Thủ tục đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2024
- 18/07/2024
- Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
- 0 Nhận xét
Hiện nay, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (Xuất khẩu lao động) theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề đang ngày càng được đẩy mạnh. Đây được xem là một kênh quan trọng để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề của người lao động trong nước thông qua đó góp phần phát triển nguồn nhân lực của đất nước, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động và doanh nghiệp đưa người lao động đi thực tập ở nước ngoài đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trên thế giới. Vì vậy, để các Quý doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động hiểu rõ hơn về các thủ tục đưa người lao động đi thực tập nâng cao tay nghề ở nước ngoài, Luật Thành Đô xin gửi tới các Quý doanh nghiệp bài viết “Thủ tục đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài” để các Quý doanh nghiệp có thể tham khảo.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
1. Bộ luật lao động 2019;
2. Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020;
3. Nghị định 112/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
4. Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
II. ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN
- Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài;
- Người lao động đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài.
III. ĐIỀU KIỆN ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI ĐÀO TẠO, NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ, KỸ NĂNG NGHỀ Ở NƯỚC NGOÀI
Doanh nghiệp Việt Nam chỉ được đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
1. Có hợp đồng nhận lao động thực tập với cơ sở tiếp nhận thực tập ở nước ngoài để đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài phù hợp với quy định tại Điều 37 của Luật số 69/2020/QH13 và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 39 của Luật số 69/2020/QH13 chấp thuận.
2. Có tiền ký quỹ thực hiện hợp đồng nhận lao động thực tập theo quy định. Cụ thể là:
- Doanh nghiệp thực hiện việc ký quỹ tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
- Mức tiền ký quỹ bằng 10% một lượt vé máy bay hạng phổ thông từ nơi làm việc về Việt Nam tính theo số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong Hợp đồng nhận lao động thực tập.
3. Chỉ được đưa người lao động có hợp đồng lao động và hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề tại cơ sở tiếp nhận thực tập ở nước ngoài theo hợp đồng nhận lao động thực tập.
4. Ngành, nghề, công việc cụ thể người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài phải phù hợp với lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.
IV. TRÌNH TỰ THỰC HIỆN
Bước 1: Ký kết Hợp đồng nhận lao động thực tập với cơ sở tiếp nhận thực tập ở nước ngoài
- Hợp đồng nhận lao động thực tập được ký kết bởi doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài và cơ sở tiếp nhận lao động thực tập ở nước ngoài;
- Nội dung: Hợp đồng nhận lao động thực tập phải thoả thuận rõ về quyền, nghĩa vụ của các bên trong việc đưa đi và tiếp nhận người lao động của doanh nghiệp đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài.
- Hợp đồng nhận lao động thực tập phải phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận người lao động thực tập và có những nội dung chính sau đây:
+ Thời hạn thực tập;
+ Số lượng người lao động; ngành, nghề thực tập; độ tuổi của người lao động;
+ Địa điểm thực tập;
+ Điều kiện, môi trường thực tập;
+ Thời giờ thực tập, thời giờ nghỉ ngơi;
+ An toàn, vệ sinh lao động;
+ Tiền lương, tiền công;
+ Điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, đi lại;
+ Chế độ khám bệnh, chữa bệnh;
+ Chế độ hảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm khác (nếu có);
+ Điều kiện chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và trách nhiệm bồi thường thiệt hại;
+ Trách nhiệm trả chi phí đi lại từ Việt Nam đến nơi thực tập và ngược lại;
+ Trách nhiệm của các bên khi người lao động gặp rủi ro trong thời gian thực tập ở nước ngoài;
+ Trách nhiệm của các bên trong việc giải quyết vấn đề phát sinh đối với người lao động trong thời gian thực tập ở nước ngoài;
+ Cơ chế, thủ tục và pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp;
+ Thỏa thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Bước 2: Đăng ký Hợp đồng nhận lao động thực tập
1. Hồ sơ đăng ký Hợp đồng nhận lao động thực tập bao gồm:
- Văn bản đăng ký hợp đồng nhận lao động thực tập;
- Bản sao hợp đồng nhận lao động thực tập kèm theo bản dịch tiếng Việt được chứng thực;
- Tài liệu chứng minh việc đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài phù hợp với pháp luật của nước tiếp nhận lao động;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và giấy tờ chứng minh việc ký quỹ của doanh nghiệp theo quy định.
2. Nơi tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả:
- Đối với doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài có thời gian dưới 90 ngày phải đăng ký tại cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính
- Đối với doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài có thời gian từ 90 ngày trở lên phải đăng ký tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
3. Trình tự thực hiện:
- Doanh nghiệp nộp hồ sơ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét và có thể yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ nếu hồ sơ chưa đầy đủ;
- Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp, nếu không chấp thuận phải nêu rõ lý do.
4. Kết quả thực hiện: Văn bản chấp thuận việc đăng ký Hợp đồng.
Bước 3: Ký kết Hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài
Sau khi được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với Hợp đồng nhận lao động thực tập, doanh nghiệp tiến hành ký kết Hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài với người lao động của mình về việc đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài.
Lưu ý: Hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài phải bảo đảm quy định của Bộ luật Lao động và phù hợp với nội dung của hợp đồng nhận lao động thực tập.
Bước 4: Đưa người lao động sang nước ngoài làm việc theo Hợp đồng đã ký kết
Sau khi hoàn thiện các thủ tục về mặt pháp lý trên, doanh nghiệp có thể tiến hành đưa người lao động sang làm việc tại các cơ sở tiếp nhận thực tập để thực hiện các công việc theo quy định tại Hợp đồng.
Trên đây là toàn bộ thủ tục mà các Quý doanh nghiệp phải thực hiện khi đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài. Nếu Quý doanh nghiệp còn có bất cứ vướng mắc liên quan đến thủ tục này, xin vui lòng liên hệ với công ty Luật Thành Đô để được tư vấn miễn phí!
THÔNG TIN LIÊN HỆ Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN Hotline: 0919 089 888 Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn Website: www.luatthanhdo.com.vn |
Bình luận