Thủ tục xin tiếp tục hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sau khi bị đình chỉ

Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh là hoạt động có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng và tâm lý của người bệnh; Vì vậy nên pháp luật có những quy định về việc đình chỉ một phần hoạt động chuyên môn hoặc đình chỉ toàn bộ hoạt động chuyên môn của người hành nghề đối với những trường hợp có sai sót về chuyên môn kỹ thuật. Trong những trường hợp bị đình chỉ, sau khi hết thời hạn này, người hành nghề phải thực hiện thủ tục xin tiếp tục hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sau khi bị đình chỉ để có thể tiếp tục hoạt động chuyên môn.

Xem thêm: Các trường hợp bị đình chỉ hoạt động chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009;

- Thông tư 35/2013/TT-BYT quy định về thu hồi chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động và đình chỉ hoạt động chuyên môn của người hành nghề, cơ sở khám, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;

II. ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC TIẾP TỤC HÀNH NGHỀ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH SAU KHI BỊ ĐÌNH CHỈ

Trước khi tiến hành thủ tục xin tiếp tục hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thì người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Sở Y tế);

- Người hành nghề do Bộ Quốc phòng cấp chứng chỉ hành nghề nhưng có đăng ký hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng;

- Đã chấp hành hết thời gian bị đình chỉ và khắc phục được sai sót chuyên môn;

- Không thuộc trường hợp bị thu hồi chứng chỉ hành nghề, bị đình chỉ một phần hoạt động chuyên môn mà không khắc phục được sai sót;

Lưu ý:

- Các quy định trong bài viết này chỉ áp dụng đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc quản lý của Bộ Y tế/Sở Y tế hoặc người hành nghề do Bộ Quốc phòng cấp chứng chỉ nhưng hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thuộc quản lý của Bộ Quốc Phòng;

- Trường hợp người hành nghề thuộc quản lý của Bộ Quốc Phòng có thể tham khảo thêm bài viết Thủ tục xin tiếp tục hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng;

III. HỒ SƠ XIN TIẾP TỤC HÀNH NGHỀ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH SAU KHI BỊ ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN

Nếu đã đáp ứng các điều kiện mà Luật Thành Đô đã nêu ở mục II của bài viết này, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cần chuẩn bị hồ sơ xin cho phép được tiếp tục hoạt động chuyên môn bao gồm:

(1) Đơn đề nghị được tiếp tục hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo Mẫu;

(2) Bản sao có chứng thực chứng chỉ hành nghề;

(3) Báo cáo về việc khắc phục sai sót chuyên môn kỹ thuật của người hành nghề;

(4) Giấy chứng nhận cập nhật kiến thức y khoa liên tục về chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến sai sót chuyên môn kỹ thuật của người hành nghề trong thời gian bị đình chỉ hoạt động chuyên môn;

(5) Bản sao có chứng thực giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lao động của Việt Nam cấp đối với người hành nghề là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

(6) Giấy ủy quyền trong trường hợp ủy quyền thực hiện thủ tục hành chính;

Số lượng hồ sơ: 01 bộ hồ sơ;

IV. THỦ TỤC CHO PHÉP NGƯỜI HÀNH NGHỀ TIẾP TỤC HÀNH NGHỀ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Sau khi đã hoàn thiện xong hồ sơ xin tiếp tục hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tiến hành thực hiện thủ tục theo các bước như sau:

Bước 1: Người hành nghề gửi 01 bộ hồ sơ quy định về cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ra quyết định đình chỉ hoạt động chuyên môn;

Bước 2: Sau khi nhận được hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền gửi cho người hành nghề Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo quy định;

Bước 3: Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tiến hành thẩm định hồ sơ.

Bước 4: Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản thông báo cho người hành nghề để hoàn chỉnh hồ sơ, trong đó phải nêu cụ thể tài liệu cần bổ sung, nội dung cần sửa đổi. Sau khi nhận được hồ sơ bổ sung, cơ quan nhà nước có thẩm quyền gửi cho người hành nghề Phiếu tiếp nhận hồ sơ bổ sung theo quy định; trường hợp hồ sơ vẫn chưa hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp tục yêu cầu người hành nghề bổ sung cho đến khi hoàn thiện hồ sơ;

Bước 5: Trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải ra quyết định cho phép người hành nghề tiếp tục hoạt động chuyên môn; nếu không cho phép người hành nghề tiếp tục hoạt động chuyên môn thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;

Bước 6: Cơ quan ra quyết định cho phép người hành nghề tiếp tục hoạt động chuyên môn đăng tải thông tin về việc cho phép người hành nghề tiếp tục hoạt động chuyên môn trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan đó và có văn bản thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề đó trong trường hợp cơ quan đã ra quyết định cho phép người hành nghề tiếp tục hoạt động chuyên môn không phải là cơ quan đã cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề đó.

Bước 7: Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh liên hệ cơ quan quản lý chuyên môn để nhận kết quả là Quyết định cho phép người hành nghề tiếp tục hoạt động chuyên môn hoặc Văn bản từ chối;

Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý:

- Cục quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế;

- Sở Y tế tỉnh, thành phố;

Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Thành Đô về thủ tục xin tiếp tục hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sau khi bị đình chỉ hoạt động chuyên môn thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý của Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế. Nếu còn thắc mắc hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ, Quý khách hàng có thể liên hệ hotline 0919 089 888 để được luật sư tư vấn chi tiết.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận