Thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp sử dụng tài sản trên đất để góp vốn vào doanh nghiệp

Trong trường hợp nhà đầu tư sử dụng tài sản trên đất của dự án đầu tư để góp vốn vào doanh nghiệp, nhà đầu tư phải tiến hành thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư. Tuy nhiên không phải nhà đầu tư nào cũng nắm rõ được các quy định của pháp luật về loại thủ tục này. Bài viết Thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp sử dụng tài sản trên đất để góp vốn vào doanh nghiệp của Luật Thành Đô hy vọng sẽ giúp nhà đầu tư và quý khách hàng hiểu thêm về thủ tục này.

Thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp sử dụng tài sản trên đất để góp vốn vào doanh nghiệp

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật đầu tư 2020;

- Luật doanh nghiệp 2020;

- Luật đất đai 2013;

- Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật đầu tư;

- Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;

- Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành bộ luật dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ;

-Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT quy định biểu mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư;

- Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp;

- Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

II. QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG TÀI SẢN TRÊN ĐẤT ĐỂ GÓP VỐN VÀO DOANH NGHIỆP

- Khoản 4 Điều 3 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định: Tài sản gắn liền với đất (còn gọi là “Tài sản trên đất”) bao gồm: nhà ở, công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở; nhà ở riêng lẻ theo quy định của Luật Nhà ở; công trình xây dựng khác; cây lâu năm, rừng sản xuất là rừng trồng hoặc vật khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật;

- Khoản 1 Điều 104 Luật đất đai 2013 quy định: Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, bao gồm: nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng và cây lâu năm. Các loại tài sản này phải có tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

- Theo quy định tài Điều 34 Luật doanh nghiệp 2020: Tài sản góp vốn vào doanh nghiệp có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Như vậy, có thể hiểu, tài sản trên đất vẫn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định, nhà đầu tư có thể sử dụng tài sản trên đất để góp vốn vào doanh nghiệp.

Tuy nhiên nhà đầu tư đó phải là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản trên đất. Giá trị tài sản trên đất dùng để góp vốn vào doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá.

- Thủ tục sử dụng tài sản trên đất để góp vốn vào doanh nghiệp thực hiện qua 2 bước như sau:

Bước 1: Đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật doanh nghiệp;

Bước 2: Nhà đầu tư góp vốn nộp hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư và thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư.

III. THỦ TỤC ĐIỀU CHỈNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ TRONG TRƯỜNG HỢP SỬ DỤNG TÀI SẢN TRÊN ĐẤT ĐỂ GÓP VỐN VÀO DOANH NGHIỆP

Trường hợp 1: Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và việc góp vốn làm thay đổi nội dung Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Thay đổi mục tiêu đã được quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư; bổ sung mục tiêu thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư;

+ Thay đổi quy mô diện tích đất sử dụng trên 10% hoặc trên 30 ha, thay đổi địa điểm đầu tư;

+ Thay đổi tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên làm thay đổi quy mô dự án đầu tư;

+ Kéo dài tiến độ thực hiện dự án đầu tư mà tổng thời gian đầu tư dự án vượt quá 12 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu;

+ Điều chỉnh thời hạn hoạt động của dự án đầu tư;

+ Thay đổi công nghệ đã được thẩm định, lấy ý kiến trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư;

+ Thay đổi nhà đầu tư của dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư trước khi dự án khai thác, vận hành hoặc thay đổi điều kiện đối với nhà đầu tư (nếu có).

- Trong trường hợp này, đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Chính Phủ thì nhà đầu tư nộp 08 bộ hồ sơ theo quy định tại Mục IV cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì nhà đầu tư nộp 04 bộ hồ sơ theo quy định tại Mục IV cho Cơ quan đăng ký đầu tư; đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thì nhà đầu tư nộp 04 bộ hồ sơ theo quy định tại Mục IV cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế để thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án.

- Trường hợp góp một phần tài sản trên đất không thuộc một trong các trường hợp quy định như trên Trường hợp 1 thì nhà đầu tư góp vốn không phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Trường hợp 2: Đối với dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thuộc trường hợp quy định như trên Trường hợp 1, trường hợp việc góp vốn làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư góp vốn nộp 01 bộ hồ sơ quy định tại Mục IV cho Cơ quan đăng ký đầu tư để thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư.

Trường hợp 3: Trường hợp thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì nhà đầu tư và tổ chức kinh tế đó phải đáp ứng các điều kiện theo quy định. Tổ chức kinh tế do nhà đầu tư thành lập được kế thừa quyền và nghĩa vụ thực hiện dự án đầu tư của nhà đầu tư đó. Nhà đầu tư thành lập tổ chức kinh tế thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định tương ứng như 2 trường hợp trên.

Thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp sử dụng tài sản trên đất để góp vốn vào doanh nghiệp

IV. HỒ SƠ ĐIỀU CHỈNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ TRONG TRƯỜNG HỢP SỬ DỤNG TÀI SẢN TRÊN ĐẤT ĐỂ GÓP VỐN VÀO DOANH NGHIỆP

Thành phần hồ sơ bao gồm:

(1) Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;

(2) Báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư đến thời điểm góp vốn;

(3) Thỏa thuận của các cổ đông, thành viên về việc sử dụng tài sản trên đất đất thuộc dự án đầu tư để góp vốn thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đang hoạt động;

(4) Bản sao tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư góp vốn, nhà đầu tư nhận góp vốn;

(5) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư (nếu có) của bên góp vốn;

(6) Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

(7) Văn bản ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác thực hiện thủ tục (nếu có).

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Thành Đô liên quan đến Hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư trong trường hợp sử dụng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất để góp vốn vào doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh. Quý khách hàng vui lòng tham khảo bài viết, nếu có bất kỳ vướng mắc nào liên quan vui lòng liên hệ Luật Thành Đô để được tư vấn và hỗ trợ.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận