Phí dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở Nhật Bản được tính như thế nào?
- 18/07/2024
- Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
- 0 Nhận xét
PHÍ DỊCH VỤ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NHẬT BẢN ĐƯỢC TÍNH NHƯ THẾ NÀO?
Phí dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở Nhật Bản là khoản chi phí mà người lao động phải trả cho doanh nghiệp để thực hiện hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Vậy phí dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở Nhật Bản được tính như thế nào? Luật Thành Đô xin đưa ra những tư vấn nhằm giải đáp vấn đề trên như sau.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
- Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 72/2006/QH11 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006;
- Nghị định 38/2020/NĐ-CP 38/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Quyết định 630/QĐ-LĐTBXH ngày 19 tháng 05 năm 2010 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về việc quy định tạm thời đơn giá đào tạo nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cho người lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo chính sách tại quyết định số 71/2009/QĐ-TTG của Thủ tướng chính phủ
- Thông tư liên tịch số 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 04/9/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính quy định cụ thể về tiền môi giới và tiền dịch vụ trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
II. PHÍ DỊCH VỤ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NHẬT BẢN ĐƯỢC TÍNH NHƯ THẾ NÀO?
2.1. Khái niệm tiền dịch vụ
Tiền dịch vụ là khoản chi phí mà người lao động phải trả cho doanh nghiệp để thực hiện hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Tiền dịch vụ không áp dụng đối với trường hợp người lao động đã hoàn thành hợp đồng ký với doanh nghiệp (kể cả thời gian gia hạn theo hợp đồng) và được chủ sử dụng lao động gia hạn hoặc ký hợp đồng lao động mới.
2.2. Mức thu tiền dịch vụ
Phí dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở Nhật Bản được tính như sau:
Người lao động nộp tiền dịch vụ cho doanh nghiệp không quá một tháng tiền lương (hoặc tiền trợ cấp tu nghiệp) theo hợp đồng cho một năm làm việc; riêng sỹ quan và thuyền viên làm việc trên tàu vận tải biển không quá một tháng rưỡi tiền lương theo hợp đồng cho một năm làm việc. Tổng mức tiền dịch vụ tối đa không quá ba tháng lương theo hợp đồng/người/hợp đồng;
Tiền lương theo hợp đồng (tính theo tháng) để làm căn cứ xác định mức tiền dịch vụ là tiền lương cơ bản không bao gồm: tiền làm thêm giờ, tiền thưởng và các khoản trợ cấp khác. Riêng đối với sĩ quan, thuyền viên tàu vận tải biển, tiền lương theo hợp đồng (tính theo tháng) để làm căn cứ xác định mức tiền dịch vụ là tiền lương bao gồm lương cơ bản và lương phép.
Mức tiền dịch vụ phải được ghi rõ trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký kết giữa doanh nghiệp và người lao động
3. Cách thức thu nộp và hoàn trả tiền dịch vụ
Doanh nghiệp thoả thuận với người lao động để thu tiền dịch vụ một lần trước khi người lao động xuất cảnh hoặc thu nhiều lần trong quá trình thực hiện hợp đồng
Trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp chỉ được thu tiền dịch vụ theo thời gian (số tháng) thực tế người lao động làm việc ở nước ngoài;
Trường hợp người lao động vi phạm hợp đồng hoặc vi phạm pháp luật nước đến làm việc mà phải về nước trước hạn hoặc tự ý bỏ hợp đồng ở lại bất hợp pháp thì doanh nghiệp được thu tiền dịch vụ của người lao động theo thời hạn hợp đồng đã ký.
THÔNG TIN LIÊN HỆ Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN Hotline: 0919 089 888 Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn Website: www.luatthanhdo.com.vn |
Bình luận