Thành lập công ty có vốn nước ngoài kinh doanh vận tải biển

Kinh doanh vận tải biển được định nghĩa là: “việc sử dụng tàu biển để kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, hành lý”. Luật đầu tư năm 2020 và các văn bản pháp luật có liên quan quy định rất cụ thể về thủ tục thành lập công ty có vốn nước ngoài kinh doanh vận tải biển.

Luật Thành Đô trân trọng giới thiệu bài viết: “Thành lập công ty có vốn nước ngoài kinh doanh vận tải biển”.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

 - Luật đầu tư năm 2020;

- Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật đầu tư;

- Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư;

- Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Thành lập công ty có vốn nước ngoài kinh doanh vận tải biển

II. ĐIỀU KIỆN ĐỂ CÔNG TY CÓ VỐN NƯỚC NGOÀI KINH DOANH VẬN TẢI BIỂN

Theo quy định tại nghị định số: 160/2016/NĐ-CP, điều kiện để kinh doanh vận tải biển bao gồm:

- Đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển quốc tế, các đáp ứng các điều kiện sau:

(1) Điều kiện về tổ chức bộ máy:

+ Có bộ phận quản lý an toàn theo quy định của Bộ luật quốc tế về quản lý an toàn (ISM Code);

+ Doanh nghiệp phải có bộ phận quản lý an ninh hàng hải theo quy định của Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và bến cảng (ISPS Code);

+ Doanh nghiệp phải có bộ phận quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác vận tải biển;

+ Doanh nghiệp phải có bộ phận thực hiện công tác pháp chế.

(2) Điều kiện về tài chính: Doanh nghiệp phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài để bảo đảm nghĩa vụ của chủ tàu đối với thuyền viên (mức bảo lãnh tối thiểu là 05 tỷ đồng Việt Nam).

(3) Điều kiện về tàu thuyền: Doanh nghiệp phải có tối thiểu 01 tàu biển; trường hợp tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì phải phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.

(4) Điều kiện về nhân lực như sau:

+ Về người phụ trách hệ thống quản lý an toàn, an ninh hàng hải: người phụ trách đó phải được đào tạo, huấn luyện và được cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

+ Người phụ trách bộ phận quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác vận tải biển: người phụ trách này phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc một trong các chuyên ngành hàng hải, ngoại thương, thương mại hoặc kinh tế;

+ Về người phụ trách bộ phận thực hiện công tác pháp chế: người phụ trách này phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc chuyên ngành luật;

+ Về thuyền viên làm việc trên tàu biển phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chuyên môn, tiêu chuẩn về sức khỏe và được cấp chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Trường hợp thuyền viên Việt Nam thì phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chuyên môn, được cấp chứng chỉ chuyên môn do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định; đáp ứng các tiêu chuẩn về sức khỏe do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

- Đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển nội địa thì điều kiện như sau:

(1) Điều kiện về tổ chức bộ máy: Doanh nghiệp phải có bộ phận quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác vận tải biển.

(2) Điều kiện về tài chính: Doanh nghiệp phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài để bảo đảm nghĩa vụ của chủ tàu đối với thuyền viên (mức bảo lãnh tối thiểu là 500 triệu đồng Việt Nam).

(3)Điều kiện về tàu thuyền: Doanh nghiệp phải có tối thiểu 01 tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.

(4) Điều kiện về nhân lực

+ Về người phụ trách bộ phận quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác vận tải biển: người phụ trách phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc một trong các chuyên ngành hàng hải, ngoại thương, thương mại hoặc kinh tế;

+ Về thuyền viên làm việc trên tàu biển phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chuyên môn, tiêu chuẩn về sức khỏe và được cấp chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Đối với thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chuyên môn, được cấp chứng chỉ chuyên môn do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định; đáp ứng các tiêu chuẩn về sức khỏe do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

- Đối với tổ chức nước ngoài tham gia vận chuyển nội địa bằng tàu thuyền mang cờ quốc tịch Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau:

(1) Tổ chức nước ngoài tham gia vận tải nội địa bằng tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam phải thành lập doanh nghiệp liên doanh theo quy định, theo đó tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 49% vốn điều lệ của doanh nghiệp.

(3) Thuyền viên nước ngoài được phép làm việc trên tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam hoặc tàu biển được đăng ký tại Việt Nam thuộc sở hữu của các doanh nghiệp liên doanh tại Việt Nam tuy nhiên tổng số thuyền viên nước ngoài không được vượt quá 1/3 định biên của tàu biển; đồng thời, thuyền trưởng hoặc thuyền phó nhất của tàu biển đó phải là công dân Việt Nam.

(3) Doanh nghiệp phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển theo quy định tại Nghị định số: 160/2016/NĐ-CP.

III. THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY CÓ VỐN NƯỚC NGOÀI KINH DOANH VẬN TẢI BIỂN

Đối với thủ tục này, Doanh nghiệp thực hiện theo các bước sau:

- Bước 1: Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

- Bước 2: Thành lập công ty kinh doanh vận tải biển tại Phòng đăng ký kinh doanh;

- Bước 3: Xin giấy phép kinh doanh vận tải biển.

3.1. Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

- Danh mục hồ sơ bao gồm:

(1) Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;

(2) Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;

(3) Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;

(4) Đề xuất dự án đầu tư.

Nếu pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;

(5) Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;

(6) Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).

- Doanh nghiệp nộp hồ sơ trên tại Cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền. Trong thời hạn theo quy định của Luật đầu tư năm 2020 sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

3.2. Hồ sơ thành lập công ty kinh doanh vận tải biển tại Phòng đăng ký kinh doanh

- Danh mục hồ sơ bao gồm:

(1) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

(2) Điều lệ công ty;

(3) Danh sách công ty/ Danh sách cổ đông sáng lập/ Danh sách người đại diện theo ủy quyền;

(4) Bản sao hợp lệ giấy tờ pháp lý của người đại diện theo pháp luật và Chủ sở hữu/thành viên công ty/cổ đông của công ty.

(5) Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Lưu ý: Đối với công ty kinh doanh vận tải biển, Quý khách có thể bổ sung các ngành nghề sau:

+ Vận tải hành khách ven biển và viễn dương- mã ngành 5011;

+ Vận tải hàng hóa ven biển và viễn dương- mã ngành 5012;

+ Vận tải hành khách đường thủy nội địa – mã ngành 5021;

+ Vận tải hàng hóa đường thủy nội địa- mã ngành 5022.

- Quý khách chuẩn bị 01 bộ hồ sơ nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt địa chỉ trụ sở chính. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

3.3. Hồ sơ xin giấy phép kinh doanh vận tải biển

- Danh mục hồ sơ bao gồm các tài liệu sau:

(1) Tờ khai đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển;

(2) Danh sách các chức danh kèm theo hồ sơ của từng chức danh và bằng, chứng chỉ liên quan của các chức danh quy định tại khoản 1 Điều 5 và khoản 1 Điều 6 của Nghị định số: 160/2016/NĐ-CP;

(3) Văn bản bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 5 hoặc khoản 2 Điều 6 của Nghị định số 160/2016/NĐ-CP;

(4) Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển.

- Doanh nghiệp chuẩn bị 01 bộ hồ sơ nộp tại Cục hàng hải Việt Nam.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, Cục hàng hải Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển.

Thành lập công ty có vốn nước ngoài kinh doanh vận tải biển

3.4. Lưu ý khi thành lập công ty có vốn nước ngoài kinh doanh vận tải biển

Đối với trường hợp tổ chức nước ngoài tham gia vận chuyển nội địa bằng tàu thuyền mang cờ quốc tịch Việt Nam thì phải thành lập công ty liên doanh.

Trên đây là bài viết của Luật Thành Đô về: “Thành lập công ty có vốn nước ngoài kinh doanh vận tải biển”. Mọi vướng mắc liên quan đến thủ tục này, Quý khách vui lòng liên hệ số hotline của Luật Thành Đô 0919 089 888 để được Luật sư giải đáp chi tiết.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận