Điều kiện của Nhà đầu tư nước ngoài

Để có thể thực hiện các đầu tư dự án tại thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện đối với nhà đầu tư theo quy định pháp luật. Điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được quy định chi tiết tại Luật đầu tư và các văn bản pháp lý khác có liên quan. Để làm rõ từng điều kiện và nguyên tắc áp dụng trong thực tế, Luật Thành Đô trân trọng gửi đến quý khách hàng bài viết Điều kiện của Nhà đầu tư nước ngoài.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật đầu tư số 61/2020/QH14;

- Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;

- Văn bản pháp lý khác có liên quan.

Điều kiện của Nhà đầu tư nước ngoài

II. ĐIỀU KIỆN CỦA NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam dưới các hình thức: thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; thực hiện dự án đầu tư; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC và các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.

Với các hình thức đầu tư đó, điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài bao gồm các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, Điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;

Thứ hai, Điều kiện về hình thức đầu tư;

Thứ ba, Điều kiện về phạm vi hoạt động đầu tư;

Thứ tư, Điều kiện về đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;

Thứ năm, Điều kiện khác theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ quốc hội, nghị định của chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam là thành viên.

III. NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG ĐIỀU KIỆN CỦA NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam phải tuân thủ các nguyên tắc đầu tư sau đây:

(1) Nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, trừ những ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Phụ lục I của Nghị định 31/2020/NĐ-CP.

(2) Nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư trong các ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường theo quy định tại Mục A Phụ lục I của Nghị định 31/2020/NĐ-CP.

(3) Đối với các ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Mục B Phụ lục I của Nghị định 31/2020/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường được đăng tải theo quy định tại Điều 18 Nghị định 31/2020/NĐ-CP

(4) Điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề Việt Nam chưa cam kết về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng như sau:

- Trường hợp các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ (sau đây gọi chung là pháp luật Việt Nam) không có quy định hạn chế tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề đó thì nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước;

- Trường hợp pháp luật Việt Nam đã có quy định về hạn chế tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành, nghề đó thì áp dụng quy định của pháp luật Việt Nam.

(5) Trường hợp các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ được ban hành (sau đây gọi chung là văn bản mới ban hành) có quy định về điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài đối với các ngành, nghề Việt Nam chưa cam kết theo quy định tại mục (4) thì các điều kiện đó được áp dụng như sau:

- Nhà đầu tư nước ngoài đã được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường trước ngày văn bản mới ban hành có hiệu lực được tiếp tục thực hiện hoạt động đầu tư theo các điều kiện đó. Trường hợp thành lập tổ chức kinh tế mới, thực hiện dự án đầu tư mới, nhận chuyển nhượng dự án đầu tư, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác, đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, ngành, nghề mà theo quy định của văn bản mới ban hành phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài thì phải đáp ứng điều kiện đó. Trong trường hợp này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền không xem xét lại điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề mà nhà đầu tư đã được chấp thuận trước đó;

- Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư sau thời điểm văn bản mới được ban hành có hiệu lực phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của văn bản đó.

(6) Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư thuộc các ngành, nghề khác nhau quy định tại Phụ lục I Nghị định 31/2020/NĐ-CP phải đáp ứng toàn bộ điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề đó.

(7) Nhà đầu tư nước ngoài thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ không phải là thành viên WTO thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên WTO, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế giữa Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ đó có quy định khác.

(8) Nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng điều chỉnh của điều ước quốc tế về đầu tư có quy định về điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư đó thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật Việt Nam thì được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường theo điều ước đó.

(9) Nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của các điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về điều kiện tiếp cận thị trường thì được lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường đối với tất cả các ngành, nghề kinh doanh theo một trong các điều ước đó. Trường hợp đã lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường theo một điều ước quốc tế về đầu tư (gồm cả điều ước được ký mới hoặc được sửa đổi, bổ sung sau ngày điều ước đó có hiệu lực mà nhà đầu tư đó thuộc đối tượng áp dụng) thì nhà đầu tư nước ngoài thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo toàn bộ quy định của điều ước đó.

(10) Hạn chế về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các điều ước quốc tế về đầu tư được áp dụng như sau:

- Trường hợp nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế và thuộc đối tượng áp dụng của một hoặc nhiều điều ước quốc tế về đầu tư thì tổng tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế đó không được vượt quá tỷ lệ cao nhất theo quy định của một điều ước quốc tế có quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với một ngành, nghề cụ thể;

- Trường hợp nhiều nhà đầu tư nước ngoài thuộc cùng một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế thì tổng tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư đó không được vượt quá tỷ lệ sở hữu quy định tại điều ước quốc tế về đầu tư áp dụng đối với các nhà đầu tư đó;

- Đối với công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hoặc quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán, trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán;

- Trường hợp tổ chức kinh tế có nhiều ngành, nghề kinh doanh mà điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế đó không vượt quá hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với ngành, nghề có hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp nhất.

(11) Trường hợp có nội dung khác nhau giữa Danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài với các quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì thực hiện theo quy định tại luật, nghị quyết, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế.

Điều kiện của Nhà đầu tư nước ngoài

Trên đây là tư vấn của Luật Thành Đô liên quan đến điều kiện của Nhà đầu tư nước ngoài. Nếu quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc nào, vui lòng liên hệ Luật Thành Đô để được hỗ trợ tư vấn, giải đáp chi tiết.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận