THỦ TỤC THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN

THỦ TỤC THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN

        “Mọi thủ tục pháp lý đều được thực hiện trên cơ sở quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, mọi văn bản khác đều chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị pháp lý.”

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật doanh nghiệp 2020;

- Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;

- Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành;

- Các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

II. THỦ TỤC THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN

1. Doanh nghiệp tư nhân là gì?

Theo quy định tại tại Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân có một số hạn chế như sau:

  • Không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào;
  • Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh;
  • Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

2. Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân

2.1. Thành phần hồ sơ

Căn cứ Điều 21 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân gồm:

- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.

2.2. Quy trình thực hiện

Căn cứ quy định tại Điều 32 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp như sau:

“Điều 32. Tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp

1. Người nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

2. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được tiếp nhận để nhập thông tin vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có đủ giấy tờ theo quy định tại Nghị định này;

b) Tên doanh nghiệp đã được điền vào Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Giấy đề nghị đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;

c) Có địa chỉ liên lạc của người nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp;

d) Đã nộp đủ phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định.

3. Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.

4. Sau khi trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh nhập đầy đủ, chính xác thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và tải các văn bản đã được số hóa trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

5. Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có thể dừng thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp khi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp chưa được chấp thuận trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trong trường hợp này, người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị dừng thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đã nộp hồ sơ. Phòng Đăng ký kinh doanh xem xét, ra thông báo về việc dừng thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp và hủy hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy trình trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị. Trường hợp từ chối dừng thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối cho người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp.”

2.3. Cơ quan thụ lý: Phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh /thành phố nơi đặt trụ sở chính.

2.4. Thời hạn giải quyết: 03 ngày làm việc  

2.5. Kết quả: Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp

III. Ý KIẾN LUẬT SƯ – CÁC LƯU Ý CỦA THÀNH ĐÔ

Việc đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân cần lưu ý một số nội dung như sau:

- Thứ 1: Cần lưu ý về trách nhiệm pháp lý của Doanh nghiệp tư nhân và các loại hình Công ty.

Đối với Công ty thì trách nhiệm của các thành viên/cổ đông chỉ giới hạn trong phạm vi số vốn đã góp; theo đó dù khoản nợ của Công ty có lớn đến đâu thì các thành viên/cổ đông cũng chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp đã đăng ký (hay chính là vốn điều lệ của Công ty). Còn đối với Doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình cho đến khi hết nợ - đây gọi là “trách nhiệm vô hạn”.

- Thứ 2: Về tư cách pháp nhân. Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân.

- Thứ 3: Trước khi đăng ký thành lập, chủ doanh nghiệp nên xem xét dự kiến kế hoạch phát triển kinh doanh để so sánh các ưu nhược điểm của việc thành lập Doanh nghiệp tư nhân và thành lập Công ty.

- Thứ 4: Lưu ý khi làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp hay bị các lỗi về đặt tên doanh nghiệp và ngành nghề kinh doanh. Tên doanh nghiệp phải được đối chiếu trên phạm vi cả nước. Ngành nghề kinh doanh phải ghi theo Danh mục ngành nghề kinh tế tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg và các văn bản hướng dẫn liên quan.

         

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Giám đốc - Luật sư. NGUYỄN LÂM SƠN

Hotline: 0919 089 888

Trụ sở chính: Tầng 6, Tòa tháp Ngôi sao, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội

Email: luatsu@luatthanhdo.com.vn

Website: www.luatthanhdo.com.vn

Bình luận