Giấy phép hoạt động bệnh viện đa khoa: Tư vấn chi tiết 2023

Bệnh viện đa khoa tư nhân là một trong những loại hình cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay theo quy định của pháp luật Việt Nam. Bệnh viện tư nhân thường được đánh giá dựa trên chất lượng dịch vụ y tế, sự tiện lợi và khả năng cạnh tranh với bệnh viện công lập. Các bệnh viện tư nhân thường cung cấp các dịch vụ chuyên khoa, phẫu thuật và điều trị tập trung vào lợi ích của bệnh nhân và sự tiến bộ y tế.

Theo đó, đơn vị cung cấp dịch vụ y tế nếu đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy mô – tổ chức cũng như nhân sự sẽ được cấp giấy phép hoạt động bệnh viện đa khoa nhằm cung cấp dịch vụ y tế tổng quan và đầy đủ nhất đối với khách hàng.

Luật Thành Đô kính gửi Quý khách hàng tư vấn chi tiết về giấy phép hoạt động bệnh viện đa khoa theo quy định năm 2023 để quý khách hàng tham khảo.

1. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009;

- Nghị định 87/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khám, chữa bệnh;

- Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh;

- Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;

- Thông tư 278/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực y tế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;

- Thông tư 35/2019/TT-BYT quy định về phạm vi hoạt động chuyên môn đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;

- Một số văn bản khác có liên quan;

2. GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA LÀ GÌ?

Giấy phép hoạt động bệnh viện đa khoa là một loại giấy phép cần thiết để một bệnh viện đa khoa được hoạt động và cung cấp dịch vụ y tế cho cộng đồng. Giấy phép này được cấp bởi Bộ Y tế.

Giấy phép hoạt động bệnh viện đa khoa đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo bệnh viện tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn y tế được đặt ra. Quá trình xin giấy phép này yêu cầu bệnh viện tuân thủ các quy trình và điều kiện nghiêm ngặt bao gồm:

- Đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng y tế: Bệnh viện đa khoa phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng y tế theo quy định pháp luật hiện hành. Điều này bao gồm cơ sở vật chất, quy mô, tổ chức, trang thiết bị y tế, quy trình vận hành, chất lượng dịch vụ y tế và đội ngũ nhân viên y tế chuyên nghiệp.

- Hồ sơ xin cấp phép hoạt động bệnh viện đa khoa và tài liệu kèm theo: Bệnh viện cần chuẩn bị hồ sơ và tài liệu đầy đủ để xin giấy phép hoạt động. Các tài liệu này bao gồm các giấy tờ pháp lý của tổ chức, bản thiết kế và bản vẽ kỹ thuật, danh sách đội ngũ y tế và nhân viên, kế hoạch tài chính, quy trình vận hành, chính sách bảo đảm chất lượng y tế và an toàn…

- Kiểm tra và đánh giá: Bệnh viện sẽ được kiểm tra và đánh giá bởi hội đồng thẩm định được Bộ y tế thành lập. Quá trình này có thể bao gồm kiểm tra cơ sở vật chất, đánh giá đội ngũ y tế và chuyên gia, đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn y tế và chất lượng.

- Tuân thủ quy định và quy trình: Bệnh viện đa khoa phải tuân thủ các quy định và quy trình pháp lý liên quan đến hoạt động y tế. Điều này bao gồm duy trì hồ sơ hoạt động, thực hiện kiểm tra và giám sát định kỳ và tuân thủ.

3. ĐIỀU KIỆN XIN CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA

Căn cứ theo quy định tại điều 23 Nghị định 109/2016/NĐ-CP, Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung quy định điều kiện cấp giấy phép hoạt động bệnh viện đa khoa như sau:

3.1. Quy mô bệnh viện của bệnh viện đa khoa

- Bệnh viện đa khoa phải có ít nhất là 30 giường bệnh; Có tổng diện tích sàn xây dựng tối thiểu là 1.500m2;

3.2. Cơ sở vật chất của bệnh viện đa khoa

Bệnh viện phải được thiết kế, xây dựng đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Có địa điểm đặt bệnh viện đa khoa cố định;

- Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ;

- Bảo đảm các điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật;

- Phải bố trí khu vực tiệt trùng để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại, trừ trường hợp không có dụng cụ phải tiệt trùng lại hoặc có hợp đồng với cơ sở y tế khác để tiệt trùng dụng cụ;

- Bố trí các khoa, phòng, hành lang bảo đảm hoạt động chuyên môn theo mô hình tập trung, liên hoàn, khép kín trong phạm vi khuôn viên của bệnh viện;

- Bảo đảm diện tích sàn xây dựng ít nhất là 50 m2/giường bệnh trở lên; chiều rộng mặt trước (mặt tiền) bệnh viện phải đạt ít nhất là 10 m;

- Có máy phát điện dự phòng;

- Bảo đảm các điều kiện về xử lý chất thải y tế theo quy định của pháp luật về môi trường.

3.3. Thiết bị y tế của bệnh viện đa khoa

- Có đủ trang thiết bị y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở;

- Có đủ phương tiện vận chuyển cấp cứu trong và ngoài bệnh viện;

- Hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động và có phạm vi hoạt động chuyên môn về cung cấp dịch vụ cấp cứu hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong trường hợp không có phương tiện cấp cứu ngoài bệnh viện.

3.4. Tổ chức của bệnh viện đa khoa

Bệnh viện đa khoa phải tổ chức phân chia tối thiểu bao gồm các khoa, phòng sau:

(1) Khoa chuyên môn: Có ít nhất 02 trong 04 khoa nội, ngoại, sản, nhi; Ví dụ: Khoa ngoại; Khoa nội; Khoa mắt...

(2) Khoa khám bệnh: Có nơi tiếp đón người bệnh, phòng cấp cứu, lưu bệnh, phòng khám, phòng tiểu phẫu (nếu thực hiện tiểu phẫu);

(3) Khoa cận lâm sàng: Có ít nhất một phòng xét nghiệm và một phòng chẩn đoán hình ảnh;

(4) Khoa dược;

(5) Các khoa, phòng chuyên môn khác trong bệnh viện phải phù hợp với quy mô, chức năng nhiệm vụ;

(6) Có các phòng, bộ phận để thực hiện các chức năng về kế hoạch tổng hợp, tổ chức nhân sự, quản lý chất lượng, điều dưỡng, tài chính kế toán và các chức năng cần thiết khác.

3.5. Nhân sự của bệnh viện đa khoa

Bệnh viện đa khoa phải có các nhân sự kèm theo các điều kiện, tiêu chuẩn đối với các nhân sự như sau:

- Tối thiểu 01 (một) người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật đáp ứng các điều kiện sau:

+ Là người hành nghề cơ hữu tại bệnh viện đa khoa;

+ Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với ít nhất một trong các chuyên khoa lâm sàng của bệnh viện đa khoa;

+ Có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc có thời gian trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng;

+ Được phân công, bổ nhiệm bằng văn bản;

- Trưởng các khoa chuyên môn của bệnh viện đa khoa phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Là người hành nghề cơ hữu tại bệnh viện đa khoa;

+ Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp phạm vi hoạt động chuyên môn của bệnh viện đa khoa;

+ Có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc có thời gian trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng;

+ Được phân công, bổ nhiệm bằng văn bản;

- Các đối tượng khác làm việc trong bệnh viện đa khoa nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và chỉ được thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công;

- Số lượng người hành nghề làm việc toàn thời gian (cơ hữu) trong từng khoa phải đạt tỷ lệ ít nhất là 50% trên tổng số người hành nghề trong khoa;

-  Nhân sự khác của bệnh viện đa khoa thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và chỉ được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công.  

- Kỹ thuật viên xét nghiệm có trình độ đại học được đọc và ký kết quả xét nghiệm. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có bác sỹ chuyên khoa xét nghiệm hoặc kỹ thuật viên xét nghiệm có trình độ đại học thì bác sỹ chỉ định xét nghiệm đọc và ký kết quả xét nghiệm;

- Cử nhân X-Quang có trình độ đại học được đọc và mô tả hình ảnh chẩn đoán. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có bác sỹ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh hoặc bác sỹ X-Quang thì bác sỹ chỉ định kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đọc và ký kết quả chẩn đoán hình ảnh;

- Các đối tượng khác tham gia vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh nhưng không cần phải cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh thì được phép thực hiện các hoạt động theo phân công của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (kỹ sư vật lý y học, kỹ sư xạ trị, âm ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu và các đối tượng khác), việc phân công phải phù hợp với văn bằng chuyên môn của người đó.

