Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa
- 15/07/2019
- Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
- 0 Nhận xét
Kinh doanh dịch vụ lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch trong đó hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là phục vụ khách du lịch nội địa. Hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cần phải thực hiện các thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa trước khi hoạt động.
Luật Thành Đô hướng dẫn quý khách hàng chi tiết Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
- Luật Du lịch 2017;
- Nghị định 168/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Du lịch;
- Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL về hướng dẫn Luật Du lịch do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành;
- Thông tư 33/2018/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa;
II. ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY PHÉP LỮ HÀNH NỘI ĐỊA
Luật du lịch năm 2017 có hiệu lực vào ngày 01/01/2018 đã quy định về điều kiện để hoạt động và được cấp giấy phép lữ hành nội địa đối với các doanh nghiệp thực hiện chương trình du lịch cho khách du lịch. Luật Thành Đô đã tổng hợp các điểm mới của các điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa để quý khách hàng dễ tham khảo.
2.1. Điều kiện về công ty xin cấp giấy phép lữ hành nội địa
Tổ chức muốn hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phải là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Như vậy, hiện nay có rất nhiều loại hình doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp quy định như doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh đều là đối tượng có thể xin giấy phép lữ hành nội địa.
2.2. Điều kiện về ngành nghề kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa
Nếu quý khách hàng lần đầu tiên thành lập doanh nghiệp và hoạt động dịch vụ lữ hành nội địa thì phải đăng ký kinh doanh ngành nghề Điều hành tua du lịch – Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa với mã ngành 7912.
Đối với các doanh nghiệp đã thành lập và có nhu cầu xin cấp giấy phép lữ hành nội địa thì quý khách hàng phải kiểm tra lại ngành nghề kinh doanh của mình hoặc có thể liên hệ với Công ty Luật Thành Đô để được kiểm tra miễn phí. Nếu chưa có ngành nghề kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa thì quý khách cần thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh để bổ sung ngành nghề này trước khi xin cấp giấy phép.
2.3. Điều kiện về ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa
Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là quy định mới của Luật du lịch năm 2017 áp dụng đối với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa kể cả các doanh nghiệp được cấp phép trước thời điểm Luật du lịch có hiệu lực.
Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam và được hưởng lãi suất theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ phù hợp với quy định của pháp luật.
Hiện nay theo quy định thì doanh nghiệp khi xin giấy phép lữ hành nội địa phải thực hiện ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã hoặc có thể lựa chọn chi nhánh của ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: 100.000.000 (Một trăm triệu) đồng. Tiền ký quỹ phải được doanh nghiệp duy trì trong suốt thời gian doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa.
Luật Thành Đô đã có bài viết tư vấn về thủ tục ký quỹ kinh doanh lữ hành nội địa giúp khách hàng có thể tìm hiểu về hoạt động ký quỹ khi kinh doanh lữ hành nội địa.
2.4. Điều kiện về người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa
Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là người trực tiếp điều hành và chịu toàn bộ trách nhiệm về hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa.
Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phải là người giữ một trong các chức danh bao gồm chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân, tổng giám đốc, giám đốc hoặc phó giám đốc hoặc trưởng bộ phận kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Ngoài ra, người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa cũng phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành theo quy định bao gồm một trong các chuyên ngành như sau: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị lữ hành; Điều hành tour du lịch; Marketing du lịch; Du lịch; Du lịch lữ hành; Quản lý và kinh doanh du lịch; Quản trị du lịch MICE; Đại lý lữ hành; Hướng dẫn du lịch; Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành’, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở giáo dục ở Việt Nam đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực; Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở đào tạo nước ngoài đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp.
Trường hợp bằng tốt nghiệp không thể hiện các ngành, nghề, chuyên ngành thì bổ sung bảng điểm tốt nghiệp hoặc phụ lục văn bằng thể hiện ngành, nghề, chuyên ngành, trong đó có một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch”.
Đối với người tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.
III. HỒ SƠ XIN CẤP GIẤY PHÉP LỮ HÀNH NỘI ĐỊA
Sau khi quý khách hàng chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để được cấp giấy phép lữ hành nội địa, quý khách hàng sẽ chuẩn bị các đầu mục hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa theo quy định hiện nay bao gồm:
(1) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa theo mẫu;
(2) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
(3) Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành xác nhận việc doanh nghiệp đã ký quỹ 100.000.000 đồng;
(4) Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa;
(5) Bản sao có chứng thực văn bằng, bằng tốt nghiệp của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa từ trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành hoặc chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa đối với người phụ trách kinh doanh tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác.
(6) Giấy ủy quyền thực hiện/thay mặt thực hiện các thủ tục với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp người đại diện pháp luật của doanh nghiệp không trực tiếp thực hiện.
IV. THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH DỊCH VỤ LỮ HÀNH NỘI ĐỊA
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ mà Luật Thành Đô đã đề cập theo quy định pháp luật hiện hành, quý khách hàng có thể thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa theo các bước sau đây:
Bước 1: Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan chuyên môn có thẩm quyền về du lịch cấp tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp có trụ sở chính.
Thông thường, Luật Thành Đô thường tư vấn các doanh nghiệp nên chuẩn bị tối thiểu 02 bộ hồ sơ trở lên nhằm mục đích lưu trữ, niêm yết tại cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa;
Bước 2: Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn có thẩm quyền về du lịch cấp tỉnh/thành phố trong thời hạn 10 ngày tổ chức thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa cho doanh nghiệp đề nghị cấp phép.
Trong trường hợp cần làm rõ, yêu cầu giải trình, bổ sung hồ sơ xin cấp giấy phép lữ hành, cơ quan chuyên môn có thẩm quyền ra văn bản thông báo đối với doanh nghiệp xin cấp phép để bổ sung.
Trường hợp từ chối cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, cơ quan chuyên môn phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối cấp phép đối với doanh nghiệp.
Bước 3: Doanh nghiệp đề nghị cấp phép sau khi nhận thông báo về hồ sơ đã hợp lệ và được cấp phép, doanh nghiệp đề nghị cấp phép nộp lệ phí cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa theo quy định.
Căn cứ theo quy định của nhà nước về thu phí cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại Thông tư 33/2018/TT-BTC thì lệ phí cấp mới giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là 3.000.000 đồng (Ba triệu đồng).
Luật Thành Đô liên tục cập nhật Lệ phí cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa mới nhất để quý khách hàng có thể theo dõi.
Bước 4: Quý khách hàng vui lòng cung cấp phiếu hẹn trả kết quả kèm theo phiếu chuyển tiền/giấy nộp tiền cấp giấy phép hoặc các giấy tờ khác chứng minh đã nộp lệ phí cấp phép để nhận giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại cơ quan chuyên môn có thẩm quyền tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp lữ hành nội địa đặt trụ sở chính.
V. THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP CÓ VỐN NƯỚC NGOÀI KINH DOANH DỊCH VỤ LỮ HÀNH
Trong thời kỳ hội nhập và mở cửa cùng với nhiều ưu đãi đầu tư, lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lữ hành vào Việt Nam đã trở thành một lĩnh vực đầu tư được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm bởi khả năng phát triển và quảng bá du lịch Việt Nam tới thế giới đã thu hút khách du lịch trên thế giới tới du lịch tại Việt Nam ngày càng nhiều, tạo ra thị trường du lịch vô cùng sôi động và ngày càng phát triển.
Pháp luật Việt Nam cho phép việc nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại Việt Nam với các điều kiện xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nhất định.
Quý khách hàng có thể tìm hiểu về Thủ tục thành lập công ty du lịch có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để được tư vấn và hướng dẫn các điều kiện, thủ tục thành lập một cách chi tiết nhất.
THÔNG TIN LIÊN HỆ Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN Hotline: 0919 089 888 Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn Website: www.luatthanhdo.com.vn |
Bình luận