Thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài

Bên cạnh lao động trong nước, lao động nước ngoài cũng là lực lượng quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Tuy nhiên, để người nước ngoài có thể làm việc tại một quốc gia, ngoài hợp đồng lao động, giấy phép lao động cũng là một yếu tố rất được quan tâm. Vậy thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài được thực hiện như thế nào? Hãy cùng Luật Thành Đô tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Bộ Luật Lao động 2019;

- Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam;

- Các văn bản pháp luật có liên quan khác.

II. GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG LÀ GÌ?

Giấy phép lao động là văn bản cho phép người nước ngoài được làm việc hợp pháp tại Việt Nam. Người lao động nước ngoài làm việc trên 03 tháng tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam bắt buộc phải xin giấy phép lao động tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trừ trường hợp quy định tại điều 154 Bộ Luật lao động 2019 bao gồm:

- Là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn theo quy định của Chính phủ.

- Là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn theo quy định của Chính phủ.

- Là Trưởng văn phòng đại diện, dự án hoặc chịu trách nhiệm chính về hoạt động của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.

- Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ.

- Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được.

- Là luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của Luật Luật sư.

- Trường hợp theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

- Trường hợp khác theo quy định của Chính phủ

III. ĐỐI TƯỢNG NÀO ĐƯỢC CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG

Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật khi vào làm việc tại Việt Nam phải làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động. Trong đó:

- Nhà quản lý là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty hoặc là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức.

- Giám đốc điều hành là người đứng đầu và trực tiếp điều hành đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

- Chuyên gia là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam;

+ Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm và có chứng chỉ hành nghề phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam;

+ Trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Lao động kỹ thuật là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành khác ít nhất 01 năm và làm việc ít nhất 03 năm trong chuyên ngành được đào tạo;

+ Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm công việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Nghị định 152/2020/NĐ-CP cũng quy định một số trường hợp không phải xin giấy phép lao động tại Điều 7 như sau:

- Là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.

- Là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.

- Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm: kinh doanh, thông tin, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch, văn hóa giải trí và vận tải.

- Vào Việt Nam làm việc tại vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và không quá 03 lần trong 01 năm,…

IV. THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

4.1. Thành phần hồ sơ

Người nước ngoài có nhu cầu xin cấp giấy phép lao động cần nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 9 Nghị định 152/2020/NĐ-CP bao gồm:

(1) Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động của người sử dụng lao động;

(2) Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe do cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp có giá trị trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ký kết luận sức khỏe đến ngày nộp hồ sơ hoặc giấy chứng nhận có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

(3) Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài hoặc của Việt Nam cấp;

Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự được cấp không quá 06 tháng, kể từ ngày cấp đến ngày nộp hồ sơ;

(4) Văn bản, giấy tờ chứng minh là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật

(5) 02 ảnh màu (kích thước 4 cm x 6 cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.

(6) Văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài trừ những trường hợp không phải xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.

(7) Bản sao có chứng thực hộ chiếu còn giá trị theo quy định của pháp luật.

(8) Các giấy tờ liên quan đến người lao động nước ngoài như quyết định bổ nhiệm, hợp đồng lao động,

Trong trường hợp các giấy tờ trên được cấp bởi cơ quan nướ ngoài thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

4.2. Thời hạn và địa điểm nộp hồ sơ

Trước ít nhất 15 ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc tại Việt Nam, người nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc theo quy định tại Điều 11 Nghị định 152/2020/NĐ-CP.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động dự kiến làm việc cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài. Trường hợp không cấp giấy phép lao động thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

4.3. Lệ phí cấp giấy phép lao động

Căn cứ Điều 5 Thông tư 85/2019/TT-BTC hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì lệ phí cấp giấy phép lao động sẽ do Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương nơi phát sinh hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí, lệ phí.

Sau đây, Luật Thành Đô xin gửi tới Quý vị mức thu lệ phí cấp giấy phép lao động của một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như sau:

STT

Tỉnh, thành

Mức lệ phí

(Đơn vị tính: Việt Nam đồng)

Văn bản quy định

1

Bắc Ninh

600.000

Nghị quyết 80/2017/NQ-HĐND

2

Bình Dương

600.000

Quyết định 53/2016/QĐ-UBND

3

Cần Thơ

400.000

Nghị quyết 02/2016/NQ-HĐND

4

Cao Bằng

600.000

Nghị quyết 79/2016/NQ-HĐND

5

Đà Nẵng

600.000

Nghị quyết 58/2016/NQ-HĐND

6

Đồng Nai

600.000

Nghị quyết 102/2017/NQ-HĐND

7

Đồng Tháp

600.000

Nghị quyết 103/2016/NQ-HĐND

8

Hà Nội

400.000

Nghị quyết 20/2016/NQ-HĐND

9

Hải Phòng

600.000

Quyết định 766/QĐ-UBND năm 2015

10

Thành phố Hồ Chí Minh

600.000

Nghị quyết 11/2017/NQ-HĐND

Trên đây là những tư vấn của Luật Thành Đô về nội dung “thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài”. Nếu Quý vị có bất kỳ thắc mắc liên quan đến thủ tục trên, hãy liên hệ chúng tôi để được hỗ trợ nhanh chóng và chính xác nhất.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận