Thủ tục bổ sung ngành nghề có điều kiện trên Giấy phép đầu tư

Theo quy định tại khoản 1 điều 7 Luật đầu tư năm 2020, ngành nghề kinh doanh có điều kiện là: “ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Khi nhà đầu tư muốn bổ sung ngành nghề có điều kiện trên Giấy phép đầu tư cần thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Luật Thành Đô trân trọng giới thiệu bài viết Thủ tục bổ sung ngành nghề có điều kiện trên Giấy phép đầu tư.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật đầu tư năm 2020;

- Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật đầu tư;

- Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư;

- Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Thủ tục bổ sung ngành nghề có điều kiện trên Giấy phép đầu tư

II. THỦ TỤC BỔ SUNG NGÀNH NGHỀ CÓ ĐIỀU KIỆN TRÊN GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ

2.1. Hồ sơ bổ sung ngành nghề có điều kiện trên Giấy phép đầu tư

Danh mục hồ sơ bổ sung ngành nghề có điều kiện trên Giấy phép đầu tư bao gồm các tài liệu sau:

(1) Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư (theo mẫu);

(2) Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm điều chỉnh bổ sung ngành nghề có điều kiện;

(3) Quyết định của nhà đầu tư về việc điều chỉnh dự án đầu tư (bổ sung ngành ngề có điều kiện) đối với nhà đầu tư là tổ chức;

- Tài liệu về việc giải trình hoặc cung cấp tài liệu liên quan đến việc bổ sung ngành nghề có điều kiện (hay còn gọi là mục tiêu đầu tư) như sau:

+ Giải trình ngành nghề có điều kiện;

+ Thuyết minh năng lực tài chính khi bổ sung ngành nghề có điều kiện (số vốn đã dùng để thực hiện cho mục tiêu hiện tại có đủ để đầu tư cho việc bổ sung ngành nghề có điều kiện mới hay không?)

+ Báo cáo tài chính của tổ chức kinh tế thực hiện dự án năm gần nhất hoặc xác nhận của ngân hàng nhà đầu tư đã góp đủ vốn.

(4) Bản giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;

(5) Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;

(6) Các tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).

2.2. Trình tự thực hiện thủ tục bổ sung ngành nghề có điều kiện trên Giấy phép đầu tư

- Đối với dự án đầu tư thuộc diện không phải xin chấp thuận chủ trương, thủ tục bổ sung ngành nghề có điều kiện trên Giấy phép đầu tư thực hiện như sau:

+ Nhà đầu tư chuẩn bị 01 bộ hồ sơ nộp tại Cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền.

+ Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền cấp Giấy phép đầu tư đã điều chỉnh cho Nhà đầu tư.

- Đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, thủ tục bổ sung ngành nghề có điều kiện trên Giấy phép đầu tư thực hiện như sau:

+ Nhà đầu tư chuẩn bị 08 bộ hồ sơ nộp tại Bộ kế hoạch và đầu tư.

+ Trong thời hạn 63 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ bổ sung ngành nghề có điều kiện hợp lệ, Bộ kế hoạch và đầu tư cấp Giấy phép đầu tư đã điều chỉnh cho nhà đầu tư.

- Đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thủ tục bổ sung ngành nghề có điều kiện trên Giấy phép đầu tư thực hiện như sau:

+ Nhà đầu tư chuẩn bị 04 bộ hồ sơ nộp tại Sở kế hoạch và đầu tư.

+ Trong thời hạn 55 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ bổ sung ngành nghề có điều kiện hợp lệ, Sở kế hoạch và đầu tư cấp Giấy phép đầu tư đã điều chỉnh cho nhà đầu tư.

- Đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, thủ tục bổ sung ngành nghề có điều kiện trên Giấy phép đầu tư thực hiện như sau:

+ Nhà đầu tư chuẩn bị 04 bộ hồ sơ nộp tại Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

+ Trong thời hạn 48 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ bổ sung ngành nghề có điều kiện hợp lệ, Ban quản lý khu đó cấp Giấy phép đầu tư đã điều chỉnh cho nhà đầu tư.

III. MỘT SỐ LƯU Ý KHI BỔ SUNG NGÀNH NGHỀ CÓ ĐIỀU KIỆN TRÊN GIẤY PHÉP ĐẦU TƯ

Theo quy định của Luật đầu tư năm 2020, nhà đầu tư khi muốn bổ sung ngành nghề có điều kiện trên Giấy phép đầu tư cần đáp ứng các điều kiện sau

- Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài như:

+ Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;

+ Hình thức đầu tư;

+ Phạm vi hoạt động đầu tư;

+ Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;

+ Và điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Khi bổ sung ngành nghề có điều kiện, nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường quy định tại Điều 18 Nghị định 31/2021/NĐ-CP:

+ Nhà đầu tư nước ngoài chỉ được bổ sung ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Mục B Phụ lục I Nghị định số: 31/2021/NĐ-CP. Khi thực hiện hoạt động đầu tư thuộc các ngành, nghề khác nhau quy định tại Mục B Phụ lục I Nghị định số:31/2021/NĐ-CP thì nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng toàn bộ điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề đó.

+ Đối với các ngành nghề Việt Nam chưa cam kết về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như sau:

Nếu các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ không có quy định hạn chế tiếp cận thị trường đối với ngành nghề đó thì nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước;

Nếu pháp luật Việt Nam đã có quy định về hạn chế tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành, nghề đó thì áp dụng quy định của pháp luật Việt Nam.

- Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài còn phải đáp ứng các điều kiện (nếu có):

+ Về sử dụng đất đai, lao động; các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản;

+ Về Sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ công hoặc hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước;

+ Về sở hữu, kinh doanh nhà ở, bất động sản;

+ Về áp dụng các hình thức hỗ trợ, trợ cấp của Nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực hoặc phát triển vùng, địa bàn lãnh thổ;

+ Điều kiện về tham gia chương trình, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước;

+ Điều kiện khác theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư có quy định không cho phép hoặc hạn chế tiếp cận thị trường đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

 - Ngoài ra, nhà đầu tư được quyền kinh doanh trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư năm 2020 kể từ khi đáp ứng đủ điều kiện và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh của mình.

Thủ tục bổ sung ngành nghề có điều kiện trên Giấy phép đầu tư

Trên đây là bài viết của Luật Thành Đô về: “Thủ tục bổ sung ngành nghề có điều kiện trên Giấy phép đầu tư”. Mọi vướng mắc liên quan đến thủ tục này, Quý khách vui lòng liên hệ hotline 0919 089 888 để được tư vấn chi tiết.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận