hỗn hợp (là hợp đồng dự án kết hợp các loại hợp đồng nêu trên).
2. Lĩnh vực đầu tư khuyến khích thực hiện đầu tư theo hình thức PPP:
(i) Giao thông vận tải;
(ii) Nhà máy điện, đường dây tải điện;
(iii) Hệ thống chiếu sáng công cộng; hệ thống cung cấp nước sạch; hệ thống thoát nước; hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải; công viên; nhà, sân bãi để ô tô, xe, máy móc, thiết bị; nghĩa trang;
(iv) Trụ sở cơ quan nhà nước; nhà ở công vụ; nhà ở xã hội; nhà ở tái định cư;
(v) Y tế; giáo dục, đào tạo, dạy nghề; văn hóa; thể thao; du lịch; khoa học và công nghệ, khí tượng thủy văn; ứng dụng công nghệ thông tin;
(vi) Hạ tầng thương mại; hạ tầng khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung; hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao; cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
(vii) Nông nghiệp và phát triển nông thôn; dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;
(viii) Các lĩnh vực khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
3. Nguồn vốn thực hiện dự án:
Dự án PPP được thực hiện dựa trên các nguồn vốn sau:
(i) Vốn của nhà đầu tư bao gồm:
- Vốn chủ sở hữu:
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc như sau:
+ Đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư;
+ Đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc: Đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20%; đối với phần vốn từ trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10%.
- Vốn huy động của nhà đầu tư:
(ii) Phần Nhà nước tham gia dự án PPP:
Phần Nhà nước tham gia dự án PPP được thực hiện theo một hoặc các hình thức sau:
+ Vốn góp của Nhà nước;
+ Vốn thanh toán cho nhà đầu tư;
+ Quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng thanh toán cho nhà đầu tư hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ được nhượng cho nhà đầu tư trong dự án áp dụng loại hợp đồng BT;
+ Vốn hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
4. Trình tự thực hiện dự án PPP:
- Trừ dự án ứng dụng công nghệ cao theo quy định cảu pháp luật về công nghệ cao, dự án áp dụng hợp đồng BT và dự án nhóm C, dự án PPP được thực hiện theo trình tự sau đây:
(i) Lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư và công bố dự án;
(ii) Lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi;
(ii) Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư;
(iii) Đàm phán, thành lập doanh nghiệp dự án (nếu có), ký kết hợp đồng dự án;
(iv) Triển khai thực hiện dự án; quyết toán và chuyển giao công trình.
- Đối với Dự án nhóm C không phải lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư nhưng phải công bố dự án sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt.
- Riêng đối với Dự án ứng dụng công nghệ cao, trình tự thủ tục thực hiện như sau:
(i) Lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư và công bố dự án;
(ii) Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư;
(iii) Lập báo cáo nghiên cứu khả thi (do nhà đầu tư trúng thầu thực hiện);
(iv) Tổ chức thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi;
(v) Đàm phán, thành lập doanh nghiệp dự án (nếu có), ký kết hợp đồng dự án;
(vi) Triển khai thực hiện dự án; quyết toán và chuyển giao công trình.
- Đối với dự án thực hiện theo hợp đồng BT, trình tự thực hiện như sau:
(i) Lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư và công bố dự án;
(ii) Lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi;
(iii) Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế và dự toán theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc pháp luật chuyên ngành có liên quan;
(iv) Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; đàm phán và ký kết hợp đồng dự án;
(v) Triển khai xây dựng công trình dự án; quyết toán và chuyển giao công trình.
Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến hình thức đầu tư theo hợp đồng PPP để Quý khách hàng tham khảo. Nếu có bất cứ vướng mắc liên quan, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết.
THÔNG TIN LIÊN HỆ Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN Hotline: 0919 089 888 Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn Website: www.luatthanhdo.com.vn |
Bình luận