4. HỒ SƠ XIN CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA VÀ CÁC TÀI LIỆU CẦN CUNG CẤP

Căn cứ khoản 1 điều 43 Nghị định 109/2016/NĐ-CP về hồ sơ xin cấp phép hoạt động, theo đó Bệnh viện đa khoa cần xây dựng và chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm các tài liệu để xin cấp giấy phép hoạt động như sau:

(1) Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động bệnh viện đa khoa;

(2) Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với bệnh viện đa khoa có vốn Việt Nam hoặc giấy chứng nhận đầu tư đối với bệnh viện đa khoa có vốn đầu tư nước ngoài;

(3) Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với ít nhất 01 trong các khoa mà bệnh viện dự kiến hoạt động của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện đa khoa;

(4) Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với khoa của người phụ trách bộ phận chuyên môn của bệnh viện đa khoa;

(5) Danh sách đăng ký người hành nghề tại bệnh viện đa khoa bao gồm đăng ký người hành nghề và người làm việc chuyên môn y tế tại bệnh viện đa khoa nhưng không thuộc diện phải cấp chứng chỉ hành nghề;

(6) Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức và nhân sự của bệnh viện đa khoa;

(7) Tài liệu chứng minh bệnh viện đa khoa đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức nhân sự phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà bệnh viện đa khoa đăng ký theo quy định;

(8) Điều lệ tổ chức và hoạt động và phương án hoạt động ban đầu đối với bệnh viện đa khoa;

(9) Bản sao hợp lệ hợp đồng vận chuyển người bệnh đối với bệnh viện đa khoa mà không có phương tiện vận chuyển cấp cứu ngoài cơ sở hoặc tài liệu chứng minh quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp xe vận chuyển người bệnh;

(10) Danh mục chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện đa khoa đề xuất trên cơ sở danh mục chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;

Ngoài ra, khi thẩm định cơ sở, Đoàn thẩm định có thể yêu cầu bệnh viện đa khoa chuẩn bị các tài liệu chứng minh về nguồn gốc máy móc – hóa đơn chứng từ chứng minh, hợp đồng lao động và bảo hiểm xã hội với nhân viên, các hệ thống xử lý chất thải, nước thải cũng như các trang thiết bị thực tế của cơ sở hiện nay.

5. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA

Bệnh viện đa khoa cần thực hiện các thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động như sau:

Bước 1: Thành lập doanh nghiệp hoặc thực hiện các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với hoạt động bệnh viện đa khoa;

Bước 2: Xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, máy móc phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn dự kiến của bệnh viện đa khoa;

Bước 3: Tìm kiếm, tuyển dụng các bác sĩ, người hành nghề đảm nhận các vị trí phụ trách chuyên môn, trưởng các khoa của bệnh viện đa khoa, các bộ phận hỗ trợ khác trong bệnh viện;

Bước 4: Xin cấp các giấy phép liên quan đến phòng cháy chữa cháy, giấy phép tiến hành công việc bức xạ, giấy phép môi trường liên quan đến hoạt động của bệnh viện;

Bước 5: Chuẩn bị 01 hồ sơ, nộp tới Cục quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế qua hình thức nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện;

Bước 6: Tiến hành chuẩn bị hồ sơ, cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự để tiếp đón đoàn thẩm định của Bộ y tế nhằm xác minh sự chính xác giữa các hồ sơ, tài liệu đối với cơ sở vật chất, nhân sự trên thực tế;

Bước 7: Cục quản lý khám, chữa bệnh trình Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động bệnh viện đa khoa;

Bước 8: Doanh nghiệp nhận giấy phép trực tiếp tại bộ phận một cửa của Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế hoặc tại địa chỉ doanh nghiệp theo đường chuyển phát nhanh;

Trên đây là toàn bộ tư vấn, hướng dẫn chi tiết của Luật Thành Đô liên quan đến thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động bệnh viện đa khoa theo pháp luật hiện hành.

Lưu ý rằng quy trình và yêu cầu cụ thể có thể thay đổi theo từng khu vực, từng phạm vi hoạt động và từng thời điểm. Để đảm bảo rằng quý khách hàng có thông tin chính xác và đầy đủ, Quý khách hàng nên liên hệ trực tiếp với cơ quan chức năng hoặc tư vấn từ luật sư của Luật Thành Đô để được hỗ trợ chi tiết và cập nhật về thủ tục cụ thể tại thời điểm hiện tại.

Bài viết khác liên quan tham khảo:

Thủ tục cấp giấy phép hoạt động bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng 2023

Thủ tục cấp giấy phép hoạt động bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng 2023

Giấy phép hoạt động bệnh viện chuyên khoa ung bướu: Tư vấn thủ tục 2023

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận