Thủ tục thành lập trường mầm non dân lập

Ngày nay, với sự tăng lên nhanh chóng của dân số, số lượng trẻ em được sinh ra tăng dẫn theo các năm. Vì vậy, nhu cầu về trường mầm non cũng tăng lên, các trường công lập không thể đáp ứng nhu cầu gửi trẻ. Từ đó, các trường mầm non tư thục, dân lập được mở ra và hoạt động ngày càng nhiều, giúp giải quyết vấn đề thiếu trường, thiếu lớp. Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng đủ điều kiện để được cấp phép thành lập trường mầm non dân lập.

Sau đây, Công ty Luật Thành Đô xin trân trọng gửi tới quý khách hàng bài viết hướng dẫn về thủ tục thành lập trường mầm non dân lập.

Thủ tục thành lập trường mầm non dân lập

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật Giáo dục năm 2019

- Nghị định 84/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giáo dục; 

- Thông tư 21/2012/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 06 năm 2012 về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường mầm non dân lập do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

Cùng chuyên mục:

>> Thủ tục thành lập trung tâm ngoại ngữ có vốn nước ngoài

>> Thủ tục thành lập công ty đấu giá hợp danh

>> Thủ tục thành lập bếp ăn công nghiệp

II. ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP TRƯỜNG MẦM NON DÂN LẬP

2.1. Điều kiện để thành lập trường, nhà trẻ dân lập

- Có Đề án thành lập trường phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

-  Đề án thành lập trường mầm non dân lập xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây trường, tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường;

- Có khả năng tài chính, cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu hoạt động và phát triển của nhà trường, nhà trẻ dân lập.

2.2. Điều kiện để trường, nhà trẻ dân lập được phép hoạt động

- Có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đạt tiêu chuẩn, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục mầm non theo quy định của pháp luật;

- Có đất đai, trường sở, cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chủng loại, số lượng, đáp ứng yêu cầu duy trì và phát triển hoạt động giáo dục;

- Địa điểm xây dựng nhà trường, nhà trẻ dân lập đảm bảo môi trường giáo dục, an toàn cho trẻ em, giáo viên và người lao động;

- Có tài liệu chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Có quyết định cho phép thành lập trường mầm non dân lập;

- Có Quy chế tổ chức, hoạt động và chi tiêu nội bộ của nhà trường, nhà trẻ dân lập.

2.3. Hiệu lực của quyết định thành lập nhà trường, nhà trẻ

Trong thời hạn tối đa 02 (hai) năm kể từ ngày có quyết định thành lập, nếu nhà trường, nhà trẻ dân lập có đủ các điều kiện như trên thì được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục; hết thời hạn quy định, nếu không đủ điều kiện cho phép hoạt động giáo dục thì quyết định cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ dân lập hết hiệu lực.

III. THỦ TỤC THÀNH LẬP TRƯỜNG MẦM NON DÂN LẬP

3.1. Hồ sơ thành lập trường mầm non dân lập

Căn cứ vào các quy định của pháp luật tại Thông tư 21/2012/TT-BGDĐT, thành phần hồ sơ đề nghị cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ dân lập gồm:

(1) Tờ trình đề nghị cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ dân lập của người đại diện cộng đồng dân cư đứng tên xin phép thành lập trường. Tờ trình cần có các nội dung như sau:

+ Nêu rõ sự cần thiết thành lập;

+ Tên nhà trường, nhà trẻ;

+ Địa điểm dự kiến làm trụ sở tổ chức thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ của nhà trường, nhà trẻ dân lập;

(2) Đề án thành lập nhà trường, nhà trẻ dân lập gồm các nội dung:

+ Xác định sự phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục;

+ Mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục;

+ Xác định nguồn gốc sử dụng hợp pháp đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị;

+ Cơ cấu tổ chức bộ máy hoạt động;

+ Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý;

+ Các nguồn lực và tài chính;

+ Quy hoạch, kế hoạch và các giải pháp xây dựng, phát triển nhà trường, nhà trẻ trong từng giai đoạn.

Đề án nêu rõ dự kiến tổng số vốn để thực hiện kế hoạch và bảo đảm hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ trong 03 (ba) năm đầu thành lập và các năm tiếp theo, có thuyết minh rõ về tính khả thi và hợp pháp của các nguồn vốn đầu tư xây dựng và phát triển nhà trường, nhà trẻ dân lập trong từng giai đoạn;

(3) Văn bản xác nhận của cấp có thẩm quyền về khả năng tài chính, cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu hoạt động của nhà trường, nhà trẻ. Có văn bản phù hợp với pháp luật hiện hành xác định nguồn gốc đất hoặc chủ trương giao đất, mượn đất hoặc hợp đồng nguyên tắc cho thuê đất, thuê nhà làm trụ sở xây dựng nhà trường, nhà trẻ dân lập với thời hạn dự kiến thuê tối thiểu 05 (năm) năm;

(4) Bản dự thảo quy hoạch tổng thể mặt bằng và sơ đồ thiết kế sơ bộ các công trình kiến trúc xây dựng trên khu đất xây dựng nhà trường, nhà trẻ dân lập hoặc thiết kế các công trình kiến trúc (nếu đã có trường sở), bảo đảm phù hợp với quy mô giáo dục và tiêu chuẩn diện tích sử dụng phục vụ việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

- Số lượng hồ sơ: 01 bộ hồ sơ.

3.2. Cơ quan hành chính thực hiện thủ tục

- Cơ quan trực tiếp tiếp nhận hồ sơ, thẩm định hồ sơ: Phòng Giáo dục và Đào tạo;

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp ra quyết định cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ dân lập.

3.3. Trình tự xin cấp phép thành lập trường mầm non dân lập

- Bước 1: Người đại diện cộng đồng dân cư đứng tên xin phép thành lập nhà trường, nhà trẻ dân lập nộp hồ sơ tới Phòng Giáo dục và Đào tạo;

- Bước 2: Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các phòng chuyên môn có liên quan thẩm định hồ sơ và các điều kiện thực tế để thành lập nhà trường, nhà trẻ theo quy định của pháp luật;

- Bước 3: Phòng Giáo dục và Đào tạo sau khi thẩm định hồ sơ và các điều kiện thực tế khác sẽ trình hồ sơ lên Ủy ban nhân dân huyện;

- Bước 4:  Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm định bằng văn bản của Phòng giáo dục và đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét và ra quyết định;

- Bước 5: Trả kết quả

+ Nếu nhà trường, nhà trẻ đáp ứng được đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện ra quyết định cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ dân lập.

+ Nếu không đáp ứng đủ điều kiện thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có văn bản thông báo cho Phòng giáo dục và đào tạo và cộng đồng dân cư xin thành lập nhà trường, nhà trẻ dân lập, nêu rõ lý do và hướng giải quyết (nếu có).

3.4. Cách thức thực hiện thủ tục

- Người đại diện cộng đồng dân cư nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện bộ hồ sơ đề nghị cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ dân lập đến Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Thủ tục thành lập trường mầm non dân lập

IV. MỘT SỐ LƯU Ý KHI THÀNH LẬP TRƯỜNG MẦM NON DÂN LẬP

Các trường hợp nhà trường, nhà trẻ dân lập bị đình chỉ hoạt động giáo dục:

- Không đảm bảo chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ;

- Không đảm bảo an toàn về tính mạng cho trẻ em và cán bộ, giáo viên, nhân viên;

- Vi phạm quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính về giáo dục ở mức độ hải đình chỉ;

- Không bảo đảm các điều kiện do pháp luật quy định;

- Có hành vi gian lận để được cho phép hoạt động giáo dục;

- Người cho phép hoạt động giáo dục không đúng thẩm quyền;

- Không triển khai hoạt động giáo dục trong thời hạn 06 (sáu) tháng, kể từ ngày được cho phép hoạt động giáo dục;

Trên đây là toàn bộ hướng dẫn về thủ tục thành lập trường mầm non dân lập mà Công ty Luật Thành Đô gửi tới quý khách hàng và các bạn đọc. Nếu có bất kỳ vướng mắc nào về thủ tục này, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn giải đáp.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận