Hết hạn giấy phép đầu tư phải làm gì?

Khi hết hạn giấy phép đầu tư nhà đầu tư phải tiến hành thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để gia hạn giấy phép đầu tư nếu còn nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án. Trường hợp hết hạn nhưng dự án đầu tư vẫn hoạt động, nhà đầu tư không tiến hành thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư sẽ bị xử phạt theo quy định. Bài viết dưới đây của Công ty Luật Thành Đô sẽ giúp các nhà đầu tư nắm rõ hơn về nội dung “Hết hạn giấy phép đầu tư phải làm gì?”.

Hết hạn giấy phép đầu tư phải làm gì?

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật Đầu tư năm 2020;

- Nghị định 31/2021/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 26/03/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;

- Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 09/04/2021 quy định mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư;

- Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Xem thêm:

>> Điều kiện gia hạn giấy phép đầu tư

>> Hồ sơ gia hạn giấy phép đầu tư

>> Thủ tục gia hạn giấy phép đầu tư

II. QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN GIA HẠN GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ KHI HẾT HẠN GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ

2.1. Thời hạn tối đa của giấy phép đầu tư

Thời hạn hoạt động của dự án đầu được tính từ ngày nhà đầu tư được cấp Quyết định chấp thuận nhà đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu. Đối với dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thì thời hạn hoạt động của dự án được tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất. Trường hợp nhà đầu tư đã có quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chậm được bàn giao đất thì thời hạn hoạt động của dự án đầu tư được tính từ ngày bàn giao đất trên thực địa. Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư được điều chỉnh tăng hoặc giảm thời hạn hoạt động của dự án đầu tư. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư sau khi điều chỉnh không được vượt quá quy định chung về thời hạn tối đa của dự án đầu tư. Căn cứ mục tiêu, quy mô, địa điểm, yêu cầu hoạt động của dự án đầu tư, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư xem xét, quyết định thời hạn hoạt động, điều chỉnh thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.

Theo Điều 44 Luật đầu tư 2020 quy định thời hạn hoạt động tối đa của các dự án đầu tư tại Việt Nam cụ thể là không quá 70 năm đối với dự án trong khu kinh tế; 50 năm đối với dự án ngoài khu kinh tế; 70 năm đối với dự án ngoài khu kinh tế thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc dự án đầu tư có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm. Đối với dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng nhà đầu tư chậm được bàn giao đất thì thời gian Nhà nước chậm bàn giao đất không tính vào thời hạn hoạt động, tiến độ thực hiện của dự án đầu tư. Khi hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư (hết hạn giấy phép đầu tư) mà nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án đầu tư và đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật thì được xem xét gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư nhưng không quá thời hạn tối đa quy định nêu trên.

2.2. Các điều kiện để gia hạn giấy phép đầu tư khi hết hạn giấy phép đầu tư

Để được gia hạn, dự án đầu tư phải đáp ứng những điều kiện nhất định, bao gồm:

(1) Không thuộc trường hợp các dự án đầu tư không được phép gia hạn, có hai trường hợp dự án đầu tư không được phép gia hạn khi hết hạn giấy phép đầu tư bao gồm: dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên và dự án đầu tư thuộc trường hợp nhà đầu tư phải chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước Việt Nam hoặc bên Việt Nam.

(2) Điều kiện về góp vốn: Tính đến thời điểm xin gia hạn dự án đầu tư, dự án đã góp đủ vốn theo quy định của pháp luật hiện hành và thực hiện đủ các báo cáo đầu tư, các điều kiện khác theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của doanh nghiệp.

(3) Điều kiện về quy hoạch: Phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (nếu có); phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển đô thị, chương trình kế hoạch phát triển nhà ở (đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị);

(4) Điều kiện về đất đai: Đáp ứng điều kiện giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai (đối với trường hợp đề nghị gia hạn sử dụng đất).

(5) Các điều kiện khác theo từng dự án đầu tư cụ thể.

- Các trường hợp không được phép gia hạn giấy phép đầu tư khi hết hạn giấy phép đầu tư

Căn cứ quy định tại Điều 44 Luật đầu tư 2020 hiện nay có 02 trường hợp dự án đầu tư không được phép gia hạn bao gồm:

+ Dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên;

+ Dự án đầu tư thuộc trường hợp nhà đầu tư phải chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước Việt Nam hoặc bên Việt Nam.

III. THỦ TỤC GIA HẠN GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ KHI HẾT HẠN GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ

 3.1. Đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư

- Hồ sơ bao gồm: nhà đầu tư chuẩn bị 04 bộ hồ sơ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc Cơ quan đăng ký đầu tư tương ứng với thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, bao gồm:

(1) Văn bản đề nghị gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư;

(2) Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Quyết định chấp thuận nhà đầu tư hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương;

(3) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương;

(4) Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;

- Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ cho cơ quan quản lý đất đai và các cơ quan có liên quan để lấy ý kiến. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến về việc đáp ứng điều kiện. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư xem xét điều kiện gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư để lập báo cáo thẩm định trình cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư, cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư quyết định gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.

Hết hạn giấy phép đầu tư phải làm gì?

3.2. Đối với dự án đầu tư không thuộc diện điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư

Trường hợp dự án đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư nộp 04 bộ hồ sơ như danh sách hồ sơ tại mục 3.1 nêu trên cho Cơ quan đăng ký đầu tư. Cơ quan đăng ký đầu tư thực hiện thủ tục để gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.

Đối với dự án đầu tư có sử dụng đất, trong thời hạn tối thiểu 06 tháng trước khi hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Thành Đô về việc: “Hết hạn giấy phép đầu tư phải làm gì?”. Nếu còn bất kỳ vướng mắc nào liên quan, đề nghị Quý khách hàng liên hệ với Luật Thành Đô để được tư vấn miễn phí./.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